menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Đỗ Nam Trung

Hỗ trợ lãi suất - những lo ngại tiềm tàng

Chính sách này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ nền kinh tế cũng như doanh nghiệp phục hồi, nhưng liệu có những mặt trái nào có thể phát sinh?

Hỗ trợ lãi suất - những lo ngại tiềm tàng
Hàng không thuộc nhóm đối tượng được hỗ trợ lãi suất do bị thiệt hại nặng nề trong hai năm đại dịch vừa qua.

Hỗ trợ lãi suất 2% với số tiền dự toán lên đến 40.000 tỉ đồng, đó là nội dung đáng chú ý trong Dự thảo Nghị định của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, được đưa ra lấy ý kiến gần đây.

Ai được hỗ trợ?

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ trong hai tháng đầu năm nay, đã có 32.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng vọt 51,3% so với cùng kỳ năm trước; 8.900 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 6,3%.

Nếu nhìn vào số lượng 55.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong cả năm 2021, con số hai tháng đầu năm nay là rất cao, bất chấp nền kinh tế đã chấp nhận sống chung với dịch bệnh để các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được khôi phục.

Điều này cho thấy cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang chìm trong muôn vàn khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận rút lui khỏi nền kinh tế khi đã hoàn toàn kiệt quệ. Trong bối cảnh như vậy, các chính sách hỗ trợ về tài chính đang cấp bách hơn bao giờ hết, khi được xem là liều thuốc cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng nhanh chóng trở lại. Do đó, dự thảo nghị định về hỗ trợ lãi suất được đưa ra thảo luận gần đây, sau một tháng rưỡi Quốc hội thông qua các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, đang thu hút sự chú ý.

Với chính sách hỗ trợ lãi suất này, không loại trừ khả năng các ngân hàng sẽ đua nhau giải ngân để hỗ trợ cho khách hàng của mình sớm nhất, cũng như xem đó là công cụ để cạnh tranh tín dụng, lôi kéo khách hàng. Hệ quả là càng gây áp lực lên tình hình thanh khoản của hệ thống, vốn đã bắt đầu đối mặt với không ít thách thức từ đầu năm nay.

Theo đó, các đối tượng được hỗ trợ lãi suất gồm: (i) khách hàng thuộc chín nhóm ngành đã bị thiệt hại nặng nề trong hai năm đại dịch vừa qua là: hàng không, vận tải kho bãi; du lịch; dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục và đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; xuất bản phần mềm; lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan; hoạt động dịch vụ thông tin; (ii) có mục đích sử dụng vốn vay để xây dựng nhà ở cho công nhân mua, thuê và thuê mua; xây dựng nhà ở xã hội; cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố.

Tuy nhiên, cần biết rằng không phải khách hàng nào thuộc các nhóm trên cũng có thể tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất này, mà theo nguyên tắc hỗ trợ lãi suất, chính sách chỉ dành cho những khách hàng vay vốn có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi, sử dụng vốn vay được hỗ trợ lãi suất đảm bảo đúng mục đích, có trách nhiệm trong việc phối hợp với ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất.

Như vậy, những doanh nghiệp đang chết lâm sàng hoặc bị ngân hàng đánh giá không còn khả năng phục hồi, sẽ khó lòng tiếp cận chương trình này. Đây là điều tất yếu, khi nguồn vốn hỗ trợ phải đảm bảo mang lại hiệu quả cao nhất và có thể thu hồi, do đó chỉ những doanh nghiệp tồn tại nổi trong hai năm qua và có thể tiếp tục vượt qua những khó khăn còn lại mới nhận được hỗ trợ. Tuy nhiên, việc phụ thuộc vào đánh giá của ngân hàng cũng mang lại lo ngại có thể dẫn đến những tiêu cực.

Ngoài ra, khoản vay được hỗ trợ lãi suất là khoản vay bằng tiền đồng, được giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 11-1-2022 đến ngày 31-12-2023. Theo đó, thời hạn vay được hỗ trợ lãi suất tính từ ngày giải ngân khoản vay theo thỏa thuận giữa ngân hàng thương mại và khách hàng, nhưng không vượt quá ngày 31-12-2023. Đáng lưu ý là khoản vay bị quá hạn gốc/lãi hoặc được cơ cấu lại thời hạn trả nợ sẽ không được hỗ trợ lãi suất trong khoảng thời gian quá hạn này hoặc trong thời gian được cơ cấu nợ.

Mức lãi suất hỗ trợ đối với khách hàng là 2%/năm, tính trên số dư nợ vay và thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất thực tế, tuy nhiên ngân hàng thương mại sẽ dừng hỗ trợ lãi suất đối với các khoản giải ngân sau thời điểm 31-12-2023 hoặc khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính có thông báo tổng số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đã đạt mức tối đa 40.000 tỉ đồng, tùy theo thời điểm nào đến trước.

Quan trọng là ổn định được mặt bằng lãi suất

Có thể thấy mức hỗ trợ lãi suất trong chương trình lần này chỉ bằng một nửa mức 4% của chương trình triển khai hồi năm 2009. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất cho vay sau những đợt điều chỉnh trong hai năm qua, hiện nay đã thấp hơn đáng kể so với cách đây 13 năm. Vì vậy, cộng với mức hỗ trợ dù chỉ 2% này, lãi suất vay đã dễ chịu hơn nhiều cho doanh nghiệp.

Điều đáng lo ngại là với quy định thời gian hỗ trợ tối đa chỉ đến cuối năm 2023 hoặc khi số tiền hỗ trợ đã đạt mốc 40.000 tỉ đồng, không loại trừ khả năng các ngân hàng sẽ đua nhau giải ngân để hỗ trợ cho khách hàng của mình sớm nhất, cũng như xem đó là công cụ để cạnh tranh tín dụng, lôi kéo khách hàng. Hệ quả là càng gây áp lực lên tình hình thanh khoản của hệ thống, vốn đã bắt đầu đối mặt với không ít thách thức từ đầu năm nay.

Nếu nguồn tiền gửi của các ngân hàng, vẫn đang bị cạnh tranh gay gắt bởi các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản hay thậm chí là thị trường vàng gần đây, không theo kịp tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm nay, áp lực tăng lãi suất là khó tránh khỏi. Trước đó, hồi tháng 1 năm nay cũng chứng kiến tín dụng bất ngờ tăng mạnh mẽ đến 2,74% so với cuối năm 2021 và tăng 16,32% so với cùng kỳ năm 2021, trong khi tháng 1-2021 chỉ tăng 0,53% so với cuối năm 2020.

Cộng thêm với tình hình lạm phát đang ngày càng khó lường, trong bối cảnh giá dầu, lương thực, thực phẩm, các loại khoáng sản… đang tăng mạnh do tình hình chiến sự leo thang tại Ukraine, lãi suất tiền gửi nếu tiếp tục đi lên trong thời gian tới sẽ kéo theo mặt bằng lãi suất cho vay tại các ngân hàng cũng tăng lên, khi đó hiệu quả của chính sách hỗ trợ lãi suất 2% có thể bị hạn chế.

Vì vậy, song song với triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất, điều quan trọng hơn là phải giữ được mặt bằng lãi suất ổn định cả ở đầu vào và đầu ra của ngân hàng.

Nỗi lo về xu hướng lãi suất đi lên trở lại không phải là thiếu cơ sở, khi nhìn vào lạm phát tăng tốc khắp nơi, thanh khoản hệ thống ngân hàng đã không còn dồi dào trong thời gian gần đây, nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi từ quí 4 năm ngoái cho đến nay, chính sách tiền tệ thắt chặt của các ngân hàng trung ương toàn cầu…

Nhìn lại quá khứ, sau khi chương trình hỗ trợ lãi suất 4% được triển khai, không chỉ góp phần đẩy giá các tài sản như chứng khoán đi lên mạnh mẽ trong suốt năm 2009, mà thời gian sau đó nền kinh tế cũng chứng kiến lãi suất liên tục đi lên khi thanh khoản hệ thống ngân hàng rơi vào bất ổn, mà đỉnh điểm là giai đoạn năm 2011, buộc nhà điều hành phải triển khai chính sách trần lãi suất tiền gửi với tiền đồng lên đến 14%/năm, trong khi lãi suất thỏa thuận ngoài luồng có lúc lên đến 17-18%/năm, gây ra biết bao hệ lụy sau đó.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Bình luận 1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại