Hòa Bình (HBC): Năm 2022 mục tiêu lợi nhuận 350 tỷ đồng có đóng góp của dự án Ascent Garden Home
Lãnh đạo của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cho biết, kế hoạch lợi nhuận năm 2022 khá tham vọng so với trung bình ngành. Nhưng ngoài lợi nhuận từ xây dựng, Hòa Bình có ghi nhận lợi nhuận từ thoái vốn dự án bất động sản.
Đây là thông tin quan trọng được lãnh đạo CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Hòa Bình, HoSE: HBC) trả lời tại kỳ họp thường niên năm 2022.
Dự án Ascent Garden Home đã thoái vốn HBC sẽ thu về hơn 225 tỷ đồng
Theo đó, năm 2022, Hòa Bình đặt kế hoạch doanh thu 17.500 tỷ đồng, tăng trưởng 54%; lợi nhuận sau thuế 350 tỷ đồng, tăng trưởng 261%, tương đương tỷ suất lợi nhuận ròng/doanh thu thuần 2%, cao gấp 2 đến 4 lần trung bình các doanh nghiệp xây dựng đang niêm yết trên sàn.
Theo lãnh đạo Hòa Bình, kế hoạch lợi nhuận 350 tỷ đồng là con số khá tham vọng cho năm 2022, nhất là trong bối cảnh đơn giá vật tư vật liệu xây dựng tăng do đứt gãy chuỗi cung ứng trên thế giới. Tuy nhiên, ngoài lợi nhuận đến từ mảng xây dựng, năm nay Hòa Bình có lợi nhuận đến từ việc thoái vốn các dự án bất động sản. Trong đó, dự án Ascent Garden Home đã bán lại cho Cotecland.
Dự kiến trong năm 2022, các thương vụ thoái vốn các dự án bất động sản của Hòa Bình sẽ hoàn thành để ghi nhận được các khoản lợi nhuận đó. Cụ thể, dự án Ascent Garden Home đã thoái vốn sẽ thu về khoảng hơn 225 tỷ đồng; dự án IC Tôn Thất Thuyết do vấn đề pháp lý nên đang chờ hướng dẫn; dự án Ascent Plaza hiện đang đàm phán với một số đối tác để tiến hành thủ tục thoái vốn, hiện chưa có kết quả chính thức.
Tại đại hội, lãnh đạo Hòa Bình cho biết, quý I/2022 doanh thu ước đạt 2.900 -3.000 tỷ đồng; Lợi nhuận ước đạt 10-20 tỷ đồng. Lý do, kết quả kinh doanh quý I/2022 chịu ảnh hưởng nghỉ Tết Nguyên đán, nên doanh thu và lợi nhuận thấp.
Theo BCTC hợp nhất quý I/2022 Hòa Bình vừa công bố, quý I/2022 doanh thu thuần đạt 2.983 tỷ đồng và 18,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; 13,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ
Về quan ngại của cổ đông trước tình hình giá nguyên vật liệu đang tăng rất cao, Hòa Bình có giải pháp gì để đảm bảo được lợi nhuận gộp dương, lãnh đạo Hòa Bình cho biết, Hòa Bình đang áp dụng 2 phương thức quản trị chi phí nguyên vật liệu.
Đến năm 2032 lãi ròng của Hòa Bình chạm mốc tỷ USD, liệu có viễn vong?
Về căn cứ để Hòa Bình đưa ra chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận đạt được trong 10 năm tới (năm 2032 doanh thu 437.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 5% doanh thu, tương ứng gần 22.000 tỷ đồng), Chủ tịch Lê Viết Hải chia sẻ: Uy tín của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều nếu Hòa Bình không thực hiện được chỉ tiêu này. Và liệu Hòa Binh có giải pháp nào hay không là những nghi ngại ban đầu của Ban lãnh đạo Hòa Bình.
"Vì Ban lãnh đạo Hòa Bình cho đây là "con số không tưởng". Tuy nhiên, tháng Hội nghị vừa qua đã làm rõ những giải pháp và kế hoạch thực hiện để đạt được mục tiêu đó", chủ tịch Hòa Bình cho biết.
Ông Lê Viết Hải lý giải thêm, tổng sản lượng xây dựng thị trường thế giới rất lớn, năm 2019 là 12.000 tỷ USD, năm 2020 là 12.500 tỷ USD. Dự đoán năm 2030 sản lượng xây dựng thị trường thế giới đạt 19.000 tỷ USD. Mục tiêu doanh thu của Hòa Bình đến năm 2032 chỉ chiếm 0,7%% (0,7/1.000) sản lượng thị trường thế giới. Hòa Bình quyết tâm đạt được mục tiêu thách thức trên. Và để tạo động lực cho CBCNV, HĐQT xin ý kiến ĐHĐCĐ chấp thuận thưởng xứng đáng cho những cá nhân có đóng góp tích cực.
Đã ký MOU với đối tác Nhật Bản bán 5 triệu cổ phiếu HBC giá 32.500 đồng/cp
Đại hội đã thông qua phương án phát hành 74 triệu cổ phiếu riêng lẻ dự kiến thực hiện trong năm 2022 và 2023. Liên quan đến chương trình phát hành riêng lẻ nói trên, chủ tịch Lê Viết Hải cho biết: Hiện đã có 1 nhà đầu tư Nhật đã có MOU với Hòa Bình trong việc mua cổ phiếu phát hành cho nhà đầu tư chiến lược, với giá 32.500 đồng/cổ, số lượng 5 triệu cổ phiếu.
Bên cạnh đó, có các nhà đầu trong nước sở hữu nhiều bất động sản cũng đang quan tâm và muốn mua cổ phiếu của HBC với tỷ lệ cao, tuy nhiên các nhà đầu tư này chưa có MOU về giá mua và lượng, thời gian khống chế….
.Ngoài ra, các nhà thầu nước ngoài lớn nổi tiếng cũng muốn mua cổ phiếu của HBC để hợp tác thực hiện các dự án trong nước và ở nước ngoài.
Tại đại hội, chủ tịch Hòa Bình cho biết, trong 2 năm đại dịch, tình hình tài chính của Hòa Bình có khó khăn do thị trường địa ốc khó khăn, các chủ đầu tư triển khai các dự án bị trì hoãn, ngưng triển khai. Vì vậy, Hòa Bình đã tạm dừng góp vốn cho các dự án ở nước ngoài để ưu tiên vốn triển khai dự án trong nước. Dự án Connolly tại Canada, 2 cổ đông cam kết góp vốn nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid nên đã không góp vốn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận