24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trịnh Vũ Tường
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Giày Thượng đình trước thềm thoái vốn Nhà nước: Bi kịch mang tên”đất vàng”

Uỷ ban Nhân dân TP. Hà Nội buộc phải thoái toàn bộ 68,67% vốn tại Công ty cổ phần Giày Thượng Đình (UPCoM: GTD) trước ngày 31/12/2020.

Theo quyết định số 908 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 29/6/2020, UBND TP. Hà Nội sẽ phải thực hiện thoái vốn nhà nước tại 28 doanh nghiệp, hạn chót đến hết năm 2020.

Thương hiệu vang bóng một thời

Theo tìm hiểu, tiền thân Giày Thượng Đình là xí nghiệp X30 thành lập tháng 1/1957, chịu sự quản lý của Cục quân nhu – Tổng cục hậu cần (Quân đội nhân dân Việt Nam), chuyên sản xuất mũ cứng và dép cao su phục vụ quân đội.

Xét về hành trình lịch sử, hiếm có thương hiệu nào có thể bám sâu vào tâm trí người tiêu dùng Việt sản phẩm của Công ty này, hình ảnh đôi giày bata trắng đơn giản với họa tiết ba sọc xanh lam cùng phần đế cao su dẻo rất được ưa chuộng bởi tính bền, hữu dụng và phù hợp với nhiều đối tượng, nhiều lứa tuổi khác nhau.

Trong giai đoạn 1973 – 1989, một số phân xưởng của X30 tách ra thành lập xí nghiệp mới theo yêu cầu phát triển của ngành giày Việt. Đến tháng 8/1978, Xí nghiệp giày vải Thượng Đình được thành lập trên cơ sở sáp nhập Xí nghiệp giày vải Hà Nội và Xí nghiệp giày vải Thượng Đình cũ. Năm 1993, cái tên Giày Thượng Đình chính thức được áp dụng.

Thành công ở thị trường trong nước, Giày Thượng Đình bắt đầu có những lô hàng xuất khẩu sang nước ngoài, đầu tiên là thị trường Pháp và Đức vào năm 1992. Khi Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp định Mậu dịch tự do giữa các nước ASEAN (AFTA) vào năm 2003, sản phẩm Giày Thượng Đình vẫn có chỗ đứng vững vào trên thị trường nội địa.

Các mặt hàng giày dép của Thái Lan và các nước láng giếng dù đã xuất hiện nhiều hơn tại thị trường Việt Nam, nhưng vẫn không thể cạnh tranh được với Giày Thượng Đình ở cả chất lượng, mẫu mã, giá cả nhờ lợi thế tận dụng được nguồn nguyên liệu trong nước.

Giày Thượng đình trước thềm thoái vốn Nhà nước: Bi kịch mang tên”đất vàng”
Cơ cấu Cổ đông lớn GTD

Năm 2005, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường châu Âu đạt 4,6 triệu USD và tăng lên 5,4 triệu USD vào năm 2006. Các đơn hàng từ thị Mỹ, Nam Phi, Peru và Mexico,… cũng có xu hướng tăng nhanh và không có hạn ngạch. Thị trường xuất khẩu châu Âu là chủ yếu, chiếm 80%, còn lại thị trường Mexico, Mỹ, Úc, Nhật và các nước Đông Nam Á.

Ngày 8/6/2015, Công ty TNHH MTV Giày Thượng Đình IPO hơn 1,9 triệu cổ phần với giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần, nhưng tổng khối lượng cổ phần đăng ký mua lên tới hơn 22 triệu đơn vị. Các nhà đầu tư đã không ngần ngại đặt giá cao để mua được cổ phần của doanh nghiệp này. Kết quả, giá trúng cao nhất là 51.000 đồng/cổ phần, giá trúng thấp nhất là 44.000 đồng/ cổ phần, mức giá trúng bình quân là 48.177 đồng/cổ phần.

Năm 2016, Công ty chính thức chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần và đưa 9,3 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM từ ngày 16/12/2016 với mã chứng khoán GTD, vốn hóa trên thị trường hơn 400 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thời hoàng kim của Giày Thượng Đình chỉ kéo dài đến những năm đầu thế kỷ 21. Hiệp định mậu dịch tự do giữa các nước ASEAN (AFTA), quá trình gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) là những bước ngoặt với hoạt động của thương hiệu truyền thống này. Nguy cơ bị lãng quên Bước sang giai đoạn mà nhu cầu của người tiêu dùng không chỉ cần bền mà còn cần đẹp, thời trang thì giày Thượng Đình chưa đáp ứng được.

Sau thời kỳ hoàng kim của hai thập niên trước, tương tự nhiều thương hiệu vang bóng một thời khác như mỳ Miliket, kem Thủy Tạ hay Cao sư Sao Vàng,… Giày Thượng Đình cũng phải chật vật tìm lại chỗ đứng trước "cơn bão" hội nhập.

Với 60 năm tuổi đời, thương hiệu Giày Thượng Đình dường như đã sớm hụt hơi. Không khó để nhận ra sự vắng bóng của những đôi giày Thượng Đình trên các kệ hàng ngày nay. Giờ đây, khi nhắc tới giày Thượng Đình, thứ đầu tiên và có thể là duy nhất mà người tiêu dùng nghĩ đến chỉ là đôi giày với phong cách phù hợp với thể thao hoặc lao động.

Trong khi đó, thị trường Việt Nam liên tục phải đón nhận những cuộc đổ bộ mạnh mẽ của các thương hiệu giày nổi tiếng nước ngoài như Adidas, Nike,… với nhiều mẫu mã thời thượng. Thậm chí, "người em" cùng ngành là Biti's cũng buộc phải thay đổi với các dòng sản phẩm mới như Biti's Hunter cùng nhiều hoạt động quảng bá rầm rộ để "sống" lại trong lòng khách hàng, thành công bứt phá trên trường đua giày dép cạnh tranh khốc liệt.

Thua lỗ 3 năm liên tiếp

Đến giai đoạn tiến hành cổ phần hóa, thị trường kỳ vọng vào một cuộc lột xác mang lại những đột phá trong định hướng chiến lược và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Song tại GTD, chi phí hoạt động tăng mạnh khiến cho lợi nhuận của GTD lao dốc bất chấp biên lợi nhuận gộp tăng và có sự "hỗ trợ" của cổ đông chiến lược là Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Thái Bình nắm 10% vốn điều lệ.

Trong năm 2016 trở lại đây, doanh thu của Giày Thượng Đình đạt mức trăm tỷ đồng mỗi năm nhưng lợi nhuận lại chỉ loanh quanh trên dưới 1 tỷ đồng.

Cụ thể, kết thúc năm 2016, doanh thu của Giày Thượng Đình đạt 125,9 tỷ đồng, giảm tới 54% so với năm 2015 và lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 459,9 triệu đồng.

Giày Thượng đình trước thềm thoái vốn Nhà nước: Bi kịch mang tên”đất vàng”
GDT liên tiếp thua lỗ trong 3 năm gần đây

Những năm tiếp theo, Giày Thượng Đình liên tục báo lỗ 17,08 tỷ đồng trong năm 2017 và 17 tỷ năm 2018. Trong năm 2019, công ty đặt mục tiêu doanh thu gần như không đổi so với 2018, ở mức 175 tỷ đồng, và mức lãi chỉ là 50 triệu đồng.

Thế nhưng, Báo cáo tài chính kiểm toán của Giày Thượng Đình cho thấy, năm 2019 hãng giày này ghi nhận 166 tỷ doanh thu, giảm 4% so với năm trước và hoàn thành 95% so với kế hoạch đặt ra.

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế thu về tiếp tục báo số âm 13 tỷ đồng. Tính bình quân trong năm vừa qua, mỗi ngày hãng giày này thu về hơn 450 triệu đồng tiền bán hàng nhưng lại lỗ hơn 36 triệu/ngày.

Bi kịch mang tên "đất vàng"

Chỗ dựa duy nhất của Giày Thượng Đình hiện nay có lẽ chỉ nhờ vào "quỹ đất vàng" của công ty, nằm tại những vị trí đắc địa nhất của Hà Nội như khu đất có diện tích 36.105 m2 tại số 277 Nguyễn Trãi, phần diện tích nhà xưởng hơn 36.000m2 nằm ở vị trí đắc địa tại quận Thanh Xuân, ngoài ra, còn phải kể đến khu đất trên phố Hạ Đình (Thanh Xuân) và khu đất trên tuyến đường trung tâm Tôn Đức Thắng...

Có một điều khá rõ ràng trong vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn nhà dước các công ty nhà nước chính là đất. Nhiều công ty nhà nước đang cổ phần hóa và thu hút các nhà đầu tư nhờ sở hữu nhiều vị trí “đất vàng”. Tuy nhiên, đây cũng chính là điểm nghẽn khiến công tác định giá, sắp xếp, xử lý đất đai gặp nhiều khó khăn, dẫn đến câu chuyện thoái vốn nhà nước đến thời điểm này vẫn "chưa hẹn ngày về đích", ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh doanh trong những năm qua.

Giày Thượng đình trước thềm thoái vốn Nhà nước: Bi kịch mang tên”đất vàng”
GTD sở hữu "đất vàng" 227 Nguyễn Trãi

Theo Tài liệu họp Đại hội cổ đông của Công ty Cổ phần Giầy Thượng Đình cho biết, việc thoái vốn nhà nước tại Giầy Thượng Đình, kế hoạch di dời không rõ ràng do đó khó khăn cho hoạch định sản xuất kinh doanh.

Công ty cho rằng hiệu quả sản xuất kinh doanh tại Nhà máy ở 277 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) rất kém về lợi thế. Có những chi phí tăng mạnh như chi phí khấu hao, thuê đất từ đó dẫn đến kết quả kinh doanh sẽ bị lỗ.

Do đó, Ban lãnh đạo công ty đề xuất việc di dời cơ sở sản xuất rại 277 Nguyễn Trãi do việc sản xuất tại địa điểm này rất bất lợi do chi phí quá cao, sản xuất kinh doanh không thể bù đắp được chi phí thực tế, đặc biệt là chi phí thuê đất, chi phí khấu hao.

"Hội đồng quản trị công ty, Tổ giữ vốn, Lãnh đạo công ty chỉ đạo lập kế hoạch di dời, xin UBND Thành phố Hà Nội chấp thuận kế hoạch di dời càng sớm càng tốt", báo cáo nêu.

Trong trường hợp di dời, công ty cho rằng nhà nước, nhà đầu tư cũng sẽ không bị mất vốn hoặc hạn chế tối đa mất vốn do sản xuất kinh doanh nhà máy Hà Nội là không hiệu quả, các chi phí tăng nhanh.

Nếu di dời công ty đầu tư xây dựng bổ sung theo cam kết thì UBND tỉnh Hà Nam có thể sẽ không thu hồi đất. Nếu việc xây dựng bổ sung thực hiện được trong quý 4 năm nay thì tỉnh Hà Nam sẽ không cưỡng chế thu hồi đất.

Theo bản cáo bạch khi IPO, khu đất tại số 277 đường Nguyễn Trãi, diện tích 36.105,1m2. Trong đó 35.628,8m2 nằm ngoài chỉ giới quy hoạch mở đường được thuê đất trả tiền hàng năm. 476,3 m2 đất còn lại nằm trong chỉ giới quy hoạch mở đường. Theo kế hoạch, Công ty sẽ triển khai di dời cơ sở ô nhiễm ra ngoài ngoại thành và thực hiện dự án đầu tư xây dựng.

Với dự án này, Giày Thượng Đình đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với HBI, Công ty Tư vấn đầu tư xây dựng Ba Đình, Công ty TNHH Sản xuất và xây dựng Ba Đình 6, Công ty Phát triển kỹ thuật công nghệ EDH nhưng chưa thành lập pháp nhân mới để triển khai dự án.

Trong năm 2020, Thượng Đình dự kiến lỗ đến 13 tỷ đồng do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình sản xuất kinh doanh. Một số đơn hàng đã ký, đã sản xuất nhưng vẫn chưa được xuất hàng.

Rõ ràng, với những "khó khăn" hiện tại, câu chuyện "Ông bata" Thượng Đình có đủ sức hồi xuân hay không, phụ thuộc rất nhiều vào việc công ty này có thể nhanh chóng "giải quyết dứt điểm" câu chuyện đất vàng 227, Nguyễn Trãi, di dời ra phần diện tích nhà xưởng hơn 36.000m2 nằm ở vị trí đắc địa tại quận Thanh Xuân.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
7.80 -1.00 (-11.36%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả