Hỗ trợ lãi suất 2%: Kỳ vọng rất lớn, kết quả rất thấp
Ý kiến nhiều chiều từ khi dự thảo, đến khi thực hiện, chính sách hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40.000 tỷ đồng qua hệ thống ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, có thể coi là thất bại.
Kỳ vọng rất lớn, kết quả rất thấp, nhận xét này được đoàn giám sát của Quốc hội dành cho gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại, theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội.
Kết quả giám sát của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”, là nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét vào sáng 22/4.
Ý kiến nhiều chiều từ khi Nghị quyết đang còn dự thảo, đến khi thực hiện, chính sách hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40 nghìn tỷ đồng qua hệ thống ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, có thể coi là thất bại.
Đoàn giám sát cho biết, số liệu thực hiện đến ngày 31/12/2023, số hỗ trợ lãi suất của chính sách đạt khoảng 1.218 tỷ đồng cho gần 2.300 khách hàng, chỉ bằng 3,05% gói hỗ trợ.
Đoàn giám sát nhấn mạnh, gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại là một trong những giải pháp được kỳ vọng rất lớn trong hỗ trợ doanh nghiệp, người dân giảm chi phí kinh doanh, khôi phục sản xuất, hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế; Tuy nhiên, kết quả thực hiện đạt rất thấp, không đi vào thực tế cuộc sống, kết quả thực hiện chỉ đạt 3,05% tổng quy mô nguồn lực (40.000 tỷ đồng).
“Đây là nội dung cần rút kinh nghiệm và làm rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc nghiên cứu, dự báo, đề xuất chính sách không sát với thực tiễn, gây lãng phí nguồn lực, làm giảm hiệu quả của Chương trình”, báo cáo nêu rõ.
Đề cập nguyên nhân, đoàn giám sát dẫn báo cáo của Chính phủ, là khách hàng đủ điều kiện nhưng lựa chọn không thụ hưởng chính sách, chủ yếu do tâm lý e ngại công tác thanh tra, kiểm tra (đặc biệt là doanh nghiệp), cân nhắc giữa lợi ích từ việc được hỗ trợ lãi suất và chi phí phát sinh nếu nhận hỗ trợ lãi suất (phải theo dõi hồ sơ, chứng từ, tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền). Đồng thời, khách hàng có tâm lý lo ngại trường hợp bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định phải thu hồi số tiền hỗ trợ lãi suất do số tiền này đã được hạch toán vào lợi nhuận doanh nghiệp và chia cổ tức cho cổ đông.
Nguyên nhân nữa là khó khăn trong việc xác định đối tượng khách hàng thuộc diện “có khả năng phục hồi” theo quy định tại Nghị quyết 43 trong khi các văn bản hướng dẫn không có tiêu chí cụ thể. Khách hàng mặc dù có khả năng trả nợ nhưng cũng không thể khẳng định có khả năng phục hồi, khách hàng được hỗ trợ lãi suất nhưng tình hình sản xuất kinh doanh suy giảm, ảnh hưởng đến các tiêu chí nêu trên làm cho ngân hàng thương mại và khách hàng e ngại bị các cơ quan thanh tra, kiểm tra đánh giá trục lợi chính sách.
Năm 2022, tình hình kinh tế xã hội nói chung và hoạt động kinh doanh của các đối tượng ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất nói riêng có nhiều chuyển biến so với thời điểm ban hành Nghị quyết 43 và Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường sau dịch COVID-19 dẫn đến nhu cầu được hỗ trợ có thể thay đổi so với thời điểm ban hành chính sách (thay vì nhu cầu hỗ trợ lãi suất thì có nhu cầu được hỗ trợ trực tiếp hoặc giảm thuế, phí, lệ phí).
Nhiều hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vay vốn tại các ngân hàng thương mại, tuy nhiên không đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc đối tượng hỗ trợ
Một số khách hàng có năng lực tài chính, lịch sử tín dụng tốt, được ngân hàng thương mại cho vay với lãi suất ưu đãi nên lựa chọn không thụ hưởng chính sách do tự đánh giá đã được cho vay với lãi suất phù hợp theo các chương trình ưu đãi của ngân hàng thương mại.
Bên cạnh những nguyên nhân Chính phủ đã nêu, báo cáo nêu rõ, qua giám sát cho thấy, công tác hướng dẫn triển khai thực hiện chính sách còn nhiều lúng túng.
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, một số ngân hàng thương mại ban hành văn bản nội bộ hướng dẫn còn chậm (MBBank, NCB, VIB, HSBC, Publicbank), chưa thực sự chú trọng tập huấn, hướng dẫn đào tạo nội bộ (NCB).
Một số ngân hàng chưa thực sự chủ động tiếp cận, đồng hành, hướng dẫn khách hàng hiểu đúng, đủ về chính sách , chưa kịp thời khắc phục, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh chính sách khi có vướng mắc phát sinh.
Vẫn theo đoàn giám sát, công tác truyền thông chưa thực sự được chú trọng, chưa mang tính định hướng, không đẩy mạnh truyền thông sâu rộng đến từng khách hàng đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất.
Dẫn lại thông tin từ Ủy ban Kinh tế, đoàn giám sát nêu, kết quả khảo sát doanh nghiệp của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ có 29,5% doanh nghiệp biết tới chính sách này, trong đó có khoảng 2% doanh nghiệp đã nhận được khoản vay theo Chương trình hỗ trợ lãi suất 2%. Có tới 56,7% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ này. Đa số các doanh nghiệp cho biết điều kiện cho vay khó khăn là trở ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục tiếp cận khoản vay theo gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Theo đoàn giám sát, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm trong tham mưu đề xuất, báo cáo Quốc hội xem xét quyết định chính sách chưa sát với thực tiễn, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận