menu
Hơn 30% dân số châu Á - Thái Bình Dương sắp đối mặt nguy cơ nghèo đói
Hoàng Đình Phúc
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Hơn 30% dân số châu Á - Thái Bình Dương sắp đối mặt nguy cơ nghèo đói

Đại dịch Covid-19 và lạm phát đã đẩy hàng chục triệu người dân châu Á – Thái Bình Dương vào cảnh nghèo cùng cực trong mấy năm vừa qua.

Khủng hoảng vật giá leo thang do lạm phát tăng cao cùng với tác động dai dẳng của đại dịch Covid-19, đang tiếp tục đẩy người dân ở châu Á và Thái Bình Dương vào tình trạng nghèo khổ cùng cực, theo nhận định trong một báo cáo mới đây của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Ước tính có khoảng 155,2 triệu người (3,9% dân số) ở châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển phải sống trong tình trạng nghèo cùng cực vào năm ngoái, theo báo cáo “Các chỉ số chính của châu Á và Thái Bình Dương 2023” được công bố hôm 24/8.

Con số này cao hơn 67,8 triệu người so với trường hợp không có đại dịch và khủng hoảng vật giá leo thang. Nghèo cùng cực được định nghĩa là sống với mức thu nhập dưới 2,15 USD/ngày, tính theo giá năm 2017 và được điều chỉnh theo sức mua và lạm phát.

Năm 2021, ADB ước tính rằng đại dịch đã đẩy thêm 75-80 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực so với năm trước đó. Khi đó, nghèo cùng cực được định nghĩa là sống dưới mức 1,9 USD/ngày tính theo giá năm 2011.

Hơn 30% dân số châu Á - Thái Bình Dương sắp đối mặt nguy cơ nghèo đói
​Người dân tại khu ổ chuột ở Tondo, Manila, Philippines làm việc nhà trong khi khu vực của họ bị phong tỏa do Covid hồi tháng 5/2020. Ảnh: Reuters

Các nền kinh tế ở châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển được dự báo tiếp tục đạt được tiến bộ trong cuộc chiến chống đói nghèo. Tuy nhiên, đến năm 2030, ước tính khoảng 30,3% dân số của khu vực (khoảng 1,26 tỷ người) vẫn sẽ bị coi là dễ bị tổn thương về kinh tế (có mức sống từ 3,65 USD đến 6,85 USD/ngày, tính theo giá năm 2017).

Báo cáo lưu ý rằng người nghèo không chỉ kiếm được ít tiền hơn mà họ còn phải chi trả cao hơn để tiếp cận các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu. Ví dụ, các hộ gia đình thu nhập thấp thường phải mua hàng hóa với số lượng ít hơn, và có thể đắt hơn so với khi mua số lượng lớn. Họ cũng có thể bị buộc phải sống trong các khu định cư không chính thức, nơi họ đối mặt với những nguy cơ về sức khỏe lớn hơn, làm tăng chi phí chăm sóc y tế, và có thể phải đi lại tốn thời gian hơn và bất tiện hơn.

Theo ADB, để giải quyết cuộc khủng hoảng vật giá leo thang, các chính phủ ở châu Á và Thái Bình Dương có thể tăng cường các hệ thống bảo trợ xã hội, gia tăng hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp, cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính của người dân, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy đổi mới công nghệ và phát triển nguồn vốn con người.

“Bằng cách tăng cường các mạng lưới an sinh xã hội cho người nghèo và thúc đẩy đầu tư và đổi mới sáng tạo để mang đến cơ hội cho tăng trưởng và việc làm, các chính phủ trong khu vực có thể quay trở lại đúng hướng”, ông Albert Park, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB nhận định.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả