GIL thoát lỗ
Trong 9 tháng đầu năm nay, Công ty CP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (HoSE: GIL) đã có lãi trở lại so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù không còn báo lỗ như cùng kỳ, nhưng GIL mới chỉ thực hiện được hơn 13% kế hoạch năm 2024 sau 9 tháng đầu năm nay.
Lãi nhờ tiết giảm chi phí
GIL vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2024 với doanh thu thuần giảm 46% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, nhờ giá vốn giảm đến 52%, lãi gộp vẫn tăng 13%, đạt hơn 31 tỷ đồng. Ở hoạt động tài chính, GIL tiết giảm chi phí 52%, trong khi doanh thu tài chính lại tăng 53%. Trong đó, hơn 12 tỷ đồng là tiền lãi chênh lệch tỷ giá, còn lại là lãi tiền gửi và cho vay. Bên cạnh đó, chi phí quản lý cũng được GIL tiết giảm 12%. Nhờ vậy, GIL lãi ròng 3 tỷ đồng trong quý 3/2024 bất chấp doanh thu thuần sụt giảm, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 19 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, GIL lãi ròng gần 12 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ hơn 63 tỷ đồng) dù doanh thu giảm 26%. Theo giải trình của GIL, doanh nghiệp này có lãi trong 9 tháng đầu năm nay do hoạt động sản xuất kinh doanh thay đổi cơ cấu mặt hàng nên tỷ lệ lợi nhuận cũng thay đổi. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh bất động sản khu công nghiệp (KCN) cũng đã có doanh thu và lợi nhuận.
Nợ vay giảm
Tổng tài sản của GIL ở thời điểm 30/09/2024 hơn 3.300 tỷ đồng, gần như đi ngang so với đầu năm. Dù vậy, giá trị hàng tồn kho lại tăng 20% lên hơn 1.600 tỷ đồng, phần lớn đến từ việc gia tăng chi phí xây dựng dự án khu công nghiệp (KCN) Phú Bài. Ngược lại, lượng tiền nắm giữ và phải thu ngắn hạn lần lượt giảm 5% và 35%, về mức 835 tỷ đồng và 285 tỷ đồng.
Mặt khác, nợ phải trả giảm 6% còn 761 tỷ đồng, chủ yếu do giá trị 2 khoản mục phải trả người bán ngắn hạn và người mua trả tiền trước lần lượt giảm 14% và 28%.
Tổng mức nợ vay của GIL đạt 760 tỷ đồng, giảm nhẹ so với hồi đầu năm nay và cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý là mức nợ vay ngắn hạn chỉ còn ở mức 493 tỷ đồng, giảm so với hồi đầu năm, giúp GIL giảm bớt áp lực về mặt tài chính trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Chuyển hướng kinh doanh
Sau khi mảng kinh doanh mảng dệt may suy giảm, GIL đã lên kịch bản đẩy mạnh hoạt động mảng bất động sản khu công nghiệp. Sau khi hoàn thành, mở bán và ghi nhận doanh thu từ KCN Phú Bài, GIL dự kiến sẽ tiếp tục tiến hành thực hiện dự án KCN Vĩnh Long với quy mô 400ha.
Triển vọng dài hạn của GIL sẽ đến từ các KCN.
Có thể nói, với tiềm năng của mảng KCN là rất lớn trong bối cảnh nguồn vốn FDI vào Việt Nam tăng cao, trong khi nguồn cung bất động sản KCN tại khu vực miền Trung cạn kiệt đang đẩy giá thuê đất. Điều này sẽ là lợi thế cho GIL. Như vậy, mảng bất động sản KCN sẽ là động lực tăng trưởng chính của GIL trong tương lai khi doanh nghiệp này đã lên kế hoạch đầu tư hàng loạt dự án mới từ Bắc vào Nam.
Theo BSC, triển vọng dài hạn của GIL sẽ đến từ các KCN Gilimex Vĩnh Long, Gilimex Đồng Tháp và Gilimex Quảng Ngãi. Trong đó, KCN Gilimex Vĩnh Long có tổng diện tích là 400 ha, được chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (255 ha), và giai đoạn 2 (145 ha). Đối với KCN Đồng Tháp – Lấp Vò, dự kiến phát triển công nghiệp nhẹ, sạch, xanh, thân thiện với môi trường, các ngành áp dụng sản xuất tiên tiến, hiện đại, công nghệ cao. KCN Quảng Ngãi có quy mô dự án khoảng 450ha.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường