Gửi tiền ở ngân hàng nào hưởng lãi suất cao nhất tháng 6?
Mặc dù lãi suất tiền gửi tại một số ngân hàng TMCP lớn giảm nhưng ở "chiếu dưới" vẫn có những mức lãi suất ưu đãi nổi trội trước khả năng có thể giảm tiếp trong thời gian tới.
Lãi suất tiền gửi tại một số NHTMCP lớn giảm
Theo Chứng khoán Sài Gòn (SSI), tuần qua, NHNN bơm ròng 11 nghìn tỷ đồng trên thị trường mở thông qua 10.998 tỷ đồng tín phiếu đến hạn và 2 tỷ đồng mua kỳ hạn. Thanh khoản trên liên ngân hàng vẫn rất dồi dào, lãi suất gần như đi ngang ở vùng thấp, chốt tuần ở mức 0.49%/năm (giảm 4 điểm phần trăm) với kỳ hạn qua đêm và 0.75%/năm (tăng 2 điểm phần trăm) với kỳ hạn 1 tuần.
Như vậy, lãi suất trên liên ngân hàng đã giảm từ 170-180 điểm phần trăm chỉ trong tháng 5, đưa lãi suất về vùng thấp nhất trong 4 năm trở lại đây. Thanh khoản các ngân hàng được hỗ trợ mạnh mẽ từ 100 nghìn tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Lượng tín phiếu lưu hành tại cuối tháng 5 đã thu hẹp về mức 27 nghìn tỷ đồng và sẽ đáo hạn gần hết (25 nghìn tỷ) trong tuần này, lãi suất trên liên ngân hàng dự kiến sẽ vẫn duy trì ở mức thấp.
Trong khi đó, lãi suất tiền gửi tại một số NHTMCP lớn cũng vừa được điều chỉnh giảm từ 30-50 điểm phần trăm ở các kỳ hạn 12, 13 tháng và giảm tiếp 30-50 điểm phần trăm ở các kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng.
NCB có mức lãi suất tiền gửi cao nhất ở các kỳ hạn 6, 12 và 18 tháng
Cụ thể, ở kỳ hạn 6 tháng, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) đang ghi nhận mức lãi suất tiền gửi 6, 12 và 18 tháng cao nhất trong các ngân hàng.
Trong đó, với kỳ hạn 6 tháng, NCB tung ra mức lãi suất với 7,5%/năm, thấp hơn một chút có Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank) là 7,2%/năm và Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) 7%/năm.
Ngoài 4 ngân hàng TMCP Nhà nước (Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank) duy trì mức lãi suất tiền gửi 6 tháng tại 4,9%/năm thì các nhà băng còn lại dao động từ 6,1% - 6,82%/năm.
Dài hơi hơn, ở kỳ hạn 12 tháng, NCB vẫn là nhà băng đi đầu trong việc tung ra mức lãi suất ưu đãi cao nhất tới 8%/năm, còn lại đều dưới mốc này.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank) chỉ áp sát được tới mốc 7,92%/năm, cách xa hơn một chút là 7,6%/năm ghi nhận tại Bắc Á và Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank).
Hay Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng đưa ra mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng là 7,5%/năm, áp sát đó có Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) với 7,4%/năm.
MBBank là 7,2%/năm, Oceanbank 7,05%/năm, OCB 7%/năm. SHB ở "chiếu dưới" với 6,8%/năm.
Ở mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 18 tháng, NCB cũng đưa ra tới 8.10%/năm kéo dài đến 36 tháng, các ngân hàng còn lại cũng chênh lệch không nhiều so với kỳ hạn 12 tháng, dao động quanh mốc 6,7% - 7,7%/năm.
Tính chung từ đầu năm đến nay, lãi suất tiền gửi của các NHTMCP lớn đã giảm tổng cộng 60-75 điểm phần trăm với kỳ hạn dưới 12 tháng (về mức 4-5.5%/năm) và giảm từ 65-100 điểm phần trăm ở các kỳ hạn 12, 13 tháng (về mức 5.7-6.2%/năm).
Mức sụt giảm lãi suất tiền gửi ở các NHTM có thị phần nhỏ từ đầu năm đến nay chỉ từ 20-40 điểm phần trăm nên chênh lệch lãi suất huy động với nhóm NHTMCP lớn hiện nới rộng lên mức 100-180 điểm phần trăm, gia tăng sức hút với dòng tiền gửi.
Tuy nhiên, các ngân hàng nhỏ đều bị khống chế mức tăng trưởng tín dụng nên khả năng hấp thụ lượng tiền gửi cũng hạn chế và có thể cũng sẽ điều chỉnh giảm tiếp lãi suất trong thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận