Giá thép tăng liên tiếp
Nhu cầu tiêu thụ ảm đạm nhưng các doanh nghiệp liên tục nâng giá thép, có loại vượt 17,5 triệu đồng một tấn khi chịu áp lực đầu vào.
Từ đầu năm đến nay, giá thép đã có khoảng 5-6 lần điều chỉnh đồng loạt. Thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, bình quân giá thép vào cuối tháng 2 tăng khoảng 5% so với cuối năm 2022 nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 8%.
Theo số liệu của Steel Online - đại lý toàn quốc của nhiều thương hiệu lớn như Hòa Phát, Việt Ý, Kyoie, Pomina - giá thép Hòa Phát đang ở mức 15,96 triệu đồng một tấn đối với thép cuộn CB240 và 15,84 triệu đồng một tấn với thép D10 CB300. Các thương hiệu như thép Việt Ý, Việt Đức, Thép Miền Nam, Việt Nhật cũng bán quanh 16 triệu đồng một tấn. Riêng Pomina từ giữa tháng 2 đã nâng giá bán loại CB240 lên 17,57 triệu đồng một tấn và D10 CB300 lên 17,6 triệu đồng một tấn.
Nếu cứ tiếp tục điều chỉnh, giá vật liệu này chỉ còn cách đỉnh hồi giữa tháng 5/2022 khoảng 1,5 triệu đồng một tấn. Mặt bằng giá thép hiện đã cao hơn rất nhiều mức trung bình 12,5 triệu đồng trước đợt tăng nóng kéo dài từ tháng 3 đến đầu tháng 5/2022.
Lý giải với VnExpress, ông Bùi Duy Anh - Phó tổng giám đốc kinh doanh thép Steel Online - nói giá tăng do nguyên liệu đầu vào khan hiếm khi nhiều nhà máy đã dừng sản xuất phôi một số lò từ năm trước. Ngoài ra, các nhà máy phải trả đơn hàng đã ký từ trong năm, làm giá thép tăng cục bộ do nguồn cung ít.
VSA cũng nêu lý do nguyên liệu đầu vào tăng nhiều khiến các nhà máy trong nước nâng giá bán để giảm lỗ. Nhóm phân tích Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) tổng hợp dữ liệu thị trường thế giới cho thấy giá các nguyên vật liệu đầu vào như than cốc, quặng sắt, thép phế có xu hướng hồi phục cuối năm ngoái. Nguyên nhân chính là kỳ vọng về quá trình tái sản xuất tại nhiều nhà máy thép Trung Quốc khi được nới lỏng phong tỏa.
Giá thép tăng giữa lúc nhu cầu tiêu thụ chưa phục hồi. Hòa Phát - đơn vị nắm khoảng 40% thị phần thép xây dựng cả nước - ghi nhận sản lượng bán hàng thép xây dựng, HRC và phôi thép trong hai tháng đầu năm đạt 877.000 tấn, giảm 34% so với cùng kỳ 2022. Theo doanh nghiệp này, sản lượng tiêu thụ các sản phẩm thép trong và ngoài nước đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Steel Online dự đoán tiêu thụ thép thời gian tới sẽ chậm lại khi các dự án dân dụng khởi động rất ít do kinh tế vĩ mô. Động lực của năm 2023 và 2024 chủ yếu dựa vào vốn đầu tư công và vốn FDI. Tuy nhiên, rủi ro chậm triển khai của nhóm này vẫn còn lớn.
"Giá thép tăng liên tục khiến các bên cân nhắc rất kỹ các suất đầu tư của họ. Một số nhà thầu đang triển khai lấy hàng ít lại do giá cao và có tâm lý chờ giảm giá hoặc bình ổn", ông Duy Anh nói thêm.
Có quan điểm khá tương đồng, VCBS cho rằng bất động sản khó khăn là rào cản lớn cho tăng trưởng ngành thép năm nay. Thị trường xây dựng địa ốc (chiếm 60% nhu cầu) đang gặp khó khăn do khó tiếp cận nguồn vốn mới, rủi ro pháp lý. Hiện nay, số dự án đang triển khai tại miền Nam thấp hơn cả thời kỳ Covid-19. Số dự án cấp phép mới trong năm 2022 cũng thấp kỷ lục, cho thấy nhu cầu xây dựng năm nay ở mức rất yếu.
Dự đoán về diễn biến thời gian tới, đại diện Steel Online cho rằng giá thép nhiều khả năng sẽ đi ngang. Một số nhà máy đã khởi động lại các lò luyện phôi nên tình trạng khan hiếm có thể chấm dứt vào gần cuối quý II.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận