Hiểu cho đúng về "giá trị nội tại"
Như tôi đã từng viết xu hướng giá cổ phiếu phụ thuộc vào 3 đại lượng cốt lõi: chính sách vĩ mô, giá trị nội tại và dòng tiền. Ở TTCK Việt nam khi quy mô còn nhỏ, 99% là NĐT cá nhân nhỏ lẻ, thì yếu tố dòng tiền là then chốt.
Tuy nhiên, giá trị nội tại cũng rất quan trọng. Trong một thời gian đủ dài, giá cổ phiếu sẽ đi cùng chiều với giá trị nội tại. Tất nhiên, nếu cổ phiếu bị thao túng thô bạo như nhóm Luis, nhóm Apec, thì sẽ khác. Thế nhưng hiểu đúng về giá trị nội tại là công việc khó, không phải ai cũng làm được.
Từ những kinh nghiệm thực tế và sự nghiên cứu riêng, tôi đã sáng lập ra một đề tài về giá trị nội tại. Hôm nay tôi xin được chia sẻ độc quyền trong room này. Giá trị nội tại được chia thành 3 loại: giá trị nội tại sổ sách, giá trị nội tại kỳ vọng và giá trị nội tại tiềm ẩn. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu từng loại như sau:
1. GIÁ TRỊ NỘI TẠI SỔ SÁCH
Đây là cái mà người ta hay dùng nhiều nhất. Đa số chỉ đọc các BCTC, các thông tin doanh nghiệp chính thức, rồi từ đó xác định giá trị nội tại của doanh nghiệp. Đọc hiểu BCTC và các thông tin công bố của doanh nghiệp cũng cần một trình độ nhất định. Phải nhận biết được đâu là tốt, đâu là xấu. Ví dụ như đối với nhóm CK thì book value là đại lượng quan trọng nhất, còn nhóm BĐS thì phải là doanh thu. Hàng tồn kho đối với nhóm Thủy sản, Thép là ung nhọt, nhưng ngược lại là vàng đối với nhóm BĐS. Còn nhóm Bán lẻ, Dược phẩm, thì đại lượng quan trọng nhất phải là EPS.
Tóm lại, giá trị nội tại sổ sách là bề nổi của doanh nghiệp, nhưng cũng cần phải nghiên cứu kỹ. Đa phần chỉ thể hiện kết quả quá khứ và hiện tại.
2. GIÁ TRỊ NỘI TẠI KỲ VỌNG
Đây là thứ mà NĐT luôn nói đến để lý giải việc mua bán hay tăng giảm của cổ phiếu. Chứng khoán là kỳ vọng, nhưng đôi khi người ta hay lợi dụng điều này để tạo ra kỳ vọng ảo nhằm đánh cổ phiếu lên. Cho nên khi nói đến giá trị nội tại kỳ vọng phải đi kèm với cơ sở lập luận và những con số toán học cụ thể. Ví dụ như QH vừa thông qua chính sách giảm 2% VAT, điều này sẽ giúp một số doanh nghiệp Bán lẻ, Xuất khẩu, hưởng lợi. Nhưng đó mới chỉ là kỳ vọng lý thuyết, việc cần làm là phải tính toán ra con số cụ thể, xem doanh nghiệp nhờ chính sách này sẽ tăng EPS lên bao nhiêu. Một ví dụ khác là một số doanh nghiệp BĐS đang làm ăn kém, EPS rất thấp, nhưng nhìn vào BCTC thấy hàng tồn kho (đầu tư dở dang) rất lớn, nếu những dự án có khả năng triển khai được, thì doanh thu sẽ được hạch toán trong tương lai.
Như vậy giá trị nội tại kỳ vọng dù khó, nhưng vẫn phải được nghiên cứu, lập dự toán nghiêm túc. Đây là loại thường mang lại thành công cho NĐT.
3. GIÁ TRỊ NỘI TẠI TIỀM ẨN
Đây là loại giá trị mà NĐT dù rất muốn, nhưng hay bỏ qua. Đơn giản là quá khó để tiếp cận thông tin, đánh giá và hiểu sâu các bí mật doanh nghiệp. Tôi nghĩ rằng chỉ có 0.1% NĐT hiểu được về loại này. Thế nhưng giá trị nội tại tiềm ẩn lại thường mang lại những cơn sóng lớn nhất của cổ phiếu. Một trong những khía cạnh nổi bật của loại này là những thương vụ IB và M &A. Nếu ai nắm được thông tin trước việc IDP sẽ bán cho quỹ ngoại, thì đã ăn gấp 5 lần sau 3 năm. Hay như vụ EIB nếu ai hiểu rõ chắc cũng sẽ có cơ hội thành công.
Tôi rất hay nhận được đề nghị "phím hàng", xin chén thánh 3 chữ cái. Đây là điều cũng hợp lý bởi ai chả muốn đầu tư kiếm lời, kiếm thật dày. Thế nhưng khi tôi khuyên họ nghiên cứu, khuyên họ học tập, rèn luyện liên tục, thì họ lại lảng tránh. Đầu tư chứng khoán là bộ môn đỉnh cao, rất khó. Phải tìm được những viên kim cương là những doanh nghiệp đang tốt, sẽ tốt và tiềm ẩn tốt hơn nữa.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận