Gỗ Trường Thành (TTF) hoán đổi nợ thành cổ phần và phát hành cổ phiếu "niềm tin"
Cổ phiếu TTF của Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (sàn HOSE) bất ngờ tăng trần khi doanh nghiệp công bố kế hoạch tăng vốn để hoán đổi nợ và phát hành thêm cổ phiếu.
Theo đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, TTF đã thông qua hai tờ trình tăng vốn gây sự chú ý của giới đầu tư.
Thứ nhất, phát hành hơn 40,5 triệu cổ phiếu để hoán đổi 405,3 tỷ động nợ vay của chủ nợ Bùi Hồng Minh với tỷ lệ hoán đổi 10.000 đồng nợ vay được hoán đổi thành 1 cổ phiếu ưu đãi với cổ tức cố định 6,5%/năm. Nếu phát hành thành công thì nợ của ông Bùi Hồng Minh sẽ là 0 đồng.
Thứ hai, dự kiến phát hành 59,47 triệu cổ phiếu để huy động 594,7 tỷ đồng bằng hình thức phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp dưới 100 nhà đầu tư với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Đây là cổ phiếu ưu đãi với mức cổ tức cố định là 12%/năm.
Doanh nghiệp cho biết, toàn bộ số tiền 594,7 tỷ đồng sẽ dùng tái cơ cấu nợ vay, bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Áp lực trả cổ tức đè nặng lên doanh nghiệp những năm tiếp theo
Được biết, tính tới 31/12/2020, TTF đang có 507,2 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn. Trong đó, khoản vay 144,4 tỷ đồng là vay các ngân hàng như Ngân hàng TMCP Đông Á 123,3 tỷ đồng, vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 19,96 tỷ đồng, Ngân hàng Phát triển Việt Nam 1,1 tỷ đồng; 362,9 tỷ đồng vay cá nhân dài hạn đến hạn trả là ông Bùi Hồng Minh.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn có một khoản tiền 342,4 tỷ đồng là khoản phải trả liên quan đến việc sử dụng tài sản để cấn trừ nợ vay của Việt Á Bank. Trong ngày 26/3/2021, Việt Á Bank đã chấp nhận cho TTF về việc gia hạn quyền hạn thêm 7 tháng nữa, tính từ ngày 26/3/2021, thời gian thuê lại còn lại là 14 tháng. Như vậy, toàn bộ tài sản là nhà cửa, vật kiến trúc, máy móc thiết bị và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của doanh nghiệp đang thuộc về ngân hàng, nếu muốn sở hữu doanh nghiệp phải mua lại từ ngân hàng.
Như vậy, chỉ tính riêng các nghĩa vụ thanh toán nợ vay tại các ngân hàng là 144,4 tỷ đồng; mua lại tài sản của Việt Á Bank là 342,4 tỷ đồng, tổng số tiền là 486,8 tỷ đồng.
Nếu doanh nghiệp phát hành thành công 594,7 tỷ đồng cổ phiếu ưu đãi cổ tức 12%/năm và thực hiện thanh toán hết nghĩa vụ ngân hàng, cũng như mua lại tài sản, số tiền còn lại ước tính là 107,9 tỷ đồng.
Ngoài ra, hàng năm doanh nghiệp sẽ phải trả 71,4 tỷ đồng cổ tức ưu đãi 12%/năm và 26,3 tỷ đồng cổ tức ưu đãi cổ phiếu 6,5%/năm. Như vậy, ước tính toàn bộ tiền cổ tức phải thanh toán 97,7 tỷ đồng và gần xấp xỉ 107,9 tỷ đồng số tiền phát hành cổ phiếu ưu đãi cổ tức 12%/năm còn lại sau khi thanh toán các nghĩa vụ nợ.
Trong khi đó, các năm tiếp theo nếu như hai nhóm cổ đông vẫn chưa chuyển đổi, doanh nghiệp tiếp tục phải trả thêm 71,4 tỷ đồng tiền cổ tức hàng năm.
Về cơ bản, cổ phiếu ưu đãi cổ tức cố định mà TTF dự kiến phát hành là một loại tương tự trái phiếu và là nghĩa vụ của doanh nghiệp sẽ phải thanh toán cho cổ đông trong tương lai.
Nếu như mọi chuyện thuận lợi, doanh nghiệp kinh doanh có lãi và giá cổ phiếu vượt được 10.000 đồng/cổ phiếu, nhà đầu tư có thể lãi lớn từ việc chuyển đổi khi doanh nghiệp quay lại đà phát triển.
Tuy nhiên, nếu như doanh nghiệp kinh doanh không có lãi, hoạt động kinh doanh chính không tạo ra tiền thì sẽ rất khó để có thể duy trì cam kết cổ tức tới 12%/năm cho các cổ đông hiện hữu. Nên nhớ, Ngân hàng Việt Á Bank đã từng không thu được nợ vay phải cấn trừ tài sản đảm bảo, trong khi Ngân hàng Đông Á thì nhiều năm liền không thu được nợ vay, dẫn tới nợ quá hạn kéo dài.
Được biết, các ngân hàng khi cho vay còn có tài sản đảm bảo để có thể cấn trừ nợ. Tuy nhiên, khi nhà đầu tư đầu tư cổ phiếu ưu đãi, mọi cam kết chủ yếu dựa trên niềm tin vào ban lãnh đạo. Trong khi đó, tính tới 31/12/2020, TTF đang có mức lỗ lũy kế lên tới 3.043,8 tỷ đồng, vốn điều lệ là 3.111,98 tỷ đồng và chỉ cần có thêm một năm kết quả kinh doanh lỗ mạnh có thể dẫn tới âm vốn điều lệ và hủy niêm yết bắt buộc.
Ngoài ra, một nhược điểm của cổ phiếu ưu đãi cổ tức 12%/năm là bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm, nếu như doanh nghiệp gặp sự cố hoặc bất cứ điều kiện nào cũng không thể giao dịch.
Rõ ràng, nhà đầu tư nếu tham gia vào việc mua cổ phiếu ưu đãi cổ tức hiện nay chủ yếu dựa trên niềm tin là chính, trong khi chưa chắc doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn và trả cổ tức đều cho nhà đầu tư.
Năm 2020, doanh nghiệp tiếp tục công bố là năm tái cơ cấu nhưng dòng tiền hoạt động kinh doanh chính tiếp tục thâm hụt 170,1 tỷ đồng.
Được biết, kiểm toán báo cáo tài chính năm 2020 có nhấn mạnh tới báo cáo tài chính hợp nhất. Vào ngày 31/12/2020, nhóm công ty gánh chịu khoản lỗ lũy kế với số tiền là 3.043,8 tỷ đồng, tổng nợ phải trả và nợ phải trả ngắn hạn cũng vượt hơn tổng tài sản và tài sản ngắn hạn với số tiền lần lượt là 584,9 tỷ đồng, 1.268,1 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhóm công ty cũng đã trình bày các khoản vay ngân hàng và bên thứ ba đã quá hạn thanh toán với số tiền là 124,4 tỷ đồng. Với các điều kiện này, kiểm toán cho rằng, có sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của nhóm công ty.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/4, cổ phiếu TTF tăng trần 460 đồng lên 7.040 đồng/cổ phiếu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận