24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thiên Anh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

HoREA kiến nghị: Không áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư nâng cấp đường bộ hiện hữu

Mới đây, Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) đã có văn bản đóng góp ý kiến cho “Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh” (Nghị quyết) đang được Quốc hội khóa XV xem xét tại Kỳ họp thứ 5.

Đề xuất không áp dụng hợp đồng BOT với dự án nâng cấp đường bộ hiện hữu

Tại văn bản này, HoREA cho rằng: Một số cơ chế, chính sách đặc thù của Dự thảo Nghị quyết còn bất cập hoặc chưa khả thi hoặc chưa phù hợp với tính chất của “Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù” (chỉ quy định thực hiện “thí điểm” những nội dung cơ chế, chính sách mà các Luật hiện hành chưa quy định). Một trong những nội dung đó là quy định “Áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hoá công trình đường bộ hiện hữu”.

HoREA nhận thấy: Vấn đề này trước đây đã được các cấp có thẩm quyền và Quốc hội xem xét kỹ lưỡng nên đã quyết định có tính nguyên tắc đối với dự án PPP, trong đó có dự án BOT tại Luật PPP.

Cụ thể, điểm a khoản 1 Điều 45 Luật PPP quy định: “Hợp đồng BOT là hợp đồng mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được nhượng quyền để xây dựng, kinh doanh, vận hành công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng trong thời hạn nhất định. Hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chuyển giao công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng đó cho Nhà nước” có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người sử dụng công trình BOT do phải “trả phí” và cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng trực tiếp.

Khoản 5 Điều 7 Luật PPP cũng đã quy định nguyên tắc thực hiện dự án PPP là phải “Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng và cộng đồng” để không xảy ra “xung đột lợi ích” giữa “nhà đầu tư, người sử dụng và cộng đồng”, như đã từng xảy ra “xung đột lợi ích” giữa “nhà đầu tư, người sử dụng và cộng đồng” tại một số địa phương trong những năm trước đây.

Khoản 4 Điều 45 Luật PPP cũng quy định rõ: “Đối với dự án quy định tại điểm b khoản 9 Điều 3 của Luật này, không áp dụng loại hợp đồng thông qua cơ chế thu phí trực tiếp từ người sử dụng”.

Điểm b khoản 9 Điều 3 Luật PPP quy định rất cụ thể một trong các loại dự án PPP là dự án “Cải tạo, nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa, vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có”, trong đó có dự án “nâng cấp, mở rộng, hiện đại hoá công trình đường bộ hiện hữu”.

HoREA cho rằng: Nếu nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới đường giao thông, trong đó có đường bộ theo hợp đồng BOT thì hợp lý. Nhưng đối với đường bộ hiện hữu mà thực hiện theo hợp đồng BOT thì chắc chắn sẽ dẫn đến “xung đột lợi ích” giữa “nhà đầu tư, người sử dụng và cộng đồng”.

Do vậy, HoREA đề nghị cần bỏ điểm c khoản 3 Điều 4 “Dự thảo Nghị quyết”. Cụ thể, không nên “áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hoá công trình đường bộ hiện hữu” để tránh xảy ra “xung đột lợi ích” giữa chủ đầu tư dự án với người dân sử dụng tuyến đường BOT phải “trả phí”, tiềm ẩn phát sinh “điểm nóng” trong xã hội.

Đề xuất thực hiện dự án đầu tư nâng cấp đường bộ hiện hữu theo hợp đồng BT, sử dụng vốn ngân sách

Cũng trong văn bản đóng góp ý kiến nói trên, HoREA đề nghị: Nên “thực hiện dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hoá công trình đường bộ hiện hữu theo hợp đồng BT, sử dụng nguồn vốn ngân sách của thành phố để thanh toán cho nhà đầu tư”.

HoREA phân tích: Tại điểm d khoản 3 Điều 4 “Dự thảo Nghị quyết” đã đề xuất cho phép “Thành phố được thực hiện dự án đầu tư theo hợp đồng BT, sử dụng nguồn vốn ngân sách Thành phố để thanh toán cho nhà đầu tư” bao gồm các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng, hiện đại hoá “đường bộ hiện hữu” theo phương thức “xã hội hóa đầu tư” theo hợp đồng BT. Đây là phương thức xã hội hoá đầu tư rất hiệu quả, nên “luật hoá” để áp dụng chung trong phạm vi cả nước.

HoREA cho rằng: Do các quy định pháp luật trước đây chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng làm thất thu ngân sách nhà nước, thất thoát tài sản công là nguồn lực đất đai và làm cho môi trường đầu tư kém minh bạch, thiếu tính cạnh tranh, không công bằng, nên điểm d khoản 5 Điều 101 Luật PPP 2020 đã quy định: Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành (01/01/2021), việc chuyển tiếp thực hiện dự án áp dụng loại hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (BT) được thực hiện như sau:… “Dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng BT”.

Theo HoREA, đây là quyết định rất đúng, rất cần thiết. Nhưng sau 3 năm dừng dự án BT mới, Hiệp hội nhận thấy đến nay rất cần thiết xem xét cho phép tái khởi động trở lại các dự án đầu tư xây dựng theo hình thức Hợp đồng BT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư, dứt khoát không thanh toán bằng quỹ đất để nhà đầu tư thực hiện “dự án khác”.

Nhà nước tạo nguồn vốn ngân sách thông qua hoạt động “đầu tư phát triển quỹ đất; Quỹ phát triển đất; Tổ chức phát triển quỹ đất; đấu giá quyền sử dụng đất” theo quy định của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), để huy động nguồn lực của khu vực tư nhân đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, công trình giao thông… theo chủ trương xã hội hoá đầu tư của Đảng và Nhà nước.

Với những phân tích nói trên, HoREA đề nghị bổ sung điểm d khoản 3 Điều 4 Dự thảo Nghị quyết: “Thành phố được thực hiện dự án đầu tư theo hợp đồng BT, trong đó có dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hoá công trình đường bộ hiện hữu, phù hợp theo quy hoạch được phê duyệt đối với loại đường phố chính đô thị, đường trên cao đảm bảo hiệu quả kinh tế xã hội, chất lượng công trình dự án không gây thất thoát ngân sách nhà nước... Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định sử dụng nguồn vốn ngân sách Thành phố và bố trí vốn chuẩn bị đầu tư, dự toán ngân sách hàng năm để thanh toán cho nhà đầu tư sau khi công trình hoặc hạng mục công trình vận hành độc lập được hoàn thành nghiệm thu, kiểm toán và căn cứ giá trị, tiến độ quy định trong Hợp đồng BT…”.

HoREA cũng đề nghị Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét nên “luật hoá” điểm d khoản 3 Điều 4 “Dự thảo Nghị quyết” trên cơ sở xem xét có thể dừng thực hiện hoặc bãi bỏ điểm d khoản 5 Điều 101 Luật PPP năm 2020 và giao Chính phủ quy định “thí điểm” theo cơ chế thực hiện dự án theo hình thức Hợp đồng BT trên cơ sở nội dung điểm d khoản 3 Điều 4 “Dự thảo Nghị quyết” mà Hiệp hội góp ý trên đây để áp dụng chung trong cả nước.

HoREA kiến nghị xem xét xây dựng đồng bộ các quy định pháp luật để điều chỉnh hoạt động đầu tư xây dựng dự án theo hình thức Hợp đồng BT.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả