Hoàng Anh Gia Lai bị 'vạ lây' lỗ nặng vì quy định áp trần lãi vay
Nếu áp dụng theo Nghị định 20 của Chính phủ quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, HAG sẽ bị lỗ tăng thêm hơn 490 tỉ đồng.
Ngoài ra, trong kỳ HAG đã ghi nhận một khoản thu nhập khác từ việc hoàn nhập số dư dự phòng thuế thu nhập doanh nghiệp cuối năm 2018 với tổng tiền là 335,3 tỉ đồng. Việc trích lập này được thực hiện trong các năm trước căn cứ vào quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Tập đoàn cũng không ghi nhận khoản dự phòng thuế thu nhập doanh nghiệp tương tự cho kỳ 6 tháng kết thúc ngày 30.6 vừa qua với số tiền 155,3 tỉ đồng.
Như vậy kiểm toán cho rằng, nếu HAG thực hiện việc ước tính và ghi nhận chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng dẫn của Nghị định 20 cho kỳ kế toán bán niên vừa qua, chỉ tiêu "thu nhập khác" sẽ giảm gần 335,3 tỉ đồng, chỉ tiêu Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành sẽ tăng 155,5 tỉ đồng. Từ đó khoản lỗ sau thuế sẽ tăng thêm 490,6 tỉ đồng.
Trước đó, báo cáo tài chính hợp nhất tự lập của doanh nghiệp, công ty của bầu Đức bị lỗ sau thuế hơn 706 tỉ đồng.
Giải trình về đánh giá khả năng thu hồi các khoản nợ, HAG cho rằng nguyên nhân chủ yếu do các bên liên quan này đang vận hành nhiều dự án kinh doanh khá đa dạng như bất động sản, trồng trọt, chăn nuôi với khối tài sản đa dạng. Trong đó nhiều dự án đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản nên chưa tạo ra lợi nhuận và dòng tiền thặng dư, rất khó khăn cho việc xác định giá trị tài sản và dòng tiền trả nợ cho tập đoàn. Nhưng công ty tin rằng khi các dự án kinh doanh của các bên liên quan này đi vào vận hành thương mại và có lợi nhuận thì việc đánh giá khả năng thu hồi các khoản nợ tài chính phải thu sẽ trở nên dễ dàng hơn và kiểm toán viên sẽ có đủ thông tin đưa ra ý kiến chấp thuận toàn bộ.
Đặc biệt, về ý kiến ngoại trừ đề cập việc ghi nhận một số khoản thu nhập khác từ việc hoàn nhập chi phí dự phòng thuế thu nhập doanh nghiệp đã được trích lập liên quan đến Nghị định 20 của Chính phủ quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, HAG cho biết trong 6 tháng đầu năm nay đã không ghi nhận thêm chi phí dự phòng liên quan đến chi phí thuế ước tính với số tiền là 95 tỉ đồng và áp dụng theo Nghị định 20. Tuy nhiên, Ban giám đốc tập đoàn đánh giá, Nghị định 20 còn nhiều điểm bất hợp lý, có nhiều cách hiểu khác nhau gây khó khăn trong việc áp dụng trong thực tiễn và chưa đúng bản chất của nghị định là chống chuyển giá. Công ty này vẫn đang kiến nghị với Kiểm toán Nhà nước, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính… về việc xem xét điều chỉnh Nghị định 20. Hiện nay Nghị định 20 vẫn chưa được sửa đổi hoặc thay thế nhưng dựa trên các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, công ty tin chắc rằng Nghị định 20 sẽ được sửa đổi trong thời gian sớm nhất.
Báo Thanh Niên đã nhiều lần phản ánh về việc các doanh nghiệp trong nước bị "vạ lây" vì quy định của Nghị định 20 là khống chế tỷ lệ lãi vay có hiệu lực từ tháng 5.2017. Quy định đưa ra, tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế. Nghĩa là, phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế. Quy định này khiến hàng loạt công ty gặp khó khăn lớn, nhiều doanh nghiệp bị chặn đứng việc phát triển, mở rộng quy mô kinh doanh. Vì thế, trong năm 2018, hàng loạt công ty như Tập đoàn điện lực VN, Tập đoàn công nghiệp than khoáng sản VN, Tổng công ty lắp máy, Tổng công ty xi măng VN... đã gửi kiến nghị đến Bộ Tài chính và nhiều cơ quan chức năng về những điểm chưa hợp lý của Nghị định 20.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận