Giới đầu tư Trung Quốc “tháo chạy” khỏi các nước phương Tây
Các nhà đầu tư Bắc Kinh đã chuyển hướng đầu tư sang các thị trường mới nổi ở châu Á, Trung Đông, Nam Mỹ và châu Phi, theo dữ liệu của Liên hợp quốc.
Chuyên gia Derek Scissors của Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) nói rằng dù Mỹ không cảm thấy “tiếc nuối” nhiều khi dòng vốn của Trung Quốc tháo chạy, nhưng sự rút lui đó có thể gây ảnh hưởng lớn hơn đối với các nền kinh tế phương Tây quy mô nhỏ như Australia, Canada hoặc Hungary.
Chuyển hướng sang Nam Mỹ và Trung Đông
Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (FDI) gần đây suy giảm trên toàn thế giới, không chỉ từ Trung Quốc. Năm 2022, FDI toàn cầu giảm 14% so với một năm trước đó trong bối cảnh lạm phát tăng cao, lo ngại suy thoái kinh tế và bất ổn thị trường tài chính khiến các khoản đầu tư bị đình trệ.
Tuy nhiên, mức suy giảm đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc diễn ra mạnh mẽ hơn và trong một thời gian dài hơn, đặc biệt là tại các nền kinh tế phát triển. Đây là dấu hiệu cho thấy sự tách rời kinh tế khỏi phương Tây của Bắc Kinh.
Trước thời điểm năm 2016, chính quyền Bắc Kinh tích cực khuyến khích các công ty trong nước đầu tư ra nước ngoài để giúp mở rộng ảnh hưởng kinh tế. Các tập đoàn như tập đoàn hàng không tư nhân lớn nhất Trung Quốc HNA và đại gia bất động sản Dalian Wanda đã rót tiền vào các ngân hàng toàn cầu, chuỗi khách sạn và rạp chiếu phim.
Tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc trong năm 2022 giảm xuống còn khoảng 147 tỷ USD. Ảnh: Getty
Tuy nhiên, đến năm 2016, những lo ngại về dòng vốn chảy ra bên ngoài và căng thẳng tài chính tại các tập đoàn Trung Quốc khiến Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát vốn và tăng cường giám sát các giao dịch M&A của các công ty.
Gần đây, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh việc giám sát các thương vụ M&A ở nước ngoài khi leo thang căng thẳng với phương Tây.
Trong năm 2016, các công ty và tổ chức nhà nước Trung Quốc đã thực hiện 120 dự án đầu tư vào các nước G7, trong đó, 63 khoản đầu tư diễn ra tại Mỹ. Các dự án đầu tư lớn gồm thương vụ thâu tóm nhà sản xuất máy in Lexmark (Mỹ) và nhà sản xuất robot Kuka (Đức).
Tuy nhiên, trong năm 2022, chỉ có 13 dự án đầu tư của Trung Quốc vào các nước G7. Tính riêng năm 2016, các công ty Trung Quốc đã dành khoảng 84 tỷ USD đầu tư vào các nước G7, chiếm khoảng một nửa tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc.
Theo dữ liệu của Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), trong năm 2022, đầu tư của các công ty Trung Quốc vào nhóm G7 đạt tổng cộng 7,4 tỷ USD, chiếm 18% tổng đầu tư ra nước ngoài của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Báo cáo của Công ty nghiên cứu Rhodium Group và Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator cho thấy, trong năm ngoái, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào châu Âu chỉ đạt mức 8,8 tỷ USD - mức thấp nhất trong một thập niên.
Ở chiều ngược lại, các công ty và tổ chức nhà nước Trung Quốc đầu tư tổng cộng 24,5 tỷ USD vào châu Á, Nam Mỹ và Trung Đông trong năm 2022, tăng 13% so với năm 2021. Các dự án quan trọng bao bao gồm khoản đầu tư 1,9 tỷ USD của Tổng Công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) ở Brazil, và các khoản đầu tư của các nhà sản xuất ô tô Great Wall Motor và BYD ở Thái Lan.
Trong 6 tháng đầu năm nay, đầu tư ra nước ngoài của các công ty Trung Quốc đạt tổng cộng 29,5 tỷ USD, theo ước tính sơ bộ của AEI. Indonesia là quốc gia thu hút nhiều vốn đầu tư của Trung Quốc nhất khi chiếm khoảng 17% con số đó, nhờ nắm giữ nhiều trữ lượng khoáng sản chiến lược bao gồm nickel - nguyên liệu cần thiết để sản xuất pin xe điện.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận