Hà Nội cần 55 tỷ USD để làm 15 tuyến đường sắt đô thị
Hà Nội đặt mục tiêu sở hữu hệ thống đường sắt đô thị hiện đại gồm 15 tuyến vào năm 2045, với tổng mức đầu tư dự kiến 55 tỷ USD.
Ngày 17/8, tại hội nghị Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn nêu phương án hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị của Thủ đô.
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến 2030 tầm nhìn đến 2050, hệ thống đường sắt đô thị có 10 tuyến với trên 410 km. Thành phố đang điều chỉnh Quy hoạch chung, bổ sung 5 tuyến đường sắt dài 200 km. Như vậy đến năm 2045 tầm nhìn đến 2065, Hà Nội sẽ có 15 tuyến đường sắt đô thị tổng chiều dài 617 km.
"Hệ thống đường sắt đô thị là loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, tốc độ cao và là xương sống trong hệ thống hạ tầng giao thông đô thị, đặc biệt là với Hà Nội", ông Tuấn nói.
Phó chủ tịch Hà Nội cho hay việc xây dựng các tuyến đường sắt đô thị thời gian qua gặp nhiều thách thức, hiện chỉ có tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông và đoạn trên cao tuyến Nhổn - ga Hà Nội hoạt động.
Thành phố phấn đấu đến năm 2035 hoàn thành đầu tư xây dựng, vận hành 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 418 km với nhu cầu vốn 37 tỷ USD. Tuy nhiên qua rà soát các nguồn vốn đầu tư công và tổng hợp khả năng cân đối các nguồn vốn có thể huy động khác, thành phố dự kiến cân đối được trên 28 tỷ USD, cần trung ương hỗ trợ hơn 8 tỷ USD.
Đến năm 2045, Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng 5 tuyến còn lại (200 km) để hoàn thành đưa vào vận hành, với nhu cầu vốn khoảng 18 tỷ USD.
Theo ông Tuấn, Hà Nội đang tổ chức nghiên cứu, triển khai các dự án đầu tư xây dựng đường sắt đô thị: Tuyến số 2.1 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo), Tuyến số 3.2 (ga Hà Nội - Hoàng Mai), Tuyến số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc), Tuyến số 2A kéo dài (Hà Đông - Xuân Mai). Tuy nhiên, nếu vẫn xây dựng các tuyến còn lại theo phương thức cũ thì thành phố sẽ gặp thách thức lớn về nguồn lực, vốn...
Hà Nội kiến nghị Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá, để phân cấp phân quyền chủ động cho thành phố tập trung nguồn lực, rút ngắn trình tự thủ tục; cân đối nguồn vốn để đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, về các yếu tố đầu máy, toa xe, đường ray và đặc biệt là đồng bộ về kết nối hệ thống, kết nối liên vùng giữa các tỉnh, thành.
Thành phố cũng đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo để triển khai vào năm 2025; phê duyệt đề xuất dự án sử dụng vốn ODA cho Tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai trong tháng 8 để thành phố có cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
10 tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô gồm: Tuyến số 1, đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên dài hơn 38 km; Tuyến số 2, Nam Thăng Long (kéo dài đi Sóc Sơn) dài hơn 47 km; Tuyến số 2 A, đoạn Cát Linh - Hà Đông, kéo dài Xuân Mai dài 33 km; Tuyến số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, kéo dài đến Sơn Tây dài 57 km; Tuyến số 4, Mê Linh - Sài Đồng - Liên Hà dài 54 km; Tuyến số 5, Văn Cao - Hòa Lạc dài 38 km; Tuyến số 6, Nội Bài - Ngọc Hồi dài 43 km; Tuyến số 7, Hà Đông - Mê Linh dài 28 km; Tuyến số 8, đoạn Sơn Động - Mai Dịch, kéo dài đến Dương Xá dài 39 km; Tuyến số 9, Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai dài 32 km.
5 tuyến bổ sung theo điều chỉnh Quy hoạch chung gồm: Tuyến 1A, Ngọc Hồi - sân bay thứ 2 phía Nam dài 29 km; Tuyến số 9, Mê Linh - Cổ Loa - Dương Xá dài; 48 km; Tuyến số 10, Cát Linh - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Yên Nghĩa dài 12 km; Tuyến số 11, vành đai 2 - trục phía Nam - sân bay thứ 2 phía Nam, dài 42 km; Tuyến số 12, Xuân Mai - Phú Xuyên dài 45 km.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận