menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Mai Vân

Họp ĐHĐCĐ HBC: Đã đạt 50% chỉ tiêu trúng thầu, lợi nhuận quý I đạt 10 - 20 tỷ đồng

Xây dựng Hòa Bình đặt mục tiêu năm nay với doanh thu 17.500 tỷ đồng, tăng 54% so với thực hiện năm trước, lợi nhuận hợp nhất 350 tỷ đồng, tăng 261%.

Lợi nhuận quý I khoảng 10 - 20 tỷ đồng

Sáng nay (25/4), Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2022. Ban lãnh đạo công ty cho biết kế hoạch doanh thu 5 năm tăng 5 lần đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh vào năm 2020 và 2021. Kế hoạch chiến lược năm 2022 là bản lề cho chiến lược phát triển dân dụng, công nghiệp và hạ tầng, là năm khởi đầu cho kế hoạch chiến lược 10 năm (2022 – 2032). Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT cho biết mục tiêu đến năm 2023, doanh thu đạt 437.000 tỷ đồng, LNST 21.875 tỷ đồng, tương đương 5% doanh thu. Đây là mục tiêu đầy thách thức.

Năm nay, HĐQT trình mục tiêu doanh thu 17.500 tỷ đồng, tăng 54% so với thực hiện năm trước, lợi nhuận hợp nhất 350 tỷ đồng, tăng 261%. Kế hoạch này một phần đến từ việc thoái vốn 2 dự án bất động sản (đã bán, chưa hoàn tất thủ tục để ghi nhận lợi nhuận), theo ông Lê Viết Hiếu, Tổng giám đốc.

Giá trị trúng thầu mục tiêu năm nay là 20.000 tỷ đồng, trong đó 15.000 tỷ đồng dân dụng và 5.000 tỷ đồng công nghiệp. Ông Lê Viết Hiếu công bố hiện tại, tập đoàn đã đạt gần 50% chỉ tiêu trúng thầu năm nay. Giá trị hợp đồng chuyển tiếp (Backlog) năm 2021 chuyển qua năm 2022 là 16.000 tỷ đồng, có thể ghi nhận 11.000 tỷ đồng doanh thu. Ông Hiếu khẳng định kế hoạch trúng thầu năm nay hoàn toàn đạt được, tính đến tháng 4 đã đạt 9.300 tỷ đồng.

Ông Lê Viết Hiếu nói quý I, doanh thu khoảng 2.900 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 10 – 20 tỷ đồng. Đây là thời điểm vướng tháng Tết nên chi phí phải trả tăng trong khi sản lượng không đổi nên quý này thường thấp hơn các quý khác. Về kế hoạch năm nay, ông Hiếu nói lợi nhuận sẽ được ghi nhận từ việc bán 2 dự án bất động sản.

HĐQT dự kiến phương án trả cổ tức 2021 với tỷ lệ 10%, 3% bằng tiền (khoảng 73,6 tỷ đồng) và 7% bằng cổ phiếu.

Họp ĐHĐCĐ HBC: Đã đạt 50% chỉ tiêu trúng thầu, lợi nhuận quý I đạt 10 - 20 tỷ đồng
Kết quả kinh doanh giai đoạn 2017 - 2021. Nguồn: HBC

Ban lãnh đạo định hướng đối với mảng dân dụng, bất động sản (BĐS) nhà ở sẽ phát triển trở lại do chính sách phá băng BĐS và nguồn vốn FDI cho phân khúc hạng sang đến siêu sang rất lớn. Ngoài ra, một số tỉnh thành đã mở lại các đường bay nội địa quốc tế nên lượng khách quốc tế đến Việt Nam đang dần phục hồi, tạo những cú hích cho các dự án BĐS nghỉ dưỡng vốn là những khách hàng tiềm năng của tập đoàn.

Về mảng công nghiệp, ban lãnh đạo tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển giá trị trong thị trường công nghiệp chế biến, chế tạo theo làn sóng dịch chuyển đầu tư đến Việt Nam. Tập đoàn tiếp tục là đối tác tin cậy của các nhà phát triển BĐS công nghiệp – logistic với tiềm năng thị phần tăng 300 lần trong 10 năm tới. Năm 2022, Hòa Bình đặt mục tiêu quay lại với các mảng công nghiệp nặng như nhà máy chế tạo gang thép - tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của dự án Hòa Phát Dung Quất quy mô gấp đôi giai đoạn đầu, năng lượng sạch với các nhà máy nhiệt điện, điện khí hóa lỏng như nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), nhà máy khí GAS tự nhiên T&T 1 2 3… Đây sẽ là bước đi tiền đề để phát triển doanh thu trong 10 năm tới.

Mục tiêu phát triển thị trường nước ngoài

Họp ĐHĐCĐ HBC: Đã đạt 50% chỉ tiêu trúng thầu, lợi nhuận quý I đạt 10 - 20 tỷ đồng

Nguồn: HBC

Ông Lê Viết Hải cho biết sẽ đẩy mạnh mục tiêu bước ra thị trường nước ngoài - quy mô gấp nhiều lần thị trường trong nước, tiên phong đóng góp để công nghiệp xây dựng trở thành ngành mũi nhọn của quốc gia.

Năm 2022, phòng Phát triển Thị trường Nước ngoài sẽ bắt đầu thực hiện kế hoạch chiến lược 10 năm. Ban lãnh đạo nhận định Hòa Bình có những thế mạnh khi phát triển ra thị trường nước ngoài như cung cấp vật liệu với chi phí thấp hơn; Chi phí nhân lực với khả năng sẵn; Chi phí thiết kế và tư vấn có sẵn tại Việt Nam… Dự kiến trong quý II, các văn phòng công ty thành viên của Hòa Bình tại Sydney và Brisbane sẽ mở cửa để bắt đầu các hoạt động tại australia. Theo đó, vào quý IV, tập đoàn sẽ triển khai xây dựng dự án tại khu vực Great Sydney và New South Wales, đồng thời tham gia công tác xây dựng tại Brisbane và Gold Coast nhằm chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic Brisbane sẽ diễn ra vào năm 2032.

Cũng trong quý II, công ty thành viên của tập đoàn và cũng là công ty đầu tiên của Hòa Bình tại Mỹ sẽ bắt đầu đi vào hoạt động tại Texas. Ban lãnh đạo đánh giá Texas là bang có sự tăng trưởng kinh tế đáng kể và thị trường xây dựng tại đây rất sôi động. Các điều kiện và chính sách thuế của bang cũng rất thuận lợi cho các công ty nước ngoài hoạt động. Đặc biệt, cảng quốc tế Houston đầy sôi động là một điều thuận lợi để vận chuyển vật liệu xây dựng.

Nói về kế hoạch phát triển thị trường nước ngoài bị đình trệ trong thời gian qua, ông Lê Viết Hải cho biết 2 năm đại dịch khiến Hòa Bình có những khó khăn về biến động tình hình tài chính, các chủ đầu tư ngưng triển khai dự án. Vì vậy, Hòa Bình ngưng việc góp vốn cho các dự án để đảm bảo các dự án đang vận hành trong nước. Do đó, các dự án góp vốn ở nước ngoài không thể triển khai. Việc chậm triển khai cũng làm cho giấy phép triển khai hết hạn, đến giờ thì đang xin lại giấy phép và việc này cũng là thách thức.

"Tôi xin khẳng định sự quyết tâm, ý chí của nội bộ tập đoàn đối với quyết định đầu tư ra thị trường nước ngoài. Mục tiêu chiến lược mà HĐQT đề ra là sau 10 năm phải đạt được doanh thu 437.000 tỷ đồng, lãi 21.800 tỷ đồng. Con số này là căn cứ vào doanh thu 2022 nhân lên 25 lần (quá khứ 5 năm tăng 5 lần). Trong quá khứ đã như vậy thì tại sao trong tương lai không phát triển được như vậy. Sau khi mổ sẻ kỹ thì chúng tôi thấy đây là một kế hoạch khả thi", ông Hải nói.

Vị Chủ tịch HĐQT còn chỉ ra các lợi thế mà Hòa Bình tự tin khi phát triển thị trường nước ngoài. Theo đó, năng lực nội tại của Hòa Bình là nhà thầu xây dựng hàng đầu tại Việt Nam, sử dụng công nghệ tiên tiến, có cơ hội làm việc với các nhà thầu hàng đầu trên thế giới. Hòa Bình cũng dễ dàng tìm kiếm nguồn nhân lực khi Việt Nam có lợi thế dân số vàng.

Theo ông Hải, chi phí ngành xây dựng nước ngoài gấp 3 thị trường trong nước. Nếu biết khai thác, Hòa Bình sẽ có lợi nhuận không dưới 5%, khả năng khai thác 10 - 20% doanh thu không phải là không thể.

Phát hành 12,5 triệu cổ phiếu ESOP và 74 triệu cổ phiếu riêng lẻ

HĐQT trình các cổ đông phương án phát hành 12,5 triệu cổ phiếu ESOP cho các bộ nhân viên với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Số ESOP mới phát hành bằng 5% so với số cổ phiếu đang lưu hành. Số ESOP này được dồn từ nhiều đợt của các năm trước gồm: 1,3 triệu cổ phiếu ESOP theo Nghị quyết ĐHCĐ tháng 6/2016 và tháng 4/2019; 2,5 triệu cổ phiếu ESOP theo Nghị quyết ĐHCĐ tháng 4/2017 và tháng 6/2020; 3,7 triệu cổ phiếu ESOP theo Nghị quyết ĐHCĐ tháng 4/2019; 5 triệu cổ phiếu ESOP cho năm 2022.

Ngoài ra, Hòa Bình cũng dự kiến chào bán thêm 74 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cũng như nhà đầu tư chiến lược với giá không thấp hơn giá trị sổ sách tại thời điểm phát hành. Số cổ phiếu riêng lẻ trên bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược còn chứng khoán chuyên nghiệp tối thiểu một năm. Toàn bộ số tiền thu được sẽ được sử dụng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, thanh toán các khoản nợ vay nhằm giảm áp lực tài chính. Thời gian thực hiện dự kiến là trong năm nay hoặc năm sau. Sau phát hành, vốn điều lệ của công ty dự kiến tăng lên 5.115 tỷ đồng.

Ông Lê Viết Hải cho biết đã đạt được biên bản ghi nhớ (MOU) với một đối tác Nhật Bản mua 5 triệu cổ phiếu trong đợt phát hành riêng lẻ với mức giá 32.500 đồng/cp. Bên cạnh đó, Hòa Bình vẫn tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ông vọng thị trường chứng khoán bình ổn trở lại thì khả năng thành công trong việc phát hành cổ phiếu là rất cao.

Tại đại hội, công ty cũng sẽ lấy ý kiến cổ đông về việc thông qua đơn từ nhiệm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019 - 2024 của ông Phạm Ngọc Thạnh và Park Seok Bae. Đại hội sẽ bầu thêm 2 thành viên mới cho nhiệm kỳ 2022 - 2027, đảm bảo HĐQT có 8 thành viên.

HĐQT đề cử 2 ứng viên là ông Nguyễn Trung Thành - Giám đốc tài chính, ông David Martin Ruiz - Giám đốc Xây dựng thị trường nước ngoài. Ngoài ra, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT, cổ đông lớn sở hữu 15,8% đề cử thêm ông Albert Antoine. Ông này hiện là Giám đốc điều hành của Avaiga - đơn vị đồng hành về Chuyển đổi kỹ thuật số (DX) và AI cho nhiều công ty lớn trên thế giới. Albert và nhóm của ông gần đây đã thực hiện các dự án DX cho các khách hàng như Viettel, FPT, Vingroup, Vietcombank, Amazon, DHL, Zara, Nike và nhiều thương hiệu toàn cầu khác.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả