Hòa Phát nói về sóng gió ngành thép
Từ chiến tranh, lãi suất, lạm phát, tỷ giá cho tới sự trồi sụt của ngành bất động sản, 2022 có thể được xem là một trong những năm sóng gió nhất trong lịch sử ngành thép.
Nhìn lại năm 2022, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý 1 và dần dần đi xuống cho tới cuối năm. Nguyên nhân chủ yếu là do ngành thép – vốn chiếm 95% lợi nhuận của Tập đoàn – bắt đầu bước vào giai đoạn thoái trào từ quý 2/2022, với giá thép và nhu cầu giảm mạnh.
Đỉnh điểm, Hòa Phát lần đầu tiên lỗ nặng liên tiếp trong 2 quý cuối năm 2022 và khiến tập đoàn ghi nhận bước lùi về lợi nhuận.
“Chiến tranh, lãi suất, lạm phát, tỷ giá đã tạo thành lốc xoáy cuốn bay thành quả tích lũy của nhiều nền kinh tế và Hòa Phát lần đầu tiên lỗ sâu liên tiếp trong 2 quý cuối năm. Trong cùng một năm mà ngành bất động sản từ nóng chuyển sang nguội dần và đóng băng vào cuối năm”, Chủ tịch Trần Đình Long chia sẻ về những khó khăn của Hòa Phát trong báo cáo thường niên năm 2022.
4 đòn giáng tới ngành thép
Trong báo cáo thường niên, Hòa Phát cũng nói cụ thể hơn về những cơn gió ngược mà ngành thép phải đối mặt trong năm 2022.
Thị trường bất động sản Việt Nam khởi động khá hưng phấn vào đầu năm 2022, rồi đột ngột đảo chiều vào giữa quý 2 và rơi vào cảnh trầm lắng kéo dài đến hết năm do nhiều khó khăn chưa tháo gỡ được về dòng vốn. Điều này gây hệ quả là sự sụt giảm rõ rệt về cả cầu và giá bán thép xây dựng, một trong những sản phẩm chủ lực hiện tại của Hòa Phát với tỷ trọng hơn 70% tiêu thụ nội địa.
Từ giữa tháng 5/2022 đến cuối năm, giá thép bước vào 19 nhịp điều chỉnh giảm gần như liên tiếp với tổng biên độ rơi hơn 4.2 triệu đồng/tấn, tương ứng với 25% giá trước giảm.
Khủng hoảng năng lượng từ chiến sự Nga - Ukraine đã đẩy giá than luyện cốc, một trong hai nguyên liệu chính của luyện thép bằng lò cao lên gấp 3 lần thông thường vào hai đợt đỉnh điểm là tháng 3 và tháng 5/2022 và vẫn duy trì cao hơn mức giá năm 2021 khoảng 1.5 lần trong suốt thời gian còn lại của năm 2022. Do vậy, biên lợi nhuận gộp từ 27% năm 2021 xuống còn 12% năm 2022.
Với đặc thù nguồn nguyên liệu đến chủ yếu từ nguồn nhập khẩu, trong khi thị trường tiêu thụ chính lại là nội địa, đồng thời vẫn duy trì tỷ trọng vay nước ngoài nhất định trong cơ cấu nợ vay, Hòa Phát luôn phải trả nguyên tệ USD ròng, dẫn đến chi phí tài chính liên quan rủi ro tỷ giá tăng cao. Tổng kết năm 2022, lỗ ròng tỷ giá (chênh lệch lãi và lỗ) là 1,858 tỷ đồng, tăng 65 lần so với 2021.
Trong bối cảnh khó khăn, Hòa Phát mạnh tay cắt giảm hàng tồn kho, giảm mức dự trữ nguyên vật liệu xuống tối đa nhằm giảm lượng thành phẩm sản xuất với giá thành cao, đồng thời còn làm giảm gánh nặng về vốn lưu động và chi phí tài chính.
Đồng thời, Công ty cũng đóng cửa 4 lò cao, giảm công suất sản xuất thép để giảm bớt lượng hàng tồn kho thành phẩm giá cao, đồng thời phù hợp với sức tiêu thụ của thị trường.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận