Gỡ nút thắt phát triển kinh tế biển
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, đến nay nhiều địa phương ở miền Trung đang “bám biển”, tập trung đầu tư khai thác tiềm năng kinh tế biển. Song, để phát triển bền vững kinh tế biển, các địa phương trong khu vực cần có những đột phá mang tính chiến lược.
Phát triển chưa xứng với lợi thế
Khu vực miền Trung có 14 tỉnh, thành kéo dài từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, với quy mô dân số khoảng 20,2 triệu người, chiếm khoảng 21% tổng dân số cả nước, diện tích tự nhiên chiếm 28,9% cả nước. Đây là địa bàn đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng, kinh tế, xã hội. Đặc biệt, miền Trung có đường bờ biển dài khoảng 1.900km, chiếm gần 60% chiều dài bờ biển cả nước. Bởi vậy, miền Trung đóng vai trò chiến lược trong thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam theo Nghị quyết số 36-NQ/TW...
Với nhiều ưu đãi từ thiên nhiên, miền Trung có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các ngành kinh tế biển như, hàng hải, du lịch, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, năng lượng, công nghiệp... Mặc dù vậy, đánh giá một cách tổng thể, sự phát triển kinh tế biển, ở khu vực hiện vẫn còn chưa xứng tầm với lợi thế sẵn có. Tuy có nhiều tiềm năng, song việc phát triển kinh tế biển ở khu vực miền Trung vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đơn cử, hệ thống cảng biển khu vực miền Trung, có đến 8 nhóm cảng biển loại I là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực. Tuy nhiên, trên thực tế mặc dù nhiều cảng có lợi thế về cảng nước sâu, song lượng hàng qua cảng vẫn còn khiêm tốn, chủ yếu là xăng dầu, xi măng, thép, hay dăm gỗ. Hoạt động của nhiều cảng biển trong khu vực chỉ dưới dạng gom hàng, sau đó chuyển đến các cảng lớn, chưa tận dụng lợi thế cảng nước sâu để phát triển logistic...
Tương tự, về du lịch, vùng biển miền Trung có địa hình đa dạng, nhiều bãi biển đẹp với rất nhiều đảo, vũng vịnh, đầm phá hoang sơ, tạo nên lợi thế rất lớn so với các khu vực khác. Song, đến nay doanh thu từ du lịch của khu vực vẫn còn đóng góp rất khiêm tốn chỉ khoảng 20% của cả nước. Bên cạnh đó, còn phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường biển diễn biến ngày càng trầm trọng, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt...
Có nhiều nguyên nhân, các “nút thắt” khiến việc phát triển kinh tế biển ở miền Trung chưa như kỳ vọng. Trong đó, có thể kể đến như, xuất phát điểm nền kinh tế của các địa phương ở khu vực còn thấp; thiếu các khu công nghiệp lớn, có khả năng sản xuất hàng hóa lớn phục vụ cho xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Bởi vậy, lợi thế cảng biển chưa phát huy hiệu quả. Trong khi đó, nguồn lực huy động cho phát triển du lịch còn hạn chế; liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trong vùng còn nặng về hình thức; nguồn nhân lực cho ngành “công nghiệp không khói” còn thiếu và yếu. Ngoài ra, dù nhận được nhiều kỳ vọng, song vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, gồm Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, vẫn chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân tăng trưởng cho cả khu vực. Đặc biệt, các tỉnh, thành trong khu vực vẫn phát triển theo tư duy kinh tế địa phương, thậm chí xuất hiện những xung đột giữa lợi ích do thiếu sự liên kết trong phát triển...
Tại một hội thảo bàn về phát triển kinh tế miền Trung, ông Phan Việt Cường - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam từng thừa nhận, nhiều hoạt động liên kết kinh tế tại khu vực mang tính lâu dài vẫn chủ yếu nằm dưới dạng văn bản hợp tác (biên bản hay thỏa thuận hợp tác) mà ít được triển khai trên thực tế. Việc phối hợp về phát triển kinh tế giữa các tỉnh, thành phố chưa dựa trên sự chuyên môn hóa hay phân công lao động theo chuỗi giá trị, hay phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, chưa thể hiện được sự ràng buộc liên kết nội vùng.
“Bám biển” để khai thác tiềm năng
Hiện, nay hầu hết các địa phương trong khu vực miền Trung đều đang chọn kinh tế biển là một trong những trụ cột phát triển của mình. Đơn cử như tại Phú Yên, theo ông Phạm Đại Dương - Bí thư Tỉnh ủy, địa phương xác định ngành kinh tế mũi nhọn là kinh tế biển như nuôi trồng thủy hải sản, du lịch và cảng biển. Tỉnh đã quy hoạch cảng nước sâu liên quan đến cảng Bãi Gốc; xây dựng quy hoạch điện gió ngoài khơi gắn kinh tế biển với quốc phòng an ninh; Ngoài khơi là khai thác dầu khí, đánh bắt xa bờ. Gần nữa là điện gió ngoài khơi, nuôi biển xa bờ và điện gió gần bờ, rồi đến nuôi biển gần bờ và nuôi biển trên bờ. Tức là phải có với những lớp lang cụ thể, chiến lược quy hoạch rõ ràng để làm sao mà tận dụng tối đa lợi thế của biển...
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, đến nay nhiều địa phương ở miền Trung đang “bám biển”, tập trung đầu tư khai thác tiềm năng kinh tế biển. Song, để phát triển bền vững kinh tế biển, các địa phương trong khu vực cần có những đột phá mang tính chiến lược. Trong đó, yếu tố đầu tiên là cần đẩy mạnh xây dựng thể chế chính sách, pháp luật cho những đột phá về phát triển bền vững kinh tế biển ở khu vực. Việc đẩy mạnh xây dựng thể chế chính sách, pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho những đột phá trong phát triển kinh tế biển; huy động tối đa các nguồn lực phát triển kinh tế biển thông qua việc lựa chọn một số khâu, một số lĩnh vực có thể đột phá thành công. Bên cạnh, phải huy động tối đa nguồn lực để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo hướng tiên tiến, hiện đại, đồng bộ để tạo nền tảng cho phát triển bền vững kinh tế biển. Tăng cường đầu tư nghiên cứu và ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ trong quá trình tổ chức phát triển bền vững kinh tế biển.
Để miền Trung phát triển, cần có sự liên kết vùng và thể chế phát triển vùng. Tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm”, cần có chính sách liên kết, hợp tác giữa các vùng, địa phương một cách cụ thể, sát với thực tế. Trong đó, vấn đề quy hoạch chiến lược phát triển miền Trung cần rõ hơn, sớm có thể chế thuận lợi cho phát triển khu vực, kể cả vấn đề phân lại vùng hợp lý hơn. Bên cạnh những nội lực của vùng, miền Trung cũng đang cần đến sự hỗ trợ của Chính phủ, các cơ quan chức năng.
Cũng theo ông Phan Việt Cường, để hỗ trợ các địa phương trong khu vực phát triển, Chính phủ cần ban hành các cơ chế, chính sách và các giải pháp mang tính đột phá, tạo động lực phát triển các ngành, lĩnh vực mà vùng miền Trung có tiềm năng, lợi thế lớn như, du lịch, dịch vụ biển; khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị ven biển; cảng biển gắn với logistics; ngư nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao... Tất cả cùng hướng đến mục tiêu, miền Trung phải thực sự là “đất lành, chim đậu”, trong đó có việc đầu tư phát triển khai thác tốt những tiềm năng kinh tế biển.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận