24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hoàng Thủy Tiên
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Hành lang pháp lý: Chìa khóa thúc đẩy ngân hàng số

Cần hoàn thiện hành lang pháp lý để thúc đẩy phát triển ngân hàng số

Đứng trước thời cơ “vàng” để phát triển mạnh mẽ ngân hàng số, các nhà băng đang rất cần một hành lang pháp lý đủ sự cởi mở, không quá khép kín, sẵn sàng đón nhận những công nghệ, sáng tạo mới, từ đó đẩy nhanh tiến trình số hóa ngân hàng và xây dựng hệ sinh thái số.

Diện mạo mới của bức tranh ngân hàng số

Theo các chuyên gia, phát triển các dịch vụ tài chính nói chung và dịch vụ tài chính số nói riêng đang là xu thế không thể đảo ngược trong bối cảnh thế giới đang diễn ra cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là khi nền kinh tế toàn cầu đã và đang chịu tác động mạnh mẽ bởi đại dịch Covid-19. Việc ứng dụng nhiều hơn các công nghệ tiên tiến trong cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính sáng tạo được nhiều quốc gia trên thế giới chú trọng, trong đó có Việt Nam, nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng cũng như phát huy lợi thế để phát triển kinh tế.

Phát biểu tại Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát triển dịch vụ tài chính -ngân hàng - bảo hiểm trong bối cảnh mới”, TS. Nguyễn Như Quỳnh - Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính thuộc Bộ Tài chính (NIF) nhận định, các công nghệ mới đã đem lại sự thay đổi đáng kể diện mạo của lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Sự thay đổi hành vi của người sử dụng dịch vụ tài chính, cấu trúc hoạt động, vận hành của các định chế tài chính, Fintech trong thời gian qua đã chứng minh điều đó.

Phân tích cụ thể hơn, ông Phạm Xuân Hòe – chuyên gia ngân hàng cho biết, các nghiên cứu gần đây trên thế giới đưa ra 4 xu hướng lớn làm thay đổi bức tranh tổng quan về ngành dịch vụ tài chính ở Việt Nam đó là: Sự thay đổi căn bản về trải nghiệm khách hàng, khách hàng khó tính hơn, ít trung thành hơn. Tiếp theo là sự gia tăng các hoạt động phi trung gian, nói cách khác, vai trò trung gian của ngân hàng sẽ không còn là thế độc tôn trên thị trường mà được thay thế bởi cung ứng trực tuyến trên nền tảng công nghệ, ví dụ như Mobile Money của các công ty bưu chính viễn thông hay hoạt động cho vay ngang hàng của Fintech…

Các chuyên gia cũng chỉ ra sự hội tụ của của các hệ sinh thái mới sẽ có khả năng tạo ra 10 đột phá lớn cho hoạt động ngân hàng với mô hình kinh doanh mới, trải nghiệm khách hàng mới. Có thể kể đến như: Nhận biết khách hàng điện tử mà không cần gặp trực tiếp; xác thực sinh trắc học; không cần chữ ký vật lý; không cần bằng chứng về địa chỉ; thông tin không qua giấy tờ; không cần trực tiếp đến chi nhánh ngân hàng…

Thực tế cho thấy, các ngân hàng Việt Nam cũng đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ, từng bước ứng dụng công nghệ mới để đem đến nhiều giá trị và trải nghiệm tốt hơn cho người dùng.

Theo TS. Vũ Thị Như Quỳnh - trường Đại học Hàng hải Việt Nam, các NHTM ở Việt Nam đã chủ động xây dựng kho dữ liệu, hạ tầng số tập trung, chuẩn hóa, cho phép chia sẻ, tích hợp tạo hệ sinh thái số trải rộng nhiều ngành, lĩnh vực như: Hệ sinh thái Mobile Banking kết nối với dịch vụ công, tài chính, viễn thông, điện lực, giao thông, y tế...

Nhờ đó trên điện thoại di động khách hàng có thể sử dụng được nhiều tiện ích hơn so với giao dịch trực tiếp tại ngân hàng. Các tổ chức thanh toán cũng ứng dụng tất cả công nghệ mới trên thế giới (ATM, POS, Internet Banking, Mobile Banking, QR Code, Tokenization...), phục vụ hầu hết các ngành kinh tế trọng điểm và thu được kết quả ấn tượng.

Đặc biệt trong phân khúc thanh toán, ThS. Lưu Ánh Nguyệt của NIF cũng đưa ra nhận định, hệ sinh thái tài chính số của Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển đầu với sự phát triển mạnh mẽ của phân khúc thanh toán. Chủ thể cung ứng dịch vụ thanh toán tăng nhanh, thị phần đối với dịch vụ thanh toán số tăng trưởng mạnh, khuôn khổ pháp lý và các quy định đối với thanh toán không dùng tiền mặt cũng có nhiều bước biến chuyển và hoàn thiện hơn của các loại dịch vụ tài chính số khác. Ngược lại, các phân khúc dịch vụ tài chính số khác mới bắt đầu xuất hiện và đang trong giai đoạn nghiên cứu, thử nghiệm.

Hoàn thiện hành lang pháp lý là yếu tố then chốt

Theo ông Phạm Xuân Hòe, chuyển đổi số sẽ thay đổi diện mạo của ngân hàng, tạo ra nhiều giá trị mới như trải nghiệm khách hàng tốt hơn; chất lượng vận hành, dịch vụ tốt hơn, hiệu quả hơn; giảm chi phí vận hành; nhiều năng lực, dịch vụ sáng tạo hơn; an toàn bảo mật hơn…

Tuy nhiên hiện các nhà băng cũng gặp không ít thách thức trong quá trình xây dựng ngân hàng số. Một khảo sát cho thấy 84% TCTD cho rằng khó khăn lớn là hành lang pháp lý còn thiếu và chưa đồng bộ.

ThS. Lưu Ánh Nguyệt cho rằng, môi trường pháp lý của Việt Nam còn nhiều lỗ hổng đối với các loại dịch vụ tài chính mới. Ví dụ như đối với tài sản mã hóa, hiện nay vẫn chưa có khuôn khổ pháp lý chính thức quản lý tài sản mã hóa và các hoạt động liên quan tại Việt Nam.

Cùng với đó, các cơ sở dữ liệu lớn chính thống chưa được hoàn thiện và chia sẻ như cơ sở dữ liệu dân cư, cơ sở dữ liệu định danh quốc gia nên việc định danh khách hàng chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Nguồn lực để phát triển an toàn, đảm bảo an ninh đối với hạ tầng số, nền tảng số còn hạn chế. Bên cạnh đó các quy định còn nhiều bất cập, chưa theo kịp sự phát triển của thị trường, nhiều dịch vụ mới ra đời nhưng hành lang pháp lý chưa được thiết lập cụ thể…

Ông Phạm Xuân Hòe cho rằng, cần có quan điểm mở tạo hành lang pháp lý cho đổi mới sáng tạo, cân bằng giữa quản lý an toàn với đổi mới sáng tạo, đi liền với rủi ro. Chính phủ cần sớm xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia để tạo kết nối mở cho TCTD truy xuất theo thẩm quyền được duyệt; có hành lang pháp lý đầy đủ về chia sẻ dữ liệu với bên thứ ba… Đặc biệt cần sớm xây dựng khuôn khổ pháp lý thử nghiệm cho Fintech trong lĩnh vực ngân hàng.

Đồng thời, hoàn thiện các hệ thống hạ tầng kỹ thuật số quan trọng hỗ trợ giao dịch thương mại, tài chính trong kỷ nguyên số như: Hạ tầng bưu chính viễn thông, hạ tầng mạng, hạ tầng thanh toán quốc gia…

Ngoài ra theo các chuyên gia, phát huy lợi thế của tín dụng xanh cũng là một trong những vấn đề cần được quan tâm trong thời gian tới. Theo đó, cần học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới có nhiều nét tương đồng với nước ta về việc tăng cường các hoạt động ngân hàng xanh trong nội bộ, thúc đẩy quản lý rủi ro môi trường ở cấp độ dự án đầu tư và danh mục tín dụng cũng như huy động vốn hiệu quả nhằm bảo vệ môi trường.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả