Hiện thực cơ chế mua bán điện trực tiếp - Vẫn cần quy định cụ thể hơn
Đánh giá cao những bước tiến trong Nghị định 80/2024/NĐ-CP, thế nhưng, để hiện thực cơ chế mua bán điện trực tiếp từ chính sách này, nhiều ý kiến cho rằng, vẫn cần quy định cụ thể hơn…
Theo đó, Nghị định 80/2024/NĐ-CP được cho là một bước đột phá quan trọng trong việc hoàn thiện chính sách phát triển thị trường điện cạnh tranh, thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Nghị định quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà máy, khu công nghiệp sử dụng điện trực tiếp từ nguồn năng lượng tái tạo, giảm chi phí điện, góp phần bảo vệ môi trường.
Đáng nói, việc áp dụng cơ chế DPPA sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất sớm có được chứng chỉ năng lượng tái tạo, chứng chỉ giảm phát thải carbon - điều kiện để tăng sức cạnh tranh hàng hóa khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Với nhiều điểm tích cực đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, cần cho triển khai thực hiện Nghị định 80/2024/NĐ-CP càng nhanh càng tốt để khách hàng và đơn vị phát điện sớm gặp nhau. Tuy nhiên, để có thể hiện thực chính sách, vẫn còn nhiều vấn đề về vận hành cần được hướng dẫn cụ thể.
Theo ông Trần Minh Tiến - Tổng giám đốc Tập đoàn Eastern Power, sự ra đời của Nghị định 80/2024/NĐ-CP là một sự tích cực của thị trường điện Việt Nam. Điều này phải đánh giá khách quan vì từ đây sẽ mở ra ra nhiều cách mua bán điện khác nhau.
Cụ thể, theo quy định tại Nghị định này, doanh nghiệp có hai sự lựa chọn bán điện. Một là mua bán điện trực tiếp (qua đường dây kết nối riêng) của doanh nghiệp, hai là mua bán điện trực tiếp (qua lưới điện quốc gia).
Ông Tiến cho rằng, doanh nghiệp sẽ ưu tiên phương án hai. Tuy nhiên, để có thể thực hiện được giải pháp này, cần phải có những quy định cụ thể hơn về giá cả dịch vụ của hạ tầng điện.
“Bởi vì nhà máy điện nằm ở một địa phương nhưng lại bán điện cho khách hàng ở địa phương khác. Không thể đi đường dây riêng được mà phải hoà vào lưới điện quốc gia. Thủ tục để mua bán với khách hàng nhưng thông qua hạ tầng của Nhà nước và Nhà nước cũng phải thu dịch vụ để phục vụ cho hai doanh nghiệp cũng là chuyện rất tỉ mỉ”, Tổng giám đốc Tập đoàn Eastern Power chia sẻ.
Còn theo ông Stuart Livesey - đại diện Tập đoàn CIP tại Việt Nam, việc ban hành Nghị định 80/2024/NĐ-CP là bước đi rất quan trọng, nhưng chỉ là khởi đầu. Còn nhiều vấn đề cần thảo luận, chẳng hạn như việc tính giá và phí nếu các bên sử dụng đường dây của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
“Chúng tôi có thể hỗ trợ EVN xây dựng các đường truyền tải điện tái tạo để đảm bảo chi phí chuyển tải điện đến tay người dùng cuối cùng không quá cao”, ông Stuart Livesey bày tỏ.
Xoay quanh việc hiện thực chính sách, một số chuyên gia cũng cho rằng, quy định cho phép mua bán điện trực tiếp đem lại lợi ích cho Nhà nước khi không phải đầu tư thêm nguồn điện mới. Song, điện mặt trời có tính chất không ổn định nên cần có phương án đấu nối phù hợp để không gây áp lực cho lưới điện quốc gia. Một trong các giải pháp có thể thực hiện là sử dụng bộ lưu trữ điện năng để phát vào lưới trong thời điểm không có nắng, thế nhưng, thiết bị trữ điện không rẻ nên doanh nghiệp cần thêm chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, nhà đầu tư điện mặt trời mái nhà sẽ tính toán kỹ lưỡng trước khi quyết định bán điện thông qua đường dây riêng hay thông qua lưới điện quốc gia.
“Nếu thỏa thuận được giá bán ở mức cao, ít nhất có thể bù đắp chi phí đầu tư đường dây nhánh để truyền tải điện, nhà đầu tư mới chọn phương án này. Còn nếu không thỏa thuận được giá tốt thì bán điện thông qua lưới điện quốc gia sẽ có lợi hơn. Điều này cũng có nghĩa là giá mua điện thông qua đường dây riêng có thể cao hơn mua qua EVN, người mua thấy không có lợi thì sẽ không tham gia”, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam phân tích.
Theo vị chuyên gia này, dù nhà bán điện đầu tư đường dây nhánh thì cũng phải đấu nối vào hệ thống điện quốc gia. Trong khi đó, việc đấu nối khá phức tạp và bắt buộc phải bảo đảm an toàn hệ thống.
“Khách hàng lớn luôn muốn mua điện rẻ trong giờ cao điểm nên có thể chọn mua trực tiếp vào thời điểm này nhưng cũng phải tính đến lúc thời tiết không bảo đảm thì bù đắp bằng nguồn nào và chi phí ra sao? Nếu trở lại mua điện của Nhà nước khi thị trường mua bán trực tiếp bị nghẽn thì sẽ đặt lưới điện quốc gia vào trạng thái luôn phải "chờ sẵn" để kịp thời cung ứng. Hệ quả là không chỉ gây khó khăn cho khâu phân phối mà còn phải giải thêm bài toán về giá “chờ” của hệ thống điện”, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam bày tỏ.
Được biết, để đảm bảo chính sách sớm đi vào cuộc sống, mới đây, tại Hội nghị triển khai Nghị định 80/2024/NĐ-CP, Bộ trưởng Bộ Công Thương – Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu EVN và các đơn vị trực thuộc khẩn trương tính toán các chi phí sử dụng dịch vụ hệ thống điện trong cơ chế DPPA. Đồng thời, xây dựng quy trình kinh doanh, quản lý và thanh toán hóa đơn cho khách hàng tham gia cơ chế này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận