Giải mã đà tăng của cổ phiếu GVR
Cổ phiếu GVR chính thức lọt danh sách 10 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất trên sàn HOSE.
Sở hữu quỹ đất lớn với tiềm năng phát triển bất động sản khu công nghiệp cùng với kế hoạch thoái vốn tại các dự án kém khả thi, cổ phiếu GVR của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam được giới phân tích đầu tư đánh giá có nhiều triển vọng khả quan. Đáng chú ý, mới đây, cùng với sự bùng nổ thị trường, cổ phiếu GVR chính thức lọt danh sách 10 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất trên sàn HOSE.
* Lọt Top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HOSE
Chốt phiên giao dịch ngày 28/12, cổ phiếu GVR của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam – Công ty cổ phần (VRG) xác lập kỷ lục giá mới ở mức 30.450 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là mức giá cao nhất của GVR kể từ khi gia nhập sàn Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) vào giữa tháng 3/2020 và đã vượt xa dự báo của các công ty chứng khoán.
Dù xen kẽ các phiên điều chỉnh, song bao trùm vẫn là sắc xanh hoặc tím phủ sóng cổ phiếu GVR trong vài tháng gần đây. So với mức đáy ngày 30/3/2020, thì giá đóng cửa trong ngày 28/12 đã tăng hơn 3,6 lần, từ mức 8.300 đồng/cổ phiếu.
Với việc xác lập mức giá mới này, cổ phiếu GVR “vững vàng” lọt vào top 10 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất trên sàn HOSE. Với 4 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa của GVR đã đạt mức 121.800 tỷ đồng tại ngày 28/12, chiếm tỷ trọng 3,01% trên HOSE.
Cùng với việc tăng giá, thanh khoản cổ phiếu GVR cũng xác lập kỷ lục khi có phiên khối lượng giao dịch lên tới hơn 9,5 triệu đơn vị, cao gấp nhiều lần so với thời gian mới niêm yết trên HOSE (chưa tới 1 triệu đơn vị). Nhờ đó, dù không nằm trong bảng chỉ số VN30, song GVR vẫn lọt top đầu những cổ phiếu dẫn sóng trên sàn HOSE, đóng góp tích cực cho chỉ số chung VN-Index.
Rõ ràng, việc niêm yết cổ phiếu GVR trên HOSE đã mang lại nhiều lợi thế cho VRG, tạo điều kiện tăng tính thanh khoản và thu hút các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn. Kết quả này cũng cho thấy, sự kỳ vọng lớn của giới đầu tư đối với một doanh nghiệp Nhà nước vừa thực hiện cổ phần hóa chưa tới 3 năm. Hiện tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước do Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nắm giữ tại VRG lên tới 96,77% vốn điều lệ.
Trong khi đó, vào cùng thời điểm cổ phần hóa và niêm yết năm 2018, một số cổ phiếu của doanh nghiệp ngành nông nghiệp có vốn nhà nước vẫn đang chật vật giao dịch dưới giá trị sổ sách. Đơn cử như cổ phiếu VSF của Tổng Công ty Lương thực miền Nam – Công ty cổ phần (Vinafood 2) vẫn đang giao dịch quanh mức 7.500 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 23% so với giá niêm yết.
* Lợi thế phát triển bất động sản khu công nghiệp
Trong cơ cấu doanh thu của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, cao su, gỗ và khai thác bất động sản khu công nghiệp hiện là 3 mảng kinh doanh chính. Trong đó, doanh thu từ mảng cao su là lớn nhất, chiếm đến gần 70% tổng doanh thu; tiếp đến là mảng gỗ chiếm 20% và mảng khu công nghiệp giữ tỷ lệ 5-7%.
Trong một báo cáo phân tích mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho biết, dù cho đóng góp từ mảng cao su vào hoạt động kinh doanh của VRG là lớn, song mảng bất động sản khu công nghiệp mới là mảng kinh doanh có tiềm năng để phát triển nhất trong tương lai. Nhất là trong bối cảnh bất động sản khu công nghiệp được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển sản xuất từ các nước khác sang Việt Nam.
Theo ước tính của PHS, mảng bất động sản khu công nghiệp có biên lợi nhuận gộp trung bình khoảng 60%, cao nhất khi so sánh với mảng cao su và mảng gỗ. Trong 9 tháng năm 2020, biên lợi nhuận của mảng bất động sản khu công nghiệp đạt 72%. VRG sở hữu hơn 2.000 ha khu công nghiệp cho thuê, tập trung ở các tỉnh khu vực phía Nam.
Tập đoàn vận hành các khu công nghiệp thông qua các công ty con chuyên phát triển bất động sản khu công nghiệp như Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, Công ty cổ phần Khu công nghiệp cao su Bình Long, Công ty cổ phần Phát triển đô thị và Khu công nghiệp cao su Việt Nam; hay thông qua các công ty trong mảng cao su như Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa, Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú.
Theo nhận định của PHS, VRG có khả năng trở thành nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp lớn nhất về quỹ đất vận hành. VRG có kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng 40.000 ha đất trồng cao su; trong đó 15.000 ha dùng để phát triển khu công nghiệp. Việc chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang khu công nghiệp có thể làm tăng giá trị của đất.
Báo cáo phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cũng cho rằng, VRG là doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu đất khu công nghiệp gia tăng. Định giá hiện tại của cổ phiếu GVR hấp dẫn với tiềm năng lớn từ quỹ đất doanh nghiệp đang sở hữu.
Bên cạnh đó, VRG có kế hoạch chuyển đổi 20 công ty nông nghiệp TNHH MTV sang công ty cổ phần, thu hút vốn đầu tư bên ngoài và giảm vốn của Tập đoàn tại các đơn vị này. Đồng thời tiếp tục thoái vốn các doanh nghiệp khác, kể cả các doanh nghiệp đang hiệu quả để tập trung đầu tư các lĩnh vực có biên lợi nhuận cao là phát triển khu công nghiệp gắn liền với khu dân cư. Với lộ trình tái cấu trúc, giá trị cần phải thoái vốn của VRG theo phương án đã được phê duyệt là 2.081 tỷ đồng.
Với chủ trương tiếp tục tái cơ cấu toàn tập đoàn, thoái vốn các mảng kinh doanh không hiệu quả, cổ phiếu GVR đang trở nên hấp dẫn hơn trong giới đầu tư.
Mới đây, VRG công bố, dự kiến các chỉ tiêu về tài chính của Tập đoàn trong năm 2020 sẽ thực hiện vượt so với năm 2019. Theo đó, năm 2020 chỉ tiêu hợp nhất về doanh thu và thu nhập khác của toàn VRG ước đạt 23.032 tỷ đồng, đạt 93,4% kế hoạch năm (vượt gần 3% so với năm 2019), lợi nhuận trước thuế 4.955 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch (vượt hơn 6% so với năm 2019).
Đối với chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của Công ty mẹ Tập đoàn, doanh thu đạt 4.071 tỷ đồng, vượt gần 14% so với kế hoạch đề ra, lợi nhuận trước thuế 2.962 tỷ đồng, vượt 15% kế hoạch./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận