menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vy Lam

Góc nhìn TTCK 19-23/9: ngắn hạn, VN-index đối diện áp lực giảm điểm

VN-Index vẫn tiềm ẩn rủi ro sụt giảm từ vùng cản 1.250 điểm, nhà đầu tư giữ tỷ trọng danh mục an toàn do thị chưa có tín hiệu hỗ trợ hoặc tích luỹ đáng tin cậy.

Sau phiên giảm mạnh giữa tuần trước, giao dịch trên thị trường tuần 12-16/9 có phần thận trọng hơn do là tuần đáo hạn phái sinh, các quỹ ETF đảo danh mục, cộng thêm thông tin lạm phát của Mỹ tháng 8 cao hơn dự kiến và chứng khoán Mỹ giảm mạnh ngày 13/9 cũng tác động tới tâm lý chung của nhà đầu tư.

Dự báo trong ngắn hạn, thị trường vẫn có diễn biến tiêu cực, với áp lực bán, điều chỉnh mở rộng. Nhưng cũng cần ghi nhận điểm tích cực là lực cầu ngắn hạn vẫn gia tăng và phân hoá ở các nhóm đầu tư công, năng lượng, lương thực.

Thực tế nói về dòng tiền vận động trên thị trường từ đầu năm tới nay khá kém, thanh khoản sụt giảm mạnh từ 40.000 tỷ đồng/phiên xuống mức 15.000 tỷ đồng/phiên. Theo bà Vũ Thị Thu Thủy - Giám đốc thông tin và nhận định thị trường, Khối Khách hàng cá nhân HSC, điều này cho thấy lượng tiền lớn đã ở ngoài thị trường hoặc chuyển sang các kênh khác.

Tốc độ tăng trưởng số lượng tài khoản mở mới cũng chững lại trong những tháng gần đây, mặc dù vậy đây là diễn biến phù hợp sau 2 năm tăng trưởng nóng từ Covid 29 và tỷ lệ dân số có tài khoản giao dịch chứng khoán đã chạm mức kỳ vọng là 5%. Việc thị trường trở nên phân hóa hơn cũng khiến các nhà đầu tư nhận ra rằng, công việc đầu tư là nghiêm túc và khó khăn, cần kiến thức và sự bền vững, bà Thuỷ chia sẻ quan điểm.

Việc triển khai T+2,5 hay giao dịch lô lẻ chưa giúp cải thiện được thanh khoản do yếu tố xu hướng thị trường mới là yếu tố quyết định. Tuy nhiên, cơ hội với TTCK đã trở nên phổ biến hơn khi có nhiều loại hình đầu tư gián tiếp (ví dụ: mua bảo hiểm gắn kết đầu tư linh hoạt) hoặc thông qua các chứng chỉ quỹ mới do các quỹ chuyên nghiệp điều hành sẽ là những điểm nhấn mới giúp thị trường sẽ dần phát triển hơn nữa.

“Các thay đổi này đang giúp thị trường chứng khoán Việt Nam bắt kịp gần hơn với các tiêu chí để có thể nâng hạng thị trường”, bà Thuỷ nói.

Về dòng tiền margin, trong năm 2021 và 2022 rất nhiều CTCK đã hoàn thành tăng vốn và có những CTCK tăng tới gấp đôi gấp 3 lần trước và điều này giúp cho cải thiện mạnh mẽ năng lực cung cấp margin cho thị trường.

Trước đây hiện tượng “căng cứng” margin luôn đi kèm các rủi ro đảo chiều giảm của thị trường, do đó khi lượng margin dồi dào cũng giúp giảm thiếu các tác động tiêu cực khiến thị trường điều chỉnh.

Hiện tại xu thế thị trường còn chưa tốt do đó nhu cầu sử dụng margin cũng chưa lớn nhưng sẽ là nguồn cung vốn rất tiềm năng trong tương lai để đưa thị trường lên tầm quy mô thanh khoản lớn hơn rất nhiều so với hiện tại. Thanh khoản cải thiện, quy mô vốn tăng cũng là điều kiện tốt để thu hút các nguồn vốn từ thị trường quốc tế đến với Việt Nam, bà Thuỷ chia sẻ.

Trên thực tế, dòng vốn ngoại đang rất tích cực giải ngân tại Việt Nam trong quý 2 và các quỹ ETF đã tiếp tục nhận dòng vốn mới dương, tính từ đầu năm đến giờ. Nhà đầu tư ngoại lạc quan với triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam.

Điều dễ nhận thấy là dòng tiền rõ ràng có chọn lọc trước các cơ hội, chẳng hạn với dòng thép thì dòng tiền đầu cơ ưu tiên các cổ phiếu như NKG, HSG, trong khi HPG tăng ít hơn. Hay trong dòng phân đạm, DCM và DPM tăng mạnh, nhưng nhiều mã trong ngành chỉ nhích nhẹ hoặc không tăng.

Bà Thuỷ cho biết, phân hoá là diễn biến bình thường trong bối cảnh thị trường chưa thoát khỏi xu thế giảm và thanh khoản thấp. Hơn 90% thanh khoản thị trường đến từ nhà đầu tư cá nhân, vốn bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tâm lý bầy đàn, ưa thích các cổ phiếu thị giá thấp (dưới 50.000đ/cổ phiếu), thậm chí là “cổ phiếu trà đá”. Dòng tiền cũng có thiên hướng “đánh nhanh, rút gọn” chủ yếu đầu cơ lướt sóng do đó sẽ chọn các cổ phiếu có yếu tố thanh khoản trung bình thấp thay vì chọn các cổ phiếu vốn hóa lớn để tạo ra các nhịp sóng một cách dễ dàng hơn.

Chuyên gia HSC khuyến nghị những ngành triển vọng 4 tháng cuối năm

Bối cảnh những tháng cuối năm sẽ tiếp tục có những sự phân hóa lớn, là góc nhìn tổng quan từ chuyên gia HSC.

Cuộc chiến chống lạm phát nhưng vẫn phải duy trì ổn định vĩ mô sẽ là những diễn biến chủ đạo trong các chính sách điều hành vĩ mô trong những tháng còn lại. Số liệu kinh tế Quý 3/2022 được đánh giá là tích cực, hưởng lợi từ sự phục hồi sau đại dịch cũng như điểm xuất phát thấp của cùng kỳ năm 2021.

Trong bối cảnh này, nhóm ngành tận dụng tốt được nhu cầu hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch sẽ hưởng lợi như điện nước, bất động sản khu công nghiệp, ngân hàng, thực phẩm, dầu khí, bán lẻ, hóa chất.

Cụ thể hơn, bà Thuỷ phân tích, thứ nhất, sự hồi phục sản xuất và các hoạt động kinh tế sôi động giúp thu nhập người dân tiếp tục tăng cao tạo điều kiện cho tiêu dùng tiếp nối đà tăng trưởng. Các doanh nghiệp bán lẻ thiết yếu và không thiết yếu sẽ được hưởng lợi lớn.

Thứ hai, xuất khẩu vẫn là điểm nhấn khi thị trường Mỹ vẫn duy trì nhập khẩu lớn và là đối tác lớn nhất với Việt Nam. Đồng Đôla tăng giá giúp các doanh nghiệp xuất khẩu nhiều sang Mỹ được hưởng lợi lớn như thủy sản, gỗ. Có thể nói việc lạm phát hạ nhiệt nhanh hơn ở các quốc gia Châu Á cũng tạo điều kiện cho dòng tiền tìm đến và sự chuyển dịch chuỗi cung ứng tạo cơ hội cho nhiều quốc gia như Ấn Độ và Việt Nam.

Thứ ba, trong bối cảnh lạm phát, một chu kỳ tăng giá hàng hóa lớn vẫn đang tiếp diễn. Trong đó tâm điểm là nhóm ngành dầu khí. Theo báo cáo mới cập nhật tháng 9 của EIA, giá dầu Brent có thể ở mức trung bình $98/thùng và ở mức trung bình $97/thùng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dầu khí tiếp tục ghi nhận lãi và hoạt động khai thác sẽ tiếp tục sôi động.

Bên cạnh đó, nhóm ngành hóa chất sẽ tiếp tục tạo “sóng” khi việc thiếu hụt nguồn cung gián đoạn từ Nga sẽ còn kéo dài, và nhiều nơi chịu thiệt hại vì chi phí đầu vào tăng do đó củng cố luận điểm về điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hóa chất nội địa có dư địa để lấy thêm thị phần.

Góc nhìn TTCK 19-23/9: ngắn hạn, VN-index đối diện áp lực giảm điểm
Kỳ vọng giá Dầu xoay quanh vùng $92 - $105/thùng brent. Nguồn: HSC tự tổng hợp.

Ngược lại, nhóm ngành phòng thủ như công nghệ, điện nước, bảo hiểm, bất động sản Khu công nghiệp cũng sẽ ghi nhận tăng trưởng cao và phù hợp với việc bảo toàn danh mục khi tần suất các nhịp rung lắc diễn ra thường xuyên.

Các ngành hàng chịu sự tác động tiêu cực của các yếu tố rủi ro như lạm phát, căng thẳng địa chính trị và việc thắt chặt nhanh chính sách tiền tệ sẽ khó có sự bứt phá trong những tháng cuối năm 2022.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
1 Bình luận 3 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại