Góc nhìn TTCK tuần 26 - 30/6: Dòng tiền dịch chuyển, thị trường chuẩn bị định giá lại
Chuyên gia Phòng Môi giới Năng động ABS, CTCK Vietcap nhận định, thị trường sẽ định giá lại, dòng tiền có xu hướng dịch chuyển từ nhóm cổ phiếu đầu cơ sang nhóm cổ phiếu cơ bản tốt.
Khối ngoại và tự doanh “quay xe, NĐT cá nhân tiếp tục lạc quan
VN-Index tiếp tục có một tuần giao dịch sôi động. Thị trường tiếp tục duy trì tâm lý lạc quan. Sau phiên đầu tuần điều chỉnh, đã có 4 phiên tăng giúp cho chỉ số đại diện sàn HoSE kết thúc tuần ở mốc 1129,38 điểm (tăng 0,36% so với tuần trước), đánh dấu tuần thứ 4 tăng điểm liên tiếp.
Sau tuần cơ cấu danh mục của các quỹ ETF, khối ngoại đã quay đầu bán ròng với giá trị bán hơn 917 tỷ Đồng. Top các cổ phiếu được khối ngoại bán nhiều nhất là VNM, VPB, STB, TPB và FPT. Đáng chú ý, cổ phiếu VNM đã có tuần thứ 5 liên tiếp bị khối ngoại bán ròng với giá trị bán tuần này khoảng 300 tỷ đồng.
Tự doanh cũng bán ròng với giá trị bán khoảng 931 tỷ đồng sau 2 tuần mua ròng liên tiếp. Top các cổ phiếu bị bán nhiều nhất bởi tự doanh là STB, HPG, VPB, VNM và CTG.
Ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư cá nhân tiếp tục duy trì tâm lý lạc quan khi mua ròng hơn 86 triệu cổ phiếu tương đương giá trị 2.300 tỷ đồng. Top các cổ phiếu được nhà đầu tư cá nhân giao dịch nhiều nhất trong tuần là DIG, VND, NVL, HPG và VPB.
Kỳ vọng đầu tư công, cổ phiếu nhóm vật liệu xây dựng thăng hoa
Vào ngày 18/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công ba dự án Vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Ba tuyến có tổng chiều dài 247 km, kinh phí hơn 115.000 tỷ đồng, giúp liên kết các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tây Nguyên.
Nhiều dự án cao tốc lớn đồng loạt triển khai, cùng với 1.729 km đã đưa vào khai thác, đến năm 2025, cả nước có thể đạt hơn 3.000 km. Cộng với việc nhà đầu tư kỳ vọng vào dự án Sân bay Long Thành khiến cho cổ phiếu nhóm ngành vật liệu xây dựng và xây lắp đã có 1 tuần “thăng hoa”.
Xét về tiến độ triển khai các dự án hạ tầng có thể thấy các doanh nghiệp sản xuất cát, đá, xi măng là hưởng lợi đầu tiên vì cung cấp sản phẩm cho công tác làm nền, móng hạ tầng.
Các cổ phiếu vật liệu xây dựng tăng điểm mạnh mẽ như VLB (+17%), KSB (13%) hay HT1 (10%). Ngoài ra nhóm thép cũng có phản ứng tích cực vì kỳ vọng vào đầu tư công như HPG tăng 2,2%, NKG (+2,8%), VGS (+2,2%), POM (+1,5%).
Cơ hội tăng cường thu hút FDI từ Hàn Quốc
Ngày 22/6, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã đáp chuyến bay tới Hà Nội bắt đầu thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tới Việt Nam và Việt Nam là nước Đông Nam Á đầu tiên Tổng thống Hàn Quốc tới thăm sau khi nhậm chức vào tháng 5/2022.
Đáng chú ý, tháp tùng Tổng Thống Hàn Quốc trong chuyến thăm lần này có hơn 200 doanh nghiệp của Hàn Quốc, trong đó có 5 tập đoàn lớn Samsung Electronics, SK, Hyundai Motor, LG và Lotte.
Điều này cho thấy quan hệ hợp tác về kinh tế, đầu tư, thương mại của hai nước đã và đang phát triển nhanh chóng, ấn tượng. Theo truyền thông Hàn Quốc, phái đoàn dự kiến sẽ ký một số biên bản ghi nhớ khi các nhà sản xuất hàng đầu của Hàn Quốc đang tìm cách đảm bảo hợp tác chuỗi cung ứng và mở rộng xuất khẩu tại Việt Nam, điều này hứa hẹn mở ra một tương lai phát triển mới cho nguồn vốn FDI của “xứ sở kim chi” vào Việt Nam, tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian sắp tới.
Quốc hội thông qua Nghị quyết về một số vấn đề tài chính, ngân sách
Ngày 22/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của các chương trình mục tiêu quốc gia. Đáng chú ý, Nghị quyết đã thông qua việc giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan quyết liệt các giải pháp thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm là triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ đầu tư công theo kế hoạch 2023 làm động lực tăng trưởng chính trong năm đúng pháp luật, đúng mục đích, đạt hiệu quả.
Sau 5 tháng đầu năm mới giải ngân 25,5% vốn đầu tư công theo kế hoạch, sức ép lên các Bộ, Ngành về giải ngân vốn đầu tư công đang rất lớn. Trong bối cảnh xuất khẩu dự báo sẽ ảm đạm cho đến cuối năm, đầu tư tư nhân chưa có dấu hiệu khởi sắc thì việc giải ngân đầu tư công là trụ cột chính và lớn nhất làm động lực tăng trưởng GDP trong năm nay.
Trước đó, vào ngày 21/6, Bộ Tài chính đã có Tờ trình số 119/TTr-BTC gửi Chính phủ về dự thảo Nghị định quy định về giảm lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Nếu được thông qua thì đây sẽ là một trong những chính sách tài khóa để kích thích tiêu dùng trong nước.
Không những vậy, hiệu ứng lan tỏa sẽ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp sản xuất ô tô ở Việt Nam và những ngành công nghiệp phụ trợ có động lực để phát triển. Ngược lại, theo ước tính của Bộ Tài chính thì việc giảm lệ phí trước bạ sẽ làm thất thu ngân sách nhà nước khoảng 8.000 – 9.000 tỷ đồng, đặc biệt với những địa phương lượng tiêu thụ ô tô nhiều sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Tăng trưởng tín dụng thấp, dòng tiền vẫn chưa được lưu thông
Ngày 22/6, Ngân hàng Nhà nước tổ chức họp báo công bố kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm. Đáng chú ý, đến 15/6/2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế mới đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước.
Bất chấp việc Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, lãi suất cho vay cũng đã có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn còn ở mức rất thấp.
Chuyên gia Phòng Môi giới Năng động ABS, CTCK Vietcap cho rằng, đây là dấu hiệu rõ ràng nhất cho việc chính sách tiền tệ nới lỏng chưa phát huy được hiệu quả do dòng vốn vẫn chưa lưu thông vào nền kinh tế. Mặc dù tất cả các bộ ngành đều rất cố gắng để triển khai giải ngân đầu tư công nhưng sau gần 06 tháng đầu năm tỷ lệ giải ngân vẫn còn thấp khi số giải ngân chỉ là 25,5% (5T2023) so với kế hoạch.
Để dòng vốn nới lỏng lưu thông vào nền kinh tế, chuyên gia Phòng Môi giới Năng động ABS cho rằng, các chính sách tài khóa phải thật sự phát huy được hiệu quả, tiền sẽ được “bơm” ra thị trường bằng các cách cụ thể như tiền giải phóng mặt bằng, tiền tạm ứng cho các doanh nghiệp xây lắp, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp xây lắp để triển khai dự án, tiền tạm ứng mua nguyên vật liệu xây dựng…
Việt Nam có thể sẽ đối mặt với áp lực tỷ giá trong 6 tháng cuối năm
Nhìn ra thế giới, ngày 22/6, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5%, lên mức 5%, trong bối cảnh lạm phát cao tại nước này sẽ kéo dài lâu hơn dự kiến. Đây là lần tăng lãi suất thứ 13 liên tiếp của BoE kể từ tháng 12/2021 kéo mức lãi suất cơ bản tăng lên cao kỷ lục tính từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Dữ liệu mới nhất vừa được công bố cho thấy, CPI của Vương quốc Anh được ghi nhận ở mức 8,7% trong tháng 5 vừa qua, CPI lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) bất ngờ tăng từ mức 6,8% lên 7,1%, mức cao nhất kể từ năm 1992.
Với những dự báo về việc lạm phát chưa có dấu hiệu ngừng lại, nhiều chuyên gia cho rằng lãi suất cơ bản của Vương quốc Anh có thể sẽ được nâng lên tới 6% vào cuối 2023 để đưa lạm phát trở lại mức lạm phát mục tiêu là 2%.
Trong bối cảnh các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đều tăng lãi suất, Fed đã tạm ngưng để quan sát nhưng phát đi tín hiệu sẽ tiếp tục tăng lãi suất ít nhất 1 lần nữa đến cuối năm 2023, thì Việt Nam lại đi ngược xu hướng với chính sách tiền tệ nới lỏng với 4 lần hạ lãi suất điều hành.
Nếu nhìn thực thể các nền kinh tế độc lập, Việt Nam tính từ đầu năm 2022 có dư địa rất lớn để hạ lãi suất điều hành do kiểm soát được lạm phát dưới mức mục tiêu. Tuy nhiên, chuyên gia Phòng Môi giới Năng động ABS cho rằng, với tư cách là một nền kinh tế mở, việc điều hành lãi suất của Việt Nam không thể không quan hành động của các ngân hàng trung ương lớn như Mỹ, châu Âu và Anh.
Nhìn lại quá khứ, vào tháng 11/2022, đã có thời điểm tỷ giá USD/VND lên đến gần 25.000 khi Fed liên tục tăng lãi suất, ngay lập tức Ngân hàng Nhà nước đã bán ra 10 tỷ USD để đưa tỷ giá về mức ổn định. Nhìn lại bối cảnh hiện tại, việc các ngân hàng trung ương lớn chưa có dấu hiệu ngừng tăng lãi suất trong khi Việt Nam lại đang nới lỏng chính sách tiền tệ, áp lực tỷ giá và dự trữ ngoại hối là điều Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt trong giai đoạn 6 tháng cuối năm.
Định giá P/E thị trường ở mức cao, chờ đợi kết quả kinh doanh quý II
Hiện tại, tâm lý lạc quan của nhà đầu tư cá nhân đang khiến định giá P/E của thị trường neo ở mức khá cao và có “gap” khá lớn so với VN-Index. Bất kể là dòng tiền đầu cơ hay là dòng tiền đầu tư, việc thanh khoản tăng đột biến cộng với sự tăng điểm của VN-Index trong giai đoạn vừa qua thể hiện sự kỳ vọng cao của thị trường trong ngắn hạn.
Với bối cảnh vĩ mô được dự đoán là chưa có sự khởi sắc, chưa có dấu hiệu tích cực trong ngắn hạn thì kỳ vọng chính lúc này của thị trường chính là kết quả kinh doanh quý 2/2023 của các doanh nghiệp dự kiến sẽ được công bố trong khoảng 2 tuần tới.
Lúc này, thị trường sẽ bước vào giai đoạn định giá lại các cổ phiếu dựa trên kết quả kinh doanh. Thị trường chứng khoán chắc chắn sẽ có sự dịch chuyển của dòng tiền khi các kỳ vọng được phản ánh hết bằng con số chính thức. Dòng tiền đầu cơ sẽ rút khỏi những mã cổ phiếu không phản ánh như kỳ vọng.
Xu hướng tất yếu chính là dòng tiền sẽ dịch chuyển từ các mã cổ phiếu đầu cơ sang các cổ phiếu cơ bản tốt. Thực tế, tuần qua VN-Index đã có xu hướng dịch chuyển, dòng tiền đang nỗ lực kéo các cổ phiếu Bluechips như HPG, STB, VNM, MSN.
Nhìn vào tín hiệu kỹ thuật, khối lượng giao dịch và chỉ số vẫn đang trong phân kỳ âm, thể hiện thị VN-Index vẫn đang nằm trong giai đoạn rủi, thể hiện một tâm lý lạc quan và sẵn sàng “cược” vào kết quả kinh doanh quý 2 của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, lực cầu ở nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn duy trì ở trạng thái tích cực trong phiên giao dịch cuối tuần cho nên việc định giá lại hay điều chỉnh xu hướng dòng tiền vẫn chưa thể phản ứng nhanh và quyết liệt trong tuần giao dịch tới.
Chuyên gia Phòng Môi giới Năng động ABS cho rằng, tuần giao dịch sắp tới sẽ không có quá nhiều biến động, tuy nhiên, dòng tiền tiếp tục sẽ có xu hướng dịch chuyển dần từ nhóm cổ phiếu đầu cơ sang nhóm các cổ phiếu cơ bản. Chính vì vậy, các nhà đầu tư nên cân nhắc, không nên mạnh tay giải ngân vào nhóm cổ phiếu đầu cơ trong giai đoạn này.
Ngoài ra, Chuyên gia phòng Môi giới Năng động ABS cho rằng với những cổ phiếu cơ bản tốt và đang hưởng lợi từ chính sách vĩ mô như nhóm ngành vật liệu xây dựng, xây lắp nếu đang giữ giá tốt và khối lượng giao dịch ổn định thì các nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ. Trong trường hợp những cổ phiếu này có nhịp điều chỉnh nhẹ với khối lượng thấp thì có thể cân nhắc giải ngân thêm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận