Giữ Việt Nam ở thị trường cận biên, FTSE Russell khuyến nghị giải pháp được nâng hạng vào năm 2025
FTSE Russell vừa công bố báo cáo phân loại thị trường với việc giữ nguyên Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên (Frontier Markets) lên thị trường mới nổi loại 2 (Secondary Emerging Markets)...
Việt Nam được thêm vào danh sách theo dõi vào tháng 9/2018 để có thể nâng hạng. Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được tiêu chí 'Chu kỳ thanh toán (DvP)', hiện được xếp là hạn chế. Ngoài ra, cần cải thiện quy trình đăng ký tài khoản mới, việc đưa ra một cơ chế hiệu quả để tạo điều kiện cho giao dịch giữa các nhà đầu tư nước ngoài trong chứng khoán đã đạt hoặc sắp đạt đến giới hạn sở hữu nước ngoài (FOL) cũng được coi là quan trọng.
Mặc dù vậy, theo FTSE Russell, nỗ lực để nâng hạng thị trường chứng khoán vẫn luôn được kiên định và gần đây được Chính phủ Việt Nam quyết liệt. Vào ngày 28/2/2024, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết đặc biệt với thị trường Việt Nam về việc loại bỏ các rào cản có thể ngăn cản Việt Nam đáp ứng tiêu chí Phân loại của FTSE vào năm 2025.
Danh sách này bao gồm việc sửa đổi các quy định pháp lý liên quan và tạo điều kiện thuận lợi hơn và loại bỏ các rào cản để nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường. Việc xem xét lại chế độ FOL hiện tại và đơn giản hóa quy trình mở tài khoản cho nhà đầu tư nước ngoài cũng được đưa ra.
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cùng các ban ngành liên quan đang hoàn thiện mô hình thanh toán mới. FTSE khuyến khích các cuộc gặp gỡ giữa các tổ chức Việt Nam và cộng đồng quốc tế để hiểu rõ hơn về những khó khăn khi tiếp cận thị trường chứng khoán Việt Nam.
Để đạt được mục tiêu phân loại lại vào năm 2025, theo FTSE Russell điều cần thiết là sớm xác nhận mô hình thanh toán và phổ biến rộng rãi, bao gồm hoàn thiện các vai trò và trách nhiệm cần thiết trong mô hình thanh toán. Cùng với đó, Việt Nam phải đưa ra lộ trình, với các cột mốc quan trọng cụ thể.
Quyết liệt nâng hạng của Việt Nam được thể hiện rõ hơn trong thời gian gần đây. Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024. Về công tác nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý hàng loạt các vấn đề còn vướng mắc.
Tiếp đến, ngày 20/3/2024, cơ quan quản lý nhà nước cũng đã đăng tải thông tin lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán (Thông tư số 120/2020/TT-BTC; Thông tư số 119/2020/TT-BTC; Thông tư số 121/2020/TT-BTC; và Thông tư số 96/2020/TT-BTC).
Cùng với nhiều đề xuất sửa đổi, bổ sung khác, dự thảo thông tư dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung quy định cho phép giao dịch không ký quỹ 100% tiền của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Đồng thời, công ty chứng khoán được nhận lệnh giao dịch mua chứng khoán của khách hàng là nhà đầu tư tổ chức nước ngoài khi tài khoản của khách hàng không đủ 100% giá trị lệnh đặt.
Dự thảo cũng quy định, công ty chứng khoán thực hiện đánh giá năng lực của khách hàng để xác định mức ký quỹ theo thỏa thuận tại hợp đồng ký kết giữa công ty chứng khoán và khách hàng.
Cũng theo đề xuất của cơ quan quản lý, đối tượng được cung cấp dịch vụ là những công ty chứng khoán có tình hình tài chính tốt, đáp ứng điều kiện cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán, đủ hạn mức để đáp ứng việc thanh toán cho giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài sử dụng dịch vụ này trong trường hợp họ tạm thời mất khả năng thanh toán.
Trao đổi với báo chí, đại diện lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định: “Hiện tại cơ quan quản lý đang rất nỗ lực để sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý để tháo gỡ các nút thắt quan trọng, đáp ứng các tiêu chí của tổ chức xếp hạng. Theo quy định, dự thảo thông tư sẽ được lấy ý kiến trong vòng 60 ngày, sau đó sẽ được hoàn thiện và trình Bộ Tài chính xem xét, ban hành. Và sau khi Thông tư mới được ban hành, thì các công việc tiếp theo mới được triển khai”.
Trước đó, theo lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, việc đề xuất sửa đổi các quy định pháp lý lần này là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính về việc tích cực thực hiện giải pháp liên quan đến phát triển thị trường chứng khoán, trong đó có nghiên cứu tháo gỡ vướng mắc của nhà đầu tư nước ngoài, hướng tới mục tiêu nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài.
Việc cơ quan quản lý đề xuất các quy định mới trong dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung 4 thông tư đang được nhiều nhiều chuyên gia đánh giá rất tích cực, góp phần gỡ các “nút thắt” quan trọng, hỗ trợ thị trường chứng khoán Việt Nam sớm được nâng hạng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận