Hà Nội trình thu phí bảo vệ môi trường với khí thải vào cuối năm
UBND TP Hà Nội dự kiến trình HĐND đề án về các khoản phí bảo vệ môi trường với nước thải, khí thải, chất thải tại kỳ họp cuối năm 2022.
Ngày 4/9, Chính phủ gửi Quốc hội báo cáo sơ kết thực hiện Nghị quyết 115 về cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội. Theo nghị quyết này, HĐND TP Hà Nội được quyết định áp dụng một số khoản thu phí phù hợp nằm ngoài danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; điều chỉnh đối với loại phí được quy định.
Chính phủ cho biết, Hà Nội dự kiến đề xuất HĐND thu phí, giá dịch vụ thuộc lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường vào cuối năm. Ngoài phí bảo vệ môi trường với nước thải, khí thải, chất thải, thành phố muốn thu phí cung cấp thông tin về đo đạc bản độc, giá dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất, giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải khu vực làng nghề và nông thôn.
Về đề án thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, UBND thành phố đã tổ chức họp và cho ý kiến lần một vào tháng 11/2020 và lần hai vào tháng 10/2021. Trên cơ sở đó, Hà Nội sẽ hoàn thiện đề án và trình HĐND thành phố vào thời điểm phù hợp.
Ngoài ra, huyện Gia Lâm đề xuất điều chỉnh phí chứng thực bản sao và UBND huyện Hoài Đức đề xuất ban hành bổ sung danh mục phí cấp huyện - phí cung cấp thông tin quy hoạch xây dựng. Nhưng báo cáo nêu, cả hai địa phương này đều chưa xây dựng được đề án chi tiết.
Chính phủ cho hay, sau ba năm thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, HĐND TP Hà Nội đã ban hành nghị quyết sửa đổi mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố Hà Nội; sửa đổi mức thu phí một số khoản phí và lệ phí.
Đó là nghị quyết về cơ chế sử dụng nguồn thu từ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp để bổ sung vào nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của thành phố. Dự kiến, giai đoạn 2021-2025, nguồn thu này có khoảng 18.000 tỷ đồng. Trong đó, kế hoạch năm 2021 bố trí 2.000 tỷ đồng và năm 2022 bố trí hơn 7.900 tỷ đồng cân đối cho các dự án đầu tư của thành phố.
Được sự cho phép của Quốc hội, HĐND thành phố đã sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách thành phố đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội. 6.900 tỷ đồng còn dư đã được sử dụng để bổ sung nguồn chi đầu tư xây dựng cơ bản. Trong đó, ngân sách thành phố khoảng 3,76 tỷ đồng, ngân sách các quận 3,14 tỷ đồng, để thực hiện 319 dự án đầu tư phát triển hạ tầng...
Sau ba năm thí điểm, Chính phủ cho rằng cơ chế đặc thù giúp Hà Nội huy động nguồn lực tạo bước đột phá về đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông và hạ tầng kỹ thuật khung; sử dụng linh hoạt, hiệu quả hơn các nguồn lực sẵn có để đẩy nhanh tiến độ dự án, giải quyết bức xúc về cơ sở hạ tầng xã hội, môi trường, giao thông...
Tuy nhiên, lĩnh vực phí đang được điều chỉnh bởi Luật Phí và lệ phí, cùng nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành. Để đảm bảo được các nguyên tắc đề ra và tránh sự trùng lặp, không thống nhất giữa các văn bản pháp luật về phí, Chính phủ cho rằng cần phải có thời gian nghiên cứu kỹ và đánh giá tác động toàn diện, lấy ý kiến của các chuyên gia, người chịu ảnh hưởng trực tiếp của chính sách. Đến nay, UBND thành phố mới báo cáo HĐND thông qua 1/6 đề án phí.
Do đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép Hà Nội tiếp tục thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô.
Cuối tháng 8, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội báo cáo kết quả Chương trình đo kiểm khí thải môtô, xe gắn máy cũ và đề xuất lộ trình kiểm định khí thải. Theo đó, năm 2023 các đơn vị chức năng của thành phố sẽ xây dựng khung pháp lý và ban hành kế hoạch kiểm soát khí thải xe máy; nghiên cứu phân vùng bảo vệ môi trường không khí và hạn chế xe máy.
Giai đoạn 2024-2025, thành phố tổ chức thí điểm kiểm định hàng năm với xe máy từ 5 năm sử dụng trở lên, có thể nghiên cứu dán tem để phân biệt. Giai đoạn này cũng bắt đầu áp dụng phân vùng khu vực theo tiêu chuẩn khí thải. Sau thí điểm, từ năm 2026, xe 3-5 năm sử dụng trở lên phải kiểm định khí thải định kỳ, đồng thời hạn chế các xe không đạt tiêu chuẩn khí thải tại khu vực đã phân vùng.
Thành phố sẽ nghiên cứu áp dụng thu phí khí thải cho các khu vực theo phân vùng bảo vệ. Hà Nội sẽ xây dựng hệ thống kiểm soát khí thải xe máy bao gồm 170 trạm kiểm định cố định và lưu động; đầu tư hệ thống camera giao thông để phát hiện xe xả khói đen (có thể sử dụng chung với camera giao thông hiện có).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận