Giá vàng tăng bùng nổ sau tín hiệu lãi suất từ Fed, USD tự do và ngân hàng cùng lao dốc
Giá vàng thế giới nhảy hơn 20 USD/oz, giá vàng trong nước tăng mạnh theo, trong khi giá USD tự do "bốc hơi" gần 100 đồng...
Giá vàng thế giới tăng vọt hơn 20 USD/oz trong phiên giao dịch đêm qua tại Mỹ và tiếp tục đi lên trong phiên sáng nay (5/11), khi nhà đầu tư tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không nóng vội về tăng lãi suất.
Giá vàng trong nước sáng nay cũng tăng mạnh, trong khi giá USD trên thị trường tự do “bốc hơi” gần 100 đồng.
Lúc gần 10h trưa nay, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 57,98 triệu đồng/lượng (mua vào) và 58,58 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 180.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá so với sáng qua.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 51,5 triệu đồng/lượng và 52,2 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng/lượng.
Tại thị trường Tp.HCM cùng thời điểm trên, Công ty SJC báo giá vàng miếng ở mức 57,95 triệu đồng/lượng và 58,65 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn khoảng 9,4 triệu đồng/lượng.
Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 23.380 đồng (mua vào) và 23.440 đồng (bán ra), giảm tương ứng 100 đồng và 90 đồng so với sáng qua. Trong vòng 2 ngày, giá USD tự do đã giảm 120 đồng.
Tại ngân hàng Vietcombank, báo giá USD sáng nay là 22.580 đồng và 22.780 đồng, tương ứng giá mua và bán, giảm 50 đồng so với sáng qua. Trong 2 ngày, giá USD tại Vietcombank giảm tổng cộng 70 đồng.
Lúc hơn 10h, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở 1.793,8 USD/oz, tăng 1 USD/oz so với đóng cửa phiên đêm qua tại New York. Mức giá này tương đương 49,2 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan.
Trong phiên Mỹ đêm qua, giá vàng giao ngay tăng 22,5 USD/oz, tương đương tăng gần 1,3%, chốt ở 1.792,8 USD/oz.
Giá vàng tăng mạnh sau khi Fed phát tín hiệu sẽ không vội tăng lãi suất và việc cắt giảm chương trình mua tài sản không có nghĩa là dọn đường cho tăng lãi suất.
Trong cuộc họp ngày 4/11, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cũng thể hiện một lập trường mềm mỏng hơn kỳ vọng. BOE giữ nguyên lãi suất thay vì nâng lãi suất như dự báo trước đó của thị trường.
“Giá vàng đã hồi phục lại phần mất mát trong phiên trước, vì thì trường an tâm khi thấy không có tín hiệu tăng lãi suất mạnh mẽ nào từ Fed”, nhà phân tích Ole Hansen của Saxo Bank phát biểu. “Nhà đầu tư cũng đã bất an trước cuộc họp của BOE, nhưng cuối cùng lãi suất không hề thay đổi”.
Chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu trong đại dịch Covid-19 đã góp phần đưa giá vàng lên mức kỷ lục hơn 2.000 USD/oz vào tháng 8/2020.
Năm nay, khi kinh tế toàn cầu hồi phục, giá vàng suy yếu do dự báo các ngân hàng trung ương sẽ tiến tới bình thường hoá chính sách tiền tệ. Ngoài ra, việc chứng khoán Mỹ không ngừng lập kỷ lục và và giá tiền ảo tăng chóng mặt cũng khiến một kênh đầu tư an toàn như vàng không còn là lựa chọn của nhiều nhà đầu tư.
Nếu tính từ đầu năm, giá vàng đã giảm khoảng 7,6%.
Theo nhà phân tích độc lập Ross Norman, nhu cầu vàng vật chất đang hỗ trợ giá vàng. Nhu cầu mua trang sức vàng thường tăng ở khu vực châu Á vào dịp cuối năm do hoạt động lễ hội và cưới hỏi. Tại Ấn Độ, lễ hội Diwali thường là khoảng thời gian doanh số bán vàng trang sức tăng mạnh.
Các chuyên gia được Reuters khảo sát ý kiến dự báo giá vàng bình quân ở mức 1.795 USD/oz trong quý 4/2021, ngang với mức giá hiện tại và tăng so với mức bình quân 1.770 USD/oz trong quý 3. Mức dự báo giá vàng bình quân cho năm 2022 là 1.750 USD/oz.
Những con số dự báo trên đều thấp hơn so với lần dự báo trước. Trong cuộc khảo sát tương tự hồi tháng 7 của Reuters, chuyên gia dự báo giá vàng bình quân 1.841 USD/oz trong quý 4 và 1.785 USD/oz trong 2022.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận