Góc nhìn chứng khoán: “Ông kẹ” VNM tái xuất
Kể từ khi trượt dài khỏi đỉnh vinh quang đầu 2018 nhường “ngôi” cho VIC, VHM và VCB cuối 2019, “siêu trụ” một thời VNM gần như mất hết sức ảnh hưởng. Đến hôm nay cổ phiếu này đột ngột tỏa sáng, một phần vì thị trường chung quá kém.
VNM từng bị coi là blue-chips hết thời sau khi đạt đỉnh cao tháng 3/2018 rồi trượt dài sau đó. Cho đến đáy tháng 3/2020 thì VNM đã bốc hơi xấp xỉ 50% giá trị. Vốn hóa của VNM vẫn thuộc nhóm lớn nhất thị trường, nhưng VIC, VHM vừa có vốn lớn hơn, vừa có xu hướng giá muộn hơn, đạt đỉnh ở nửa sau năm 2019. Đặc biệt VNM bị VCB vượt mặt khi VCB tăng giá cực mạnh suốt 2019 và đạt đỉnh đầu 2020.
Hiện tại VNM đang đứng thứ 4 về trong thứ bậc vốn hóa của sàn HSX, sau VIC, VCB và VHM. Do vốn hóa có phần suy giảm cộng với mức biến động hàng ngày không nhiều, nên sức ảnh hưởng của VNM tới VN-Index ngày càng mờ nhạt. Thậm chí trong đợt tăng 13 phiên đầu tháng 4 này, VN-Index có được gần 133 điểm, VNM chỉ đóng góp được hơn 4 điểm mà thôi.
Tuy nhiên hôm nay là ngày của VNM. Cổ phiếu này có được mức tăng kịch trần với khối lượng giao dịch kỷ lục từ cuối 2017. VNM giao dịch hôm nay 3,62 triệu cổ tương đương 365,6 tỷ đồng giá trị, chiếm 10,4% tổng giá trị khớp của hai sàn. Vốn hóa của VNM tăng hơn 11.600 tỷ đồng hôm nay cũng đóng góp cho VN-Index gần 4 điểm trong khi thực tế chỉ số này chỉ tăng chưa tới 3 điểm so với tham chiếu.
Có thể nói thông tin mua 17,5 triệu cổ phiếu quỹ là cứu cánh cho giá VNM. Cho đến hôm qua VNM đã gần như rơi vào nhịp điều chỉnh giảm khi hai tuần lễ không vượt nổi mốc 100.000 đồng và sụt giảm 3,9% chỉ trong có 3 phiên vừa qua. Phiên tăng 6,97% hôm nay đẩy giá vọt lên 102.800 đồng.
Khá bất ngờ là VNM không quyết định mua cổ phiếu quỹ khi giá lao dốc hồi tháng 3. Hầu hết các đợt mua cổ phiếu quỹ để “cứu giá” của các doanh nghiệp, cổ đông nội bộ đều được công bố khi giá giảm sâu. VNM ra tin mua cổ phiếu quỹ sau khi giá đã tạo đáy, thị trường đang phục hồi mạnh mẽ.
Việc mua này có thể gây bất ngờ vì đến hôm qua giá vẫn còn rơi 1,4% và hôm nay nhà đầu tư vẫn bán ra rất nhiều. Dĩ nhiên giá tăng kịch trần cũng đồng nghĩa với nhà đầu tư mua vào áp đảo, nhưng thanh khoản lại quá lớn chứng tỏ khối lượng bán ra cũng kỷ lục. Đáng lẽ với thông tin mua khối lượng cổ phiếu quỹ nhiều như vậy thì nhà đầu tư sẽ không bán ra mà chờ giá tăng cao hơn. Thậm chí nhà đầu tư nước ngoài phiên này cũng xả 1,676 triệu cổ và chỉ mua 717.000 cổ, tức là bán ròng rất lớn ở VNM.
Nhờ giá tăng cực mạnh nên VNM góp phần đỡ VN-Index vượt qua được tham chiếu. Chỉ số này đến gần hết phiên, lúc VNM lên giá trần mới vượt được tham chiếu. VN-Index đóng cửa tăng 2,75% với VNM là trụ duy nhất mạnh. VCB, VHM, SAB, BID đều giảm, VIC, GAS không tăng nổi. Sự tỏa sáng của VNM được tôn lên nhờ sự lụi tắt của các trụ khác.
Dù sao VN-Index cũng thiết lập thêm được một phiên tăng điểm nữa dù vai trò của VNM quá rõ. Giá trị khớp lệnh của hai sàn tăng gần 218 tỷ đồng hoàn toàn là nhờ giao dịch của VNM. Cổ phiếu này giao dịch gấp 2,6 lần hôm qua với giá trị tăng tuyệt đối là 226 tỷ đồng.
Như vậy nếu không có sự gia tăng của VNM thì thanh khoản hôm nay đã không có sự cải thiện. Trong khi đó nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng khoảng 364 tỷ đồng với cổ phiếu hai sàn, trong đó HSX bị bán ròng 341,6 tỷ đồng. Giá trị bán ròng cổ phiếu cả tuần đạt 1.583,4 tỷ đồng, nâng tổng giá trị bán ròng từ cuối tháng 1/2020 (thị trường mở cửa trở lại sau Tết) tới nay lên con số 16.888 tỷ đồng chỉ riêng với cổ phiếu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận