Hơn 700 vùng trồng sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc
Theo số liệu mới nhất, vừa được Tổng cục hải quan Trung Quốc (GACC) công bố, Việt Nam hiện có 876 mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu vào quốc gia tỉ dân này. Trong đó, có 708 mã số vùng trồng được cấp phép.
Cục bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dẫn số liệu cập nhật mới nhất của GACC cho biết, có 23 địa phương ở Việt Nam được phía Trung Quốc cấp mã số vùng trồng sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch vào quốc gia này.
Theo đó, tỉnh Tiền Giang, địa phương được mệnh danh là “thủ phủ” sầu riêng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước có số lượng mã số vùng trồng được cấp phép nhiều nhất với 155 mã số; tiếp theo là Lâm Đồng, Đắk Lắk và Bình Phước có số lượng mã số được cấp phép lần lượt đạt 96, 68 và 65.
Trong khi đó, địa phương có số lượng mã số vùng trồng được cấp phép ít nhất là Trà Vinh và Phú Yên với 1 mã số mỗi địa phương, Sóc Trăng có 3 mã số, Bà Rịa Vũng Tàu và Kon Tum mỗi địa phương có 5 mã số.
Về cơ sở đóng gói, hiện có 22 địa phương có mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Trong đó, Tiền Giang là địa phương có số lượng mã số cơ sở đóng gói nhiều nhất, với 67 mã số; Cần Thơ, Tây Ninh và Hậu Giang mỗi địa phương có 1 mã số.
Theo quy định của Trung Quốc, sầu riêng nhập khẩu vào quốc gia này bắt buộc phải có thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm và yêu cầu cơ quan thẩm quyền của nước xuất khẩu phải cung cấp thông tin mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói cho cơ quan thẩm quyền của Trung Quốc.
Việc cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói ngoài việc giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, còn đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, thể hiện trách nhiệm trong sản xuất của nước xuất khẩu.
Trước đó, vào tháng 7-2022, GACC và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã ký nghị định thư yêu cầu về kiểm dịch thực vật đối với trái sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Theo đó, sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của nước này và các yêu cầu trong nghị định thư, không nhiễm các chất thuộc kiểm dịch thực vật được phía Trung Quốc quan tâm.
Đối với điều khoản đăng ký, tất cả các vùng trồng cũng như cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và GACC phê duyệt.
Thông tin đăng ký bao gồm tên, địa chỉ và mã số để khi phát hiện có sản phẩm không tuân thủ các yêu cầu của nghị định thư này thì có thể truy xuất nguồn gốc được chính xác.
Sau khi được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, tráo sầu riêng lập tức tạo ra cơn sốt, giúp “đẩy” giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam tăng rất cao.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, tức trước thời điểm được phép xuất khẩu chính ngạch, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam chỉ đạt 84,38 triệu đô la Mỹ. Trong đó, xuất khẩu vào Trung Quốc chỉ 2,86 triệu đô la Mỹ, theo thống kê của Tổng cục hải quan.
Tuy nhiên, vào năm ngoái, trái sầu riêng đã mang về 2,2 tỉ đô la Mỹ, tăng khoảng 5 lần so với năm trước đó và gấp 10 lần so với năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 2,03 tỉ đô la Mỹ, chiếm trên 99% tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng.
Nhu cầu xuất khẩu tăng cao khiến giá bán tăng cao, diện tích trồng sầu riêng cũng tăng. Theo Cục bảo vệ thực vật, vào đầu năm 2023, diện tích sầu riêng ở các tỉnh Nam bộ là 47.208 héc ta, đến đầu năm nay đã là 62.173 héc ta, tăng gần 15.000 héc ta. Các tỉnh Duyên hải nam Trung bộ và Tây Nguyên hiện có 57.101 héc ta sầu riêng, tăng hơn 19.200 héc ta chỉ sau một năm.
Hiện giá sầu riêng ở Đồng bằng sông Cửu Long được thương lái mua xô tại vườn của nông dân có giá dao động từ 125.000-170.000 đồng/kg, tùy loại RI6 hay Thái.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường