Hàng T+ dồn lại, áp lực bán tăng, khối ngoại rút ròng gần 730 tỷ
VN30-Index chốt phiên giảm 0,82% khi VN-Index giảm 0,25%, Midcap tăng 0,5% và Smallcap tăng 0,92%. Vẫn là các cổ phiếu vừa và nhỏ cầm cự tốt hơn trong bối cảnh blue-chips suy yếu rõ rệt. Độ rộng rổ VN30 chỉ còn 5 mã tăng/25 mã giảm, trong đó 9 mã giảm quá 1%.
Trong nhóm 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất của VN-Index cũng có 4 mã giảm sâu là FPT giảm 1,31%, CTG giảm 1,4%, VIC giảm 1,44%, HPG giảm 1,03%. Khá may mắn cho chỉ số này là GAS – cổ phiếu vốn hóa thứ 3 thị trường – tăng 1,83% và GVR – cổ phiếu lớn thứ 10 – tăng 1,69%. Hai mã này đỡ lại khoảng 1,5 điểm cho VN-Index.
Hiện tượng sụt giảm ở nhóm blue-chips chưa khiến VN-Index mất quá nhiều điểm, tuy nhiên sức ép là khá rõ khi phần lớn thời gian chỉ số này dao động dưới tham chiếu. Sau phiên tăng mạnh hôm qua thị trường bất ngờ chùng xuống, ngay những phút đầu tiên VN-Index đã đỏ và độ rộng co hẹp. Chỉ số này tăng cao nhất cũng chỉ trên tham chiếu chưa tới 4 điểm. Không có thêm bất kỳ thông tin xấu nào xuất hiện qua đêm, nhưng tâm lý chững lại rõ rệt trong khi áp lực bán ra tăng. Rất có thể khối lượng cổ phiếu T+2 có lời chưa chốt lúc hàng về chiều qua đã bắt đầu thoát ra sáng nay.
Độ rộng sàn HoSE lúc chốt phiên khá xấu, chỉ có 165 mã tăng/239 mã giảm. Ngay cả lúc VN-Index tăng cao nhất khoảng 9h30 thì cũng chỉ có 176 mã tăng/133 mã giảm. Điều này phản ánh diễn biến chốt lời xuất hiện trên diện rộng, nhất là khi thanh khoản sàn này đã tăng khoảng 19% so với sáng hôm qua.
Hiện thị trường còn duy trì sôi động nhất định ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Khoảng 90 cổ phiếu đang tăng trên 1% trong VN-Index thì có 3 mã blue-chips là PLX tăng 2,05%, GAS tăng 1,83% và GVR tăng 1,69%, còn lại toàn các mã nhỏ. Thanh khoản nhóm này chiếm 31,6% tổng giá trị khớp của HoSE. Ngoài PLX, GVR và GAS thanh khoản tốt, còn lại là TCH tăng 3,87% giao dịch 237,1 tỷ; VND tăng 2,51% với 224,7 tỷ; DCM tăng 1,3% với 179,4 tỷ; EIB tăng 1,33% với 129,4 tỷ; LPB tăng 3,99% với 123,9 tỷ; AGG tăng 6,86% với 106,9 tỷ. Các mã như AAA, ANV, BCG, ORS, DXS, PET, NHH, VOS cũng khá mạnh, giá đều tăng từ 2% tới 6% và giao dịch cỡ 50 tỷ đồng trở lên.
Phía giảm giá tuy nhiều hơn về số lượng nhưng cũng chỉ có 52 mã giảm quá 1% và thanh khoản chỉ chiếm 18,6% sàn. Như vậy áp lực bán tuy đẩy thanh khoản lên cao nhưng cũng chưa đến mức tạo thành một đợt xả dạng bán tháo và gây tổn thương lớn về giá. Điều này có thể phù hợp với nhu cầu chốt lời thông thường.
Một rủi ro lúc này là gánh nặng của nhóm VN30 có thể khiến VN-Index mất nhiều điểm hơn. Sáng nay chỉ số vẫn được đỡ từ GAS, GVR, PLX và các mã rất lớn khác như VCB, BID, VHM, VNM, VPB chưa giảm quá mạnh. Nếu chỉ số mất điểm nhiều hơn, tâm lý sẽ rất khác và nhu cầu bán cũng thay đổi.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay bán ra chiếm tới 21,7% tổng giao dịch rổ VN30, mức bán ròng khoảng 444,8 tỷ đồng trong tổng giá trị rút vốn gần 730 tỷ ở sàn này. Loạt cổ phiếu bị bán dữ dội là CTG -181,3 tỷ, MSN -49,5 tỷ, HPG -49,1 tỷ, SSI -44 tỷ, VNM -39,1 tỷ, HDB -29,3 tỷ, MWG -28,2 tỷ, VIC -27,4 tỷ, VHM -23,9 tỷ. Ngoài ra là DGC -53,5 tỷ, VND -47,4 tỷ, LPB -25 tỷ, GEX -23,6 tỷ. Bên mua có FPT +104,8 tỷ và TCH +24,5 tỷ là đáng kể.
Khối này rút khoảng 730 tỷ đồng trên sàn HoSE sáng nay ghi nhận mức cao nhất kể từ đầu tuần và là phiên sáng thứ 17 liên tiếp bán ròng. Phía mua đối ứng là các nhà đầu tư cá nhân trong nước khi 5 tuần qua đều mua ròng liên tục. Đặc biệt kể từ phiên ngày 20/5 vừa qua – thời điểm VN-Index bắt đầu chững lại và dao động đi ngang cho tới nay, nhà đầu tư cá nhân đã mua ròng gần 8.200 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận