Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Phái sinh là điểm “trú ngụ” hợp lý?
Bên cạnh một phận nhà đầu tư chuyển sang tìm cơ hội trên thị trường phái sinh, việc thị trường cơ bản suy giảm không phải hoàn toàn là xấu mà còn tạo điều kiện thuận lợi để tích lũy dài hạn những cổ phiếu chất lượng có mức giá tốt.
Thị trường có thêm tuần giao dịch đầy biến động, đẩy chỉ số VN-Index tiến gần sát về ngưỡng tâm lý 1.000 điểm, sắc xanh chỉ kịp chớm nở thì đã nhanh chóng bị dập tắt do áp lực bán trên diện rộng quay trở lại khiến thị trường chìm trong biển đỏ. Đâu là góc nhìn của ông/bà về diễn biến của thị trường trong tuần tới?
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích và đầu tư CTCK Sacombank (SBS)
Về tổng thể, xu hướng ngắn hạn của thị trường vẫn vận động theo hướng tiêu cực, chỉ số có thể đan xen các phiên hồi phục trong quá trình tìm đáy nhưng với việc dòng tiền đang ngày một suy yếu thì tôi vẫn chưa nhận thấy điểm cân bằng.
Mốc 1.000 điểm được coi là hỗ trợ cứng về mặt tâm lý, tuy nhiên theo tôi chỉ ở trên lý thuyết chứ thực tế sẽ rất mong manh, nhà đầu tư không nên quá kỳ vọng ở mốc này.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS
Tâm lý nhà đầu tư đang bị ảnh hưởng lớn khi các chỉ số VN-Index và VN30 giảm điểm phiên cuối tuần trước. Thị trường có thể test lại vùng đáy 2 trong tuần giao dịch tới.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC)
Chỉ số VN-Index đã giảm mạnh 3,6% trong phiên hôm nay do lực bán cổ phiếu trên diện rộng diễn ra ở tất cả các nhóm ngành. Tính chung cả tuần, chỉ số VN-Index giảm 4%.
Quan điểm kỹ thuật: Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn của các chỉ số chứng khoán đều ở mức Tiêu cực, phát ra tín hiệu kết thúc nhịp hồi phục vừa qua. Ngưỡng hỗ trợ của VN-Index, VN30, HNX-Index, VNMidcap và VNSmallcap đều là vùng đáy thiết lập vào đầu tháng 10. Dự báo trong những phiên giao dịch tới, thị trường có thể kiểm định hỗ trợ tại 1.000 điểm.
Nếu lực bán ra không còn mạnh do được hấp thụ nhiều vào phiên giảm ngày thứ Sáu, lực mua được kỳ vọng chiếm ưu thế trở lại, giúp VN-Index có phiên hồi phục từ vùng hỗ trợ kỹ thuật. Ở kịch bản này, kháng cự của chỉ số sẽ nằm ở vùng 1.035-1.045 điểm.
Ngược lại, nếu lực bán duy trì cường độ mạnh khiến VN-Index tiếp tục phá vỡ mốc 1.000 điểm, chỉ số sẽ kéo dài đà giảm xuống vùng hỗ trợ thấp hơn quanh 930-950 điểm.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Giao dịch trong tuần qua thiếu sự hỗ trợ của dòng tiền vì vậy khi có những thông tin bất lợi thị trường dễ dàng bị đổ vỡ rất nhanh như phiên cuối tuần qua. Ngưỡng hỗ trợ tâm lý quanh 980 – 1.000 vẫn khá cứng ở thời điểm hiện tại nhưng cũng không loại trừ khả năng thị trường có thể bị xuyên thủng vùng này nếu có những tin bất lợi gây bất ổn tâm lý với nhà đầu tư. Vì vậy nhà đầu tư cũng cần chuẩn bị những phương án dự phòng để có chiến lược ứng phó phù hợp trong thời gian tới.
Tỷ giá USD/VND ghi nhận tăng mạnh trong giai đoạn vừa qua. Cũng trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức ±3% lên ±5%. Ông/bà đánh giá việc biến động tăng tỷ giá này có tác động như thế nào đến TTCK? Những ngành/doanh nghiệp nào sẽ chịu tác động trực tiếp (nhìn cả góc độ tích cực lẫn tiêu cực) từ biến động này?
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích và đầu tư CTCK Sacombank (SBS)
Việc NHNN điều chỉnh biên độ tỷ giá là khó tránh khỏi và cần thiết trước việc FED liên tục nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát (điều sẽ tạo áp lực đến tỷ giá của các nước trong đó có Việt Nam). Đồng USD mạnh lên chắc chắn sẽ tác động theo hướng tiêu cực với thị trường chứng khoán toàn cầu cũng như trong nước.
Sự điều chỉnh này thể hiện định hướng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ của NHNN, việc này sẽ có tác động không mấy tích cực tới TTCK trong nước trong trung hạn.
Những ngành nghề chịu tác động rõ ràng nhất chắc chắn phải là các doanh nghiệp liên quan đến xuất nhập khẩu, và các doanh nghiệp có vay vốn bằng đồng USD. Các công ty xuất khẩu sẽ được hưởng lợi và ngược lại các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng bất lợi.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS
Những doanh nghiệp có các khoản nợ vay ngoại tệ, các doanh nghiệp tham gia hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, nhập khẩu nguyên vật liệu sản phẩm, các doanh nghiệp có nhiều khoản nợ vay ngắn hạn.
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC)
Việc điều chỉnh biên độ tỷ giá sẽ tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp có vay nợ nước ngoài nhiều vì phải hedging tỷ giá hoặc trích lập dự phòng rủi ro. Nhóm thứ hai chịu ảnh hưởng là các công ty nhập khẩu nguyên liệu đầu vào nhiều. Nhóm thứ ba ảnh hưởng gián tiếp đó chính là những công ty nhập khẩu phục vụ nhu cầu trong nước vì chi phí đầu vào gia tăng.
Ngược lại, những doanh nghiệp được hưởng lợi là những doanh nghiệp xuất khẩu như thủy sản, cao su, khoáng sản. Chúng ta cần chú ý không phải doanh nghiệp xuất khẩu nào cũng được hưởng lợi, đặc biệt những doanh nghiệp mà đầu vào nhập khẩu nhiều thì chi phí đầu vào tăng, triệt tiêu lợi thế từ chênh lệch tỷ giá. Nhóm thứ hai là dầu khí , vận tải biển.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Khi tỷ giá tăng mạnh rõ ràng tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán và lịch sử giao dịch các lần tỷ giá USD tăng mạnh thì thị trường rung lắc khá mạnh và cần một thời gian mới ổn định trở lại.
Về ngắn hạn chưa ảnh hưởng ngay lập tức đến hoạt động doanh nghiệp vì các khoản nợ USD thường kéo dài nhiều năm, tuy nhiên doanh nghiệp vẫn phải ghi nhận các khoản lãi/lỗ chênh lệch tỷ giá định kỳ.
Còn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu chưa hẳn đã được lợi tỷ giá vì ở các thị trường châu Âu, Nhật tỷ giá biến động nghịch chiều cũng làm doanh nghiệp thiệt hại do các chi phí logistics, nhân công gia tăng. Chưa kể, kinh tế chung toàn cầu khó khăn thì đơn hàng xuất khẩu cũng khó khăn hơn và biên lợi nhuận cũng sụt giảm hơn trước.
Ở góc nhìn tích cực, Việt Nam đang là quốc gia đứng thứ 3 trong khu vực châu Á Thái Bình Dương trong việc thu hút dòng vốn ETF và là quốc gia được đánh giá có khả năng chống đỡ rất tốt trước các biến động bất lợi của tình hình vĩ mô thế giới. Thế nhưng, trái với kỳ vọng của các tổ chức nước ngoài là sự “hoảng loạn” của khối nội. Ông/bà có bình luận gì về động thái của các quỹ ETF ở thời điểm hiện tại, cũng như cắt nghĩa sự lệch pha của khối ngoại so với nhà đầu tư trong nước?
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích và đầu tư CTCK Sacombank (SBS)
Nền kinh tế Việt Nam được đánh giá là điểm sáng, với tốc độ tăng trưởng tốt và ổn định trong khu vực trong những năm gần đây vì thế cũng thu hút được dòng vốn ETF quan tâm. Các quỹ đầu tư thường có tầm nhìn mang tính dài hạn, và họ cũng nhìn thấy tiềm năng trong trong tương lai. Ngược lại, nhà đầu tư trong nước đa phần đầu tư ngắn hạn, khi hiệu quả lướt sóng kém, liên tục thua lỗ, thì khó tránh khỏi việc rút tiền ra khỏi kênh này.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS
Biến động về tỷ giá USD/VND, đồng đô la mạnh hơn cũng ảnh hưởng đến chiến lược giao dịch của các quỹ đầu tư nước ngoài, quỹ đầu tư theo chỉ số, quỹ ETFs... Áp lực bán ra của các quỹ vẫn là mối lo trong năm 2022 nhiều biến động vĩ mô bất thường khó đoán định.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Hoạt động giao dịch của khối nội và khối ngoại đã có sự lệch pha khá lớn trong những năm gần đây, đặc biệt là trong giai đoạn các nhà đầu tư trong nước ưa chuộng giao dịch ngắn hạn nhiều hơn trước.
Những biến động thị trường luôn thay đổi bất thường trong thời gian ngắn. Các quỹ đầu tư có mục tiêu trung và dài hạn vì vậy sự lựa chọn cổ phiếu và thời điểm mua bán sẽ rất khác với nhiều nhà đầu tư cá nhân trong nước.
Việc khối ngoại quay lại mua ròng trong ngắn hạn dù không tác động nhiều đến xu hướng chứng khoán ngắn hạn nhưng cũng là tín hiệu cho thấy thị trường đã tạo sức hút với nhiều nhóm nhà đầu tư tổ chức.
Trong khi các chỉ số chứng khoán mang tính dẫn dắt toàn cầu hồi phục kỹ thuật, nhà đầu tư trong nước chứng kiến sự “lặng yên” từ vận động của VN-Index khi thiếu hụt thanh khoản. Một bộ phận nhà đầu tư trên thị trường cơ sở cảm thấy chán nản và chuyển sang tìm cơ hội trên thị trường phái sinh. Liệu phái sinh có phải là điểm “trú ngụ” hợp lý ở giai đoạn này?
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích và đầu tư CTCK Sacombank (SBS)
Rất khó có thể nhận định điều này có hợp lý hay không, bởi dự đoán chính xác chiều lên hay xuống của thị trường là không hề dễ dàng, nhưng rõ ràng thị trường phái sinh là một lựa chọn mang tính giải tỏa cho nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại khi mà thị trường cơ sở quá khó khăn.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS
Giai đoạn này cũng là thời điểm nhà đầu tư cân nhắc sử dụng các chiến lược phòng vệ cho danh mục đầu tư cơ sở - phân bổ tài sản, quản trị rủi ro, các chiến lược hedging có sử dụng công cụ phái sinh là cần thiết. Nhà đầu tư cũng cần trau dồi kiến thức và kinh nghiệm để su dụng linh hoạt, hiệu quả.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Trong từng giai đoạn nhà đầu tư có thể hướng sự ưu tiên vào hoạt động phái sinh hay cơ bản tùy vào thị trường nào quen thuộc và có thể mang lại lợi nhuận dễ dàng hơn cho nhà đầu tư.
Việc thị trường cơ bản suy giảm không phải hoàn toàn là xấu mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều nhóm cổ phiếu chất lượng có mức giá tốt hơn để tích lũy dài hạn và việc nhà đầu tư tham gia ở thị trường phái sinh hay cơ sở cũng cần chiến lược phù hợp và có kỷ luật để đạt hiệu quả cao nhất.
Với biến động điều chỉnh giảm mạnh trong những tuần gần đây khi các phiên giảm điểm chiếm ưu thế, rất nhiều nhà đầu tư thiệt hại lớn, đặc biệt là các nhà đầu tư chưa có nhiều kinh nghiệm và kiến thức. Ông/bà có lời khuyên gì với nhà đầu tư ở thời điểm này? Đâu là chiến lược phù hợp?
Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc phân tích và đầu tư CTCK Sacombank (SBS)
Như trong những nhận định trước, tôi đã khuyến nghị giải pháp đứng ngoài thị trường đối với nhà đầu tư ngắn hạn để đảm bảo quản trị rủi ro khi rủi ro với việc lướt sóng là rất lớn, trong khi việc tìm kiếm lợi nhuận là rất khó khăn.
Với nhà đầu tư dài hạn, có thể cân nhắc giải ngân từng phần ở từng tầng giá với các doanh nghiệp cơ bản, giữ được đà tăng trưởng ổn định khi giá cổ phiếu về mục tiêu hấp dẫn.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS
Ưu tiên quản lý danh mục thận trọng an toàn là ưu tiên hành đầu - tích sản cổ phiếu và mua gom tích luỹ các cổ phiếu hàng đầu, cổ phiếu đầu ngành các nhóm ngành mà thị giá đang giảm sâu là chiến lược phù hợp. Hãy kiên trì đợi thị trường qua giai đoạn điều chỉnh khó khăn - phòng thủ danh mục thận trọng cũng sẽ hạn chế được rủi ro cũng như sẽ sẵn sàng chuẩn bị cho giai đoạn tăng điểm trong tương lai gần...
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC)
Giao dịch thận trọng là lời khuyên của tôi lúc này. Đối với nhà đầu tư trading lướt sóng thì nên lọc những cổ phiếu còn dòng tiền vào và quan sát các cổ phiếu đã hoàn tất các mẫu hình tạo đáy.
Đối với nhà đầu tư giá trị, có thể chọn lọc những cổ phiếu vẫn giữ được kết quả kinh doanh tốt, không bị ảnh hưởng mạnh bởi lạm phát, tỷ giá, kg có nợ vay nhiều..., tuy nhiên việc mua sẽ là giải ngân từng phần theo từng ngưỡng kỹ thuật.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Với thị trường gấu thì điều nhà đầu tư cần tuân thủ và phòng thủ tốt nhất vẫn là tuân thủ nguyên tắc cắt lỗ quyết liệt và nhanh nhất để bảo vệ tài sản tránh thiệt hại nhiều nhất có thể.
Nhà đầu tư có thể dựa vào tín hiệu chung của tâm lý thị trường và cả phân tích kỹ thuật để chọn thời điểm lướt sóng kiếm lợi nhuận ngắn hạn. Thị trường về trung hạn vẫn đang trong xu hướng giảm và vì vậy các nhịp tăng của thị trường chủ yếu vẫn sẽ là các nhịp hồi ngắn và chỉ diễn ra trong thời gian chỉ trong một tuần đến một tháng.
Cơ hội kiếm lợi nhuận trong giai đoạn thị trường downtrend dĩ nhiên là khó khăn hơn, vì vậy sẽ không phù hợp với các nhà đầu tư không chuyên. Với các nhà đầu tư mới tham gia thị trường và còn ít kinh nghiệm thì giai đoạn hiện tại là lúc tốt nhất để thu lượm kiến thức đầu tư và tận dụng giai đoạn hiện tại để trải nghiệm thị trường hơn là kiếm lợi nhuận thật sự.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận