HBC và chiến lược "Viên thuốc độc"
Hôm qua đọc thấy thông tin một nhóm cổ đông đấu đá, gây náo loạn tại HBC đã rút khỏi HĐQT sau thời gian lên media, truyền thông khiêu chiến với nhau. Tới giờ thì mọi việc đã ngã ngũ, ai thắng, ai bại cũng đã hiện ra rõ ràng, chủ thì vẫn là chủ, người đi thâu tóm thất bại quay về.
Nhưng qua câu chuyện của HBC, chúng ta thấy được rất nhiều bài học bổ ích, từ việc quản lý rủi ro thâu tóm, cho đến đối sách ngăn chặn và các chiêu bài được sử dụng để dừng cuộc thâu tóm lại cũng đã được áp dụng. Trong đó phải kể đến chiến lược "Viên thuốc độc" (hay còn gọi là poison pill) được sử dụng để chặn đứng âm mưu thâu tóm của nhóm cổ đông ngoài. Đây là lần đầu tiên chiến lược này được áp dụng tại Việt Nam, nhưng nó có vẻ cũng rất hiệu nghiệm.
Đầu tiên chúng ta phải nhắc sơ lại câu chuyện thâu tóm HBC của nhóm cổ đông bên ngoài với sự dẫn dắt của ông Nguyễn Công Phú. Sự thay đổi về nhân sự ở HĐQT của HBC đã tạo điều kiện cho nhóm này nhìn ngó và phát sinh ý định thâu tóm HBC. Ban đầu khi chưa phát hiện ý đồ này, ông Lê Viết Hải đã tự nguyện rút khỏi vị trí chủ tịch HĐQT, nhưng sau đó đã thay đổi và bác tất cả các nghị quyết trước đó. Tiếp theo đó, ông cũng yêu cầu triệu tập ĐHCĐ bất thường để phế bỏ vai trò của HĐQT. Thực chất của việc này đó là ai thực sự nắm chi phối tại HBC thì vẫn sẽ là ông chủ của HBC. HĐQT chỉ là người được bầu ra, nếu nhóm thâu tóm có đủ số lượng cổ phiếu biểu quyết quá bán thì đương nhiên họ sẽ nắm kiểm soát HBC và thâu tóm thành công. Tuy nhiên, việc ông Hải kêu gọi ĐHCĐ bất thường cho thấy ông ta vẫn nắm chi phối tại HBC.
Đó là câu chuyện thâu tóm và đấu đá nội bộ trong HĐQT của HBC. Để ngăn chặn âm mưu này, cổ đông nội bộ và cũng là sáng lập viên của HBC có lẽ đã áp dụng rất nhiều chiến lược, trong đó "viên thuốc độc" có thể đã được áp dụng.
Bước 1: Ông Lê Viết Hải triệu tập ĐHCĐ bất thường để giải tán HĐQT và bầu mới. Điều này nhằm khẳng định, ông ấy mới là chủ thực sự của công ty. Những cổ đông có ý định thâu tóm hoàn toàn không nắm chi phối, thì việc muốn thâu tóm là không thể thành công.
Bước 2: Viên thuốc độc
Tuy nhiên, khi ĐHCĐ bất thường còn chưa được diễn ra, thì dường như HBC đã áp dụng chiến lược thứ 2, đó chính là Viên thuốc độc. Viên thuốc độc hay còn gọi là Poison Pill là một chiến lược phòng thủ được Ban Lãnh Đạo công ty sử dụng để ngăn chặn những nhà đầu tư bên ngoài có ý thâu tóm công ty bằng việc gom vào một số lượng cổ phiếu lớn. Viên thuốc độc, nghe tên đã thể hiện được bản chất của chiến lược này. Có nghĩa là công ty sẽ đưa mình vào thế "tự sát", uống một viên thuốc độc, để cho cơ thể bị nhiễm độc và từ đó các con "kền kền" sẽ không còn hứng thú với cái xác ấy nữa. Đối với một công ty, thì họ có thể áp dụng nhiều cách như gia tăng vay nợ chóng mặt, tiêu tán tiền mặt ra khỏi công ty bằng các thương vụ mua bán, sát nhập, hay báo lỗ số khủng để công ty trở nên kém hấp dẫn, thậm chí là độc hại.
Nếu đọc kỹ, chúng ta có thể thấy rằng HBC vừa có một quý lỗ kỷ lục hơn 1k tỷ. Đây là mức lỗ kỷ lục, lớn nhất của HBC từ thời mới thành lập đến bây giờ. Lần đầu tiên HBC báo lỗ một quý là vào 2Q-2009, khi đó công ty chỉ lỗ 6 tỷ đồng, và đó cũng là quỹ lỗ duy nhất của HBC cho đến hết 3Q-2022. Nhưng đột nhiên đến 4Q-2022, thì HBC báo lỗ lần thứ 2 trong lịch sử và đó là một con số không ai có thể nghĩ đến, -1,202 tỷ đồng. Nó gần tương đương với lợi nhuận của 5 năm trước cộng lại. Rõ ràng, nó không thể là một điều thông thường được, nó là một yếu tố bất thường. Vì đang yên đang lành, tự nhiên lỗ một khoản bằng lợi nhuận của 5 năm trước cộng lại thì đó khó có thể là một điều đơn giản. Chính vì vậy, theo suy đoán của cá nhân tôi, có lẽ HBC đã áp dụng chiến lược "viên thuốc độc" để biến HBC thành một cái xác độc hại và kẻ đi săn sẽ chẳng còn thiết tha gì nữa.
Không lâu sau khi HBC công bố báo cáo tài chính Quý 4 với số lỗ khổng lồ thì chúng ta tiếp tục đón nhận thông tin nhóm cổ đông tính đi thâu tóm đã rút khỏi HĐQT của HBC. Dường như chiến lược viên thuốc độc này đã thành công mỹ mãn. Khi người đi săn đã bỏ cuộc. Có thể việc rút khỏi HĐQT của nhóm này là kết quả của rất nhiều biện pháp ngăn chặn, từ triệu tập ĐHCĐ bất thường cho đến viên thuốc độc, hay các biện pháp khác nữa, nhưng rõ ràng, chiến lược này đã làm cho kẻ đi săn chẳng còn tí hứng thú nào nữa. Chúng ta cũng không thể bỏ qua tác động và tính hữu hiệu của chiến lược này.
Hệ quả:
Tính hữu hiệu thì dường như ai cũng đã thấy, chủ vẫn là chủ, thợ săn vẫn là thợ săn, ai về nhà nấy. Tuy nhiên hậu quả của chiến lược này có lẽ sẽ còn im ỉm rất lâu. Bởi với số lỗ lũy kế cả năm lên đến -1.138 tỷ đồng, thì nó cũng làm cho HBC trở nên chẳng còn chút hấp dẫn nào với cổ đông và NĐT nữa. Bởi con số này tương đương 10 lần mức lãi của năm 2021. Tức là bạn phải còng lưng ra làm 10 năm nữa thì mới họa chăng bù đắp được khoản lỗ này. Còn trên BCTC của HBC, thì khoản lỗ lũy kế cũng đạt tới con số -688 tỷ. Với mức lợi nhuận khiêm tốn của HBC hàng năm chỉ vào khoảng 200-300 tỷ, thì nó cũng phải mất đôi năm mới có thể hồi phục được. Rõ ràng, dù cuộc chiến đã kết thúc nhưng hệ lụy từ cuộc chiến này thì có lẽ cũng phải mất vài năm để khắc phục. Khi đó cổ đông của HBC mới có thể nghĩ đến việc được chia cổ tức.
Theo dõi người đăng bài
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường