Họp ĐHĐCĐ Vĩnh Hoàn: Ngân sách đầu tư hơn 1.500 tỷ năm 2022, lợi nhuận quý I khoảng 540 tỷ đồng
HĐQT xác định năm nay là cột mốc hoàn tất các dự án đầu tư quan trọng đã khởi động từ năm trước và một số dự án khác để tăng tốc chiến lược 5 năm 2021-2025.
Kế hoạch lãi 1.600 tỷ đồng, tăng 46%
Sáng 20/4, Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2022 để thông qua kế hoạch kinh doanh 2022 và các định hướng hoạt động trong tương lai.
Tại đại hội, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT chia sẻ nếu như năm 2020, ngành cá tra “mắc cạn” khi các thị trường xuất khẩu chính bị ảnh hưởng thì năm 2021 gặp khó khăn từ nội tại trước ảnh hưởng của dịch bệnh bùng phát mạnh trong nước. Việc duy trì hoạt động sản xuất gặp khó trước các biện pháp giãn cách xã hội. Trong bối cảnh đó, Vĩnh Hoàn đã ứng phó linh hoạt dịch bệnh theo từng giai đoạn, giúp sản xuất đáp ứng được 50% công suất rồi nâng dần lên 90%. Điều này giúp doanh nghiệp duy trì được chuỗi cung ứng và đạt kết quả kinh doanh khả quan.
Cụ thể, công ty ghi nhận doanh thu 9.054 tỷ đồng, vượt 5% so với kế hoạch đề ra và tăng 26,3% so với năm 2020; lợi nhuận sau thuế 1.099 tỷ đồng, vượt 57 và tăng 53%. Với kết quả này, HĐQT đề xuất chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông tỷ lệ 20% bằng tiền mặt, đã tạm ứng đủ.
Năm nay, HĐQT trình kế hoạch doanh thu 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.600 tỷ đồng, lần lượt tăng 44% và 46% so với thực hiện năm 2021. Kế hoạch cổ tức gồm 20% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu.
Bà Trương Tuyết Hoa, Thành viên HĐQT cho biết kế hoạch lợi nhuận trình bày tại đại hội tăng thêm 100 tỷ đồng so với trước đó do ban lãnh đạo nhận thấy nhu cầu các tháng đầu năm rất tốt, đơn hàng nhận về nhiều, tình hình tiêu thụ sản phẩm ở các siêu thị cũng rất tốt.
Chia sẻ bên lề đại hội, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc cho biết lợi nhuận quý I khoảng 540 tỷ đồng.
Tăng tốc đầu tư, lên kế hoạch giải ngân 1.530 tỷ đồng
Năm 2021, Vĩnh Hoàn giải ngân 531 tỷ đồng cho các dự án đầu tư. Trong đó, doanh nghiệp giải ngân cho dự án nhà máy thức ăn thủy sản 333 tỷ đồng; trại nuôi cá giống, nhà máy Sa Giang 3 và cải tạo các nhà máy chế biến cá 198 tỷ đồng.
Năm nay, công ty dự kiến đầu tư 1.530 tỷ đồng, bao gồm 100 tỷ đồng xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi; 350 tỷ đồng xây dựng xưởng chế biến bột cá-mỡ cá và cải tạo nhà máy tại công ty Thanh Bình; 150 tỷ đồng đầu tư thêm 1 line sản xuất Collagen, 1 line cho hoạt động R&D và cải tạo nhà máy tại công ty Vĩnh Hoàn Collagen; 500 tỷ đồng đầu tư nhà máy chế biến trái cây Thành Ngọc tại Đồng Tháp; 280 tỷ đồng các khoản đầu tư cho mở rộng vùng nuôi; và 150 tỷ đồng các khoản đầu tư cho cải tạo nhà máy Vĩnh Phước, Vĩnh Hoàn, Sa Giang.
HĐQT xác định năm nay là cột mốc hoàn tất các dự án đầu tư quan trọng đã khởi động từ năm trước và một số dự án khác để tăng tốc chiến lược 5 năm 2021-2025. Trong đó, Vĩnh Hoàn tập trung vào 4 lĩnh vực gồm Vinh Foods, Vinh Wellness, Vinh Agriculture, Vinh Techonology.
Với Vinh Foods – ngành nghề cốt lõi, doanh nghiệp phát triển trung tâm giống cá tra diện tích 90 ha, khánh thành và đưa hoạt động từ quý I; mở rộng vùng nuôi cá nguyên liệu thêm 100-150 ha, nâng tỷ lệ tự chủ lên 70%.
Đồng thời, công ty tiến hành mở rộng chuỗi nuôi trồng thủy sản là sản xuất thức ăn cho cá, nhà máy thức ăn thủy sản của Vĩnh Hoàn đặt tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp với công suất 350.000 tấn/năm đi vào hoạt động vào tháng 4 sẽ đóng góp đáng kể và lợi nhuận của toàn tập đoàn bắt đầu từ năm 2022.
Tiếp đến khâu chế biến, Vĩnh Hoàn đặt trọng tâm đầu tư cải tạo, mở rộng các nhà máy hiện hữu và có thể xây mới để vượt mốc công suất 1.000 tấn nguyên liệu/ngày, đảm bảo số lượng và chất lượng sản phẩm cung cấp cho thị trường thực phẩm toàn cầu đang ngày càng tăng.
Vinh Wellness cùng với mảng kinh doanh mới là Vinh Agriculture kết hợp với nhau trong thời gian tới là mảnh ghép giữa năng lực nghiên cứu phát triển sẵn có và nguồn nguyên liệu mới từ rau quả, hoàn thiện mô hình kinh tế tuần hoàn mà Vĩnh Hoàn đã xây dựng và phát triển trong các năm qua. Sau khi chế biến các sản phẩm rau quả, các sản phẩm phụ như vỏ, vụn sẽ là nguồn chế tạo ra các sản phẩm khác như chất tạo màu thiên nhiên, bột, dầu, bơ. Ngoài ra, tại nhà máy Collagen cũng đã cho ra đời các sản phẩm nước trái cây lên men, kẹo gummy hương trái cây, sản phẩm Xavia Collagen, Gelatin sẵn sàng cho các đợt chào hàng và chiến dịch tung hàng trong năm 2022. Công ty tìm kiếm cơ hội để phát triển theo hướng các sản phẩm ứng dụng collagen và gelatin, đồng thời nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và tìm kiếm nguồn nguyên liệu mới trong mảng protein bổ sung và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe khác.
Công ty đã thực hiện lễ khởi công xây dựng nhà máy Vinh Agriculture vào đầu năm và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022. Sản phẩm chính gồm trái cây sấy lạnh, rau củ đông lạnh và trái cây cô đặc, chủ lực sẽ là thanh long, khóm và xoài.
Cuối cùng, Vinh Technology có chiến lược tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các công nghệ mới và nỗ lực thay đổi để giảm thiểu dấu chân carbon trong suốt chuỗi chế biến thực phẩm.
Một nội dung khác của đại hội, HĐQT trình phát hành không quá 2% vốn điều lệ, tương đương tối đa 3,67 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên công ty với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Mỗi 12 tháng cán bộ công nhân viên của công ty được chuyển nhượng 20% số ESOP trên.
Ngoài ra, đại hội cũng tiến hành bầu HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2022-2026. Nhân tố mới trong HĐQT gồm ông Nguyễn Văn Khánh, sinh năm 1982, trình độ Thạc sỹ Tài chính Ngân hàng và ông Lê Văn Nhật, sinh năm 1990, Cử nhân Công nghệ Thông tin.
Ông Khánh giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thủy sản Cà Mau, Thành viên HĐQT Công ty cổ phần Thương nghiệp Cà Mau, Phó Giám đốc phụ trách Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt CN TP HCM. Ông Nhật hiện là Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Giải pháp Quy trình Thông Minh (SPS).
- Biên lợi nhuận gộp 2021 đạt 21%, trong đó các nhóm sản phẩm như thế nào? Làm sao để bảo vệ biên lợi nhuận?
- Doanh số chính của VHC là cá phi lê, các sản phẩm khác như colagen và gelatin biên lợi nhuận gộp tốt hơn nhưng tỷ trọng thấp. Vĩnh Hoàn có mục tiêu tăng lợi nhuận gấp đôi vào 2025 nên có những chiến lược mở rộng với ngành nghề cốt lõi và đẩy mạnh các sản phẩm mới có biên lợi nhuận tốt hơn.
Đồng thời, doanh nghiệp đang có các kế hoạch để nâng khả năng tự chủ được nguồn nguyên liệu được 70%, khi đó sẽ kiểm soát được và bảo vệ được biên lợi nhuận. Ngoài ra, công ty cũng tăng cường đầu tư thiết bị để giảm nhân công, giảm chi phí vận hành xuống.
- Triển vọng phát triển của Sa Giang?
- Sa Giang đã hoàn tất nhà máy thứ 3 sản xuất các sản phẩm từ gạo như bún khô, miến khô tăng công suất gấp 2,5 lần. Theo đó, 2 động lực tăng trưởng của Sa Giang gồm bán thêm các sản phẩm như bún khô, miến khô và Vĩnh Hoàn dựa trên thế mạnh của mình để nâng tầm thương hiệu Sa Giang, tạo doanh số và biên lợi nhuận tốt hơn.
- Chia sẻ về triển vọng các thị trường ra sao?
-Sau đại dịch, nhu cầu của hầu hết các thị trường đều tăng mạnh, châu Âu đang trên đà phục hồi, thị trường Trung Quốc cũng sẽ tăng trưởng dương nhưng không nóng như các năm trước do hàng rào kiểm dịch bệnh.
Riêng với châu Âu, Vĩnh Hoàn có 2 lợi thế chính. Thứ nhất là thuế nhập khẩu, nếu trước đây là 5,5% (so với các cá trắng khác là không có thuế) thì hiện đang giảm dần về 0%. Lợi thế thứ 2, cá tra Việt Nam hưởng lợi đáng kể từ chiến tranh Nga – Ukraine, Vĩnh Hoàn nhận được lượng đơn hàng tăng cao từ khối châu Âu. Trong dài hạn, Vĩnh Hoàn cũng nhìn thấy triển vọng tốt với một số sản phẩm có quy cách đặc biệt.
- Quan hệ hiện nay với Vạn Đức Tiền Giang?
- Vĩnh Hoàn mua cá của Vạn Đức Tiền Giang về để làm nguồn nguyên liệu.
- Chia sẻ về phát triển sản phẩm ăn liền ở nhà máy Vĩnh Phước?
- Nhà máy Vĩnh Phước đang sản xuất cá tra, đã đầu tư xong. Nhà máy này có phân xưởng để làm sushi cho thị trường Nhật, công ty đang làm dần để luyện tay nghề. Dự án này không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn nâng cấp trình độ. Vĩnh Hoàn dự kiến trong vòng 3 năm có thể đẩy 100% công suất cho xưởng này, mục tiêu hướng tới sản phẩm ăn liền không chỉ từ cá tra mà từ cá hồi.
Vĩnh Hoàn đang tiên phong nghiên cứu để đưa con cá tra lên bàn sushi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận