24HMONEY đã kiểm duyệt
20/06/2024
Góc nhìn 21/06: Thanh khoản gia tăng trở lại?
Các công ty chứng khoán (CTCK) cho rằng thanh khoản đang có xu hướng gia tăng trở lại, tuy nhiên các chỉ báo kỹ thuật đang phát đi tín hiệu tương đối tiêu cực.
Các chỉ báo kỹ thuật duy trì tín hiệu tiêu cực
CTCK Beta: Beta cho rằng theo quan điểm kỹ thuật, dù xu hướng chính trong ngắn hạn của VN-Index vẫn đang là xu hướng tăng, tuy nhiên, sức mạnh xu hướng tiếp tục cho thấy sự suy yếu khi các chỉ báo kỹ thuật như SAR, MACD và cặp (DI+, DI-) duy trì tín hiệu tiêu cực. Hiện tại, vùng 1,250-1,260 điểm sẽ đóng vai trò hỗ trợ ngắn hạn cho thị trường.
Trong giai đoạn hiện tại, nhà đầu tư cần thận trọng và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi ra quyết định giao dịch. Các mã cổ phiếu lớn đang đóng vai trò dẫn dắt thị trường giúp VN-Index duy trì đà tăng, tuy nhiên, áp lực bán từ khối ngoại vẫn là mối lo ngại dẫn đến rủi ro tiềm ẩn trên thị trường. Các nhà đầu tư nên quản trị rủi ro thận trọng, duy trì tỷ trọng tiền mặt hợp lý sẽ giúp nhà đầu tư dễ dàng nắm bắt cơ hội khi thị trường có nhịp điều chỉnh. CTCK này cho rằng dòng tiền sẽ tiếp tục phân hóa mạnh, tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng cơ bản vững chắc và ít chịu ảnh hưởng từ biến động ngắn hạn.
Nhóm cổ phiếu tài chính đang quyết định hướng đi của thị trường
CTCK Đông Á (DAS): DAS đánh giá nhóm cổ phiếu tài chính đang có vai trò quyết định hướng đi của thị trường, trong khi đó những nhóm cổ phiếu có tình hình kinh doanh thuận lợi như hàng không, cao su, công nghệ, bán lẻ... vẫn giữ được đà tăng, giá cổ phiếu ít bị ảnh hưởng từ pha điều chỉnh của thị trường.
Nhà đầu tư có thể giải ngân thăm dò trong khi chờ đợi tín hiệu xác nhận kết thúc nhịp điều chỉnh. Chú ý các cổ phiếu đã có nền tích luỹ thời gian qua và còn dư địa tăng giá về mức đỉnh của năm 2024 để giao dịch T+.
Thanh khoản có xu hướng gia tăng trở lại
CTCK Asean (Aseansc): Aseansc nhận định thị trường gặp phải áp lực bán trong phiên 20/06 với thanh khoản thấp và không vi phạm vùng tích lũy 1,270 điểm. Nhịp độ giao dịch chậm lại và tiếp tục tích lũy tương đối lành mạnh trong phiên đáo hạn phái sinh. Lực cầu xuất hiện cuối giờ chiều giúp thị trường lấy lại sắc xanh và tiếp tục có phiên thứ 3 liên tiếp đóng cửa trên mốc MA20. Bên cạnh đó, điểm tích cực hơn cả là thanh khoản trở lại mức trung bình 20 phiên cho thấy động lực của thanh khoản có xu hướng gia tăng trở lại trong các
phiên giao dịch tới.
Rủi ro đảo chiều có phần lấn át
CTCK KB Việt Nam (KBSV): KBSV đánh giá dưới sự nâng đỡ của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, VN-Index đã cho phản ứng hồi phục và hình thành mẫu nến rút chân quanh ngưỡng hỗ trợ gần. Mặc dù vậy, áp lực cung phía trên vẫn còn tương đối lớn và nhóm cổ phiếu trụ chỉ có thế giúp giữ nhịp cho chỉ số. Do đó rủi ro chỉ số có thể đảo chiều đang có phần lấn át hơn khi VN-Index tiếp cận trở lại các vùng kháng cự.
Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi trong các phiên hồi phục sớm, ưu tiên bán chốt lời các vị thế trading đã mở và hạ tỷ trọng danh mục xuống ngưỡng an toàn khi chỉ số tiếp cận các vùng kháng cự.
VN-Index được kỳ vọng vượt lên vùng 1,285 điểm
CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS): SHS nhận định xu hướng ngắn hạn VN-Index là duy trì tích luỹ trong vùng 1,250-1,300 điểm với điểm cân bằng là vùng giá quanh 1,280 điểm, tương ứng giá trung bình 20 phiên. Với diễn biến hiện tại VN-Index được kỳ vọng vượt lên vùng 1,285 điểm, vùng giá cao nhất tháng 05/2024, hướng đến trở lại vùng kháng cự 1,295 điểm. Trường hợp kém tích cực VN-Index sẽ quay trở lại giao dịch trong vùng 1,250-1,280 điểm.
Thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn
CTCK Yuanta Việt Nam (YSVN): YSVN cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng trong phiên kế tiếp. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên thị trường có thể sẽ tiếp tục đi ngang quanh mức hiện tại trong những phiên giao dịch tới, điểm tích cực là dòng tiền quay trở lại nhóm cổ phiếu VN30 nhưng xu hướng này chưa rõ ràng và cần chờ xác nhận thêm trong vài phiên tới. Ngoài ra, các nhóm cổ phiếu tăng trưởng tiếp tục xu hướng tăng và vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn khi áp lưc bán của khối ngoại vẫn còn cao.
Bình luận