Giải cứu các dự án nghìn tỷ thua lỗ: Có còn lối thoát?
Đến nay, nhiều dự án thuộc nhóm 12 đại dự án ngành Công Thương đầu tư thua lỗ nghìn tỷ vẫn không có lời giải cuối cùng cho việc nên tiếp tục đầu tư để kéo dài vận hành hay cho phá sản, bán thu hồi một phần vốn đã đầu tư vào các dự án này. Thực tế cho thấy, các dự án sau khi được triển khai nhiều biện pháp giải cứu vẫn thua lỗ nặng nề và tương lai vẫn mờ mịt.
Một trong số các dự án đầu tư nghìn tỷ thua lỗ đáng được quan tâm nhất thời gian qua chính là dự án Nhà máy xơ sợi Đình Vũ thuộc Công ty Cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex, công ty con của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam-PVN). Theo báo cáo tài chính của PVTex và thông tin từ PVN) dù đã được các cơ quan liên quan tích cực "giải cứu" và bắt tay với đối tác bên ngoài hỗ trợ nhưng tình hình tài chính của công ty rất bi thảm.
Các bản phân tích tài chính cho thấy, từ ngày 20/4/2018 đến ngày 31/10/2018, tổng sản lượng của nhà máy đạt 1.437,7 tấn sợi các loại. Đến ngày 14/6/2019, cùng với việc vận hành lại nhà máy, tổng lượng sản phẩm bán ra là 1.318 tấn, doanh thu đạt 50,5 tỷ đồng.
Càng được giải cứu, mức lỗ lũy kế của PVTex càng tiếp tục tăng nhanh. Nếu cuối năm 2017, lỗ lũy kế của PVTex ở mức 4.039 tỷ đồng thì đến cuối năm 2018 đã tăng thêm 700 tỷ đồng, lên mức 4.748 tỷ đồng. Tổng tài sản của công ty cũng sụt giảm mạnh, đến cuối năm 2018 "bốc hơi" thêm gần 400 tỷ đồng, xuống còn 5.236 tỷ đồng. Nợ phải trả của công ty cũng tăng lên đến 7.726 tỷ đồng. Tính đến 31/8/2019, lỗ lũy kế của đơn vị lên tới hơn 5.120 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu hơn 2.861 tỷ đồng, tổng nợ phải trả hơn 7.800 tỷ đồng.
Nếu bóc tách các khoản nợ phải trả của PVTex, PVN đang phải gánh phần bảo lãnh khoản vay dài hạn tại BIDV với số tiền gốc vay tới 5.124 tỷ đồng. Bản cân đối tài chính của công ty cũng cho thấy, PVTex đã âm vốn chủ, tài sản ngắn hạn của công ty so với nợ phải trả ngắn hạn tới gần 2.615 tỷ đồng. Tổng tiền nợ đã quá hạn, chưa được thanh toán tính đến hết năm 2018 của PVTex đã chạm ngưỡng 1.399 tỷ đồng. Việc cho thuê lại nhà xưởng, dây chuyền để làm gia công không thể cứu được gánh nặng ngày càng lớn của cả con tàu PVTex. Các phân tích tài chính cho thấy, PVTex tiếp tục hoạt động sẽ tiêu tốn thêm rất nhiều tiền của mà không thấy lối thoát rõ ràng cho đại dự án đầu tư nghìn tỷ thua lỗ nặng nề này của PVN. Đặc biệt đến nay, nhà máy đã phải giảm xuống còn 7 dây chuyền sản xuất do yêu cầu từ phía đối tác.
Khi trao đổi với PV Tiền Phong trước đây, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam cũng cho rằng, PVTex phải trả giá, không bán được hàng xuất phát từ việc đầu tư thiếu tầm nhìn, thiếu chiến lược. Việc đầu tư sản xuất xơ sợi đòi hỏi công nghệ cao, kinh nghiệm và độ ổn định rất lớn về chất lượng sản phẩm. Ở các nước hay ngay như ở Trung Quốc, họ cũng phải trả giá rất nhiều mới nắm giữ được bí quyết, sở hữu được công nghệ và kiểm soát được chất lượng sản phẩm sản xuất ra.
“Vấn đề là PVTex có thiết bị chuẩn nhưng “người lái”, điều hành không chuẩn thì doanh nghiệp vẫn… chết. PVTex “chết” cũng một phần do quy mô đầu tư nhỏ, khó có thể cạnh tranh về quy mô với ngay đối thủ ở láng giềng là Trung Quốc. Chưa kể sau nhiều năm, đến nay công nghệ sản xuất của các nước khác đã thay đổi rất nhiều, vậy kéo dài dự án thêm nữa ai dám đứng ra chịu trách nhiệm về việc dự án không hiệu quả”, ông Tuấn cho hay.
Cùng trong cảnh phải “cho thuê" nhà máy để kiếm nguồn kinh phí hoạt động vượt cảnh "đắp chiếu” là trường hợp Nhà máy Nhiên liệu Sinh học Dung Quất thuộc Công ty Cổ phần Nhiên liệu Sinh học Dầu khí miền Trung (BSR - BF). Sau 3 năm dừng hoạt động, công ty đã bắt tay với Công ty CP Xuất nhập khẩu tạp phẩm (Tocontap) trong việc hợp tác gia công và bao tiêu toàn bộ sản phẩm do nhà máy sản xuất. Theo hợp tác giữa BSR - BF và Tocontap, BSR - BF sẽ chịu trách nhiệm gia công ethanol từ sắn và nhận chi phí gia công. Hợp đồng này có thời hạn 10 năm kể từ ngày ký. Hợp đồng cũng ghi rõ, trong vòng 12 tháng đầu tiên, phía Tocontap cam kết tiêu thụ hết toàn bộ sản lượng mà phía BSR - BF có thể sản xuất được.
Cuộc “hôn phối” nhìn bề ngoài có vẻ thuận lợi nhưng thực tế từ tháng 10/2018 đến tháng 4/2019 nhà máy mới sản xuất được 2.000m3 ethanol đạt chất lượng. "Ngày vui ngắn chẳng tày gang", do việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn, giá sắn cao (5.500 đồng - 5.700 đồng/kg) nên đối tác đã không thực hiện được kế hoạch sản xuất kinh doanh trong năm 2019 và dừng hợp tác. Hiện nay, nhà máy đang phải tìm kiếm các đối tác khác để vận hành tiếp. Gánh nặng tài chính đè nặng lên đơn vị đến 31/8/2019 cũng rất bi thảm. Lỗ lũy kế hơn 983,7 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ còn 148,7 tỷ đồng và tổng nợ phải trả lên tới hơn 1.300 tỷ đồng.
Ác mộng “chết lâm sàng" kéo dài
Trong số các dự án nghìn tỷ đang đắp chiếu, tình trạng “chết lâm sàng” vẫn đang là ác mộng với các chủ đầu tư. Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, dù đã được định giá đi, định giá lại và từng được đưa ra đấu giá, nhưng đến nay vẫn chưa thể có câu trả lời cuối cùng về việc “bán sắt vụn” dự án hay tìm nhà đầu tư mới. Thực tế, Bộ Công Thương đã phải 2 lần xây dựng dự thảo đề án liên quan việc xử lý tổng thể nhà máy để trình Thủ tướng Chính phủ. Cùng với thời gian, “đống sắt vụn” bột giấy Phương Nam càng ngày càng lún sâu trong thua lỗ. Các số liệu cập nhật đến 31/8/2019, tổng nợ phải trả của dự án lên hơn 3.059 tỷ đồng, công nợ phải thu ngắn hạn hơn 20 tỷ đồng.
Về cái chết của Nhà máy Bột giấy Phương Nam, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phan Chí Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) cho hay, Nhà máy Bột giấy Phương Nam được định giá 1.700 tỷ đồng, từng có đối tác chào giá mua 900 tỷ đồng nhưng không ai dám quyết bán. Đến giờ thì càng khó kiếm được người mua do công nghệ Nhà máy Bột giấy Phương Nam quá lạc hậu, nếu sử dụng được cũng gây ô nhiễm môi trường.
Một đại dự án đầu tư nghìn tỷ khác cũng từng được kỳ vọng sẽ sớm thoát lỗ và có thể vận hành chính là Dự án sản xuất Nhiên liệu sinh học Bình Phước sau nhiều giải pháp giải cứu, đến nay vẫn chưa thể vận hành lại nhà máy do giá sắn tăng cao. Đến ngày 31/8/2019, dự án lỗ lũy kế 1.396,6 tỷ đồng, vốn chủ bị âm 736,7 tỷ đồng, tổng nợ phải trả 1.842,9 tỷ đồng. Cùng với các vấn đề tài chính, việc vận hành nhà máy cũng là vấn đề rất khó khăn. PVOil và các nhà đầu tư cũng tính tới khả năng bàn giao tài sản cho ngân hàng tài trợ vốn xử lý theo quy định của hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp tài sản.
Trong số các dự án thua lỗ, cỗ máy ngốn tiền Nhà máy Đạm Ninh Bình của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), dù được đưa vào vận hành trở lại từ năm 2018 với 118 ngày chạy máy (7 lần dừng máy do sự cố, một lần dừng máy sửa chữa kéo dài hơn 3 tháng), mức lỗ của nhà máy liên tục tăng cao. Năm 2018, nhà máy lỗ thêm 923 tỷ đồng. Đến hết 8 tháng của năm 2019, nhà máy ghi nhận mức lỗ hơn 417,2 tỷ đồng.
Cùng với 2 dự án khác của ngành hóa chất là Đạm Hà Bắc và DAP2-Lào Cai, Đạm Ninh Bình càng ngày càng trở thành cỗ máy ngốn tiền. Đích thân một lãnh đạo của Vinachem trong cuộc trò chuyện với PV Tiền Phong cách đây 1 tháng thừa nhận: “Không có giải pháp hiệu quả trong việc chấm dứt lỗ cho Đạm Ninh Bình trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt khi các dự án sản xuất phân bón của Vianchem đang tiếp tục gặp phải khó khăn về vay vốn lưu động để phục vụ sản xuất kinh doanh”, vị này nói.
Thậm chí, trong cuộc họp với cơ quan chức năng, gánh nặng tài chính của Đạm Ninh Bình đã trở thành vấn đề đau đầu đến mức, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch HĐTV Vinachem thừa nhận: “Trong các dự án của Vinachem, Dự án Nhà máy đạm Ninh Bình gây căng thẳng nhất. Nhà máy đạm Ninh Bình hiện là dự án mà không ngân hàng nào cho vay, chủ yếu hoạt động theo phương thức khách hàng ứng tiền, sau đó tiền đó được đem đi mua than để chạy. Vốn Vinachem đầu tư cho dự án này khoảng 6.000 tỷ đồng, trong khi đó vốn điều lệ của Vinachem chỉ có 13.000 tỷ đồng. Hiện tại, tất cả các hợp đồng tín dụng Vinachem vay đầu tư cho dự án này, Vinachem đang phải trả. Tình trạng này kéo dài không chỉ kéo sập Nhà máy đạm Ninh Bình mà còn kéo sập cả Vinachem", ông Cường nói.
Những dự án càng sản xuất càng lỗ: Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất, Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước, Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất - DQS; Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ (PVTex).
Dự án rao bán chưa có người mua: Nhà máy Bột giấy Phương Nam; Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ.
Giải ngân chậm làm giảm hiệu quả nguồn lực
Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội đánh giá, hiện nay vốn đầu tư phát triển giải ngân rất chậm. Tỷ lệ giải ngân đến thời điểm hiện tại mới chỉ đạt 49,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Khả năng giải ngân hết nguồn vốn trong năm 2019 là khó khăn. Theo Ủy ban Tài chính ngân sách, nguyên nhân của tình trạng giải ngân chậm vẫn tập trung vào các yếu tố như: Chuẩn bị dự án đầu tư chậm, giao dự toán chậm, giải phóng mặt bằng khó khăn…
“Các vấn đề này đã kéo dài nhiều năm nhưng biện pháp khắc phục chưa thật sự quyết liệt, khiến hiệu quả đạt thấp. Vì vậy, trong thời gian tới ngoài việc tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện về cơ chế, chính sách, đề nghị Chính phủ chú trọng khâu tổ chức thực hiện quy định pháp luật về tài chính ngân sách, trong đó có Luật Đầu tư công”, Ủy ban Tài chính, ngân sách đề nghị.
Trong khi đó, tại Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ, nhiều báo cáo dự toán của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đánh giá tình hình thực hiện dự toán chi đầu tư phát triển năm 2019 chưa phù hợp hoặc chưa đầy đủ. Các bộ, cơ quan trung ương đánh giá chi theo lĩnh vực còn sơ sài, chủ yếu là thống kê số liệu, chưa đánh giá được nguyên nhân của các tồn tại để đưa ra giải pháp tháo gỡ.
Bên cạnh đó, kế hoạch vốn chi đầu tư phát triển năm 2019 giao chậm. Còn 27,9 nghìn tỷ đồng chưa được Thủ tướng Chính phủ giao theo kế hoạch Quốc hội quyết định. Trong đó vốn đang tổng hợp, rà soát do chưa đủ thủ tục đầu tư hoặc khó khăn, vướng mắc trong giải ngân nên xin chuyển nguồn sang năm 2020 là 13,6 nghìn tỷ đồng; vốn nước ngoài còn lại chưa giao 14,3 nghìn tỷ đồng, do điều chỉnh giảm kế hoạch trung hạn giữa các bộ, ngành, địa phương. Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ kiểm tra, đôn đốc chỉ đạo và có giải pháp xử lý dứt điểm.
Tỷ lệ giải ngân chi đầu tư phát triển trong 9 tháng đầu năm 2019 ước thực hiện tiếp tục thấp hơn nhiều so với cùng kỳ những năm gần đây, bằng 49,1% so với kế hoạch vốn năm 2019 mà Thủ tướng Chính phủ đã giao và bằng 45,1% so với kế hoạch Quốc hội giao. Việc chưa giao vốn, tỷ lệ giải ngân thấp, nhất là vốn trái phiếu chính phủ, vốn ngoài nước làm giảm hiệu quả nguồn lực.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận