Giá thép liên tiếp giảm, doanh nghiệp chưa hết khó
Giá thép giảm sâu khiến các doanh nghiệp thép trong nước đối mặt với việc lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng.
Theo VietNamNet, đà giảm của giá thép xây dựng trong nước vẫn chưa dừng. Một số doanh nghiệp thép trong nước vừa thông báo giảm giá từ 100.000-300.000 đồng/tấn đối với sản phẩm thép thanh vằn D10 CB300 và thép cuộn CB240.
Theo số liệu từ Steel Online, so với lần điều chỉnh vào ngày 15/7, ở đợt giảm giá lần này, Thép Việt Mỹ, Thép Việt Sing và Thép miền Nam là 3 doanh nghiệp có mức giảm nhiều nhất.
Theo đó, Thép Việt Mỹ tại miền Bắc tiến hành giảm 300.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240 và giảm 200.000 đồng/tấn thép thanh vằn D10 CB300, giá về mức lần lượt 13,5 triệu đồng/tấn và 13,6 triệu đồng/tấn.
Thép Việt Sing tại miền Bắc tiến hành giảm 200.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240, xuống mức 13,6 triệu đồng/tấn; giảm 110.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300, đưa giá bán còn 13,8 triệu đồng/tấn.
Còn Thép miền Nam điều chỉnh giảm 150.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300, về mức giá 14,62 triệu đồng/tấn; sản phẩm thép cuộn CB240 được giữ nguyên ở mức giá 14,41 triệu đồng/tấn.
Trong khi đó, các thương hiệu thép còn lại đều đồng loạt giảm ở mức 100.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300.
Cụ thể, thương hiệu Thép Hòa Phát tại miền Bắc giảm tiếp 100.000 đồng/tấn với dòng thép D10 CB300, giá về mức 14,14 triệu đồng/tấn; dòng thép cuộn CB240 được giữ nguyên ở mức giá 14,04 triệu đồng/tấn.
Tại miền Trung, Thép Hòa Phát giảm 100.000 đồng/tấn đối với sản phẩm thép thanh vằn D10 CB300, giá bán về mức 13,99 triệu đồng/tấn; còn dòng thép cuộn CB240 vẫn giữ mức giá 13,84 triệu đồng/tấn.
Tại miền Nam, Thép Hòa Phát cũng giảm 100.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300, đưa giá bán về mức 14,09 triệu đồng/tấn; giá thép cuộn CB240 vẫn bình ổn ở mức 14,14 triệu đồng/tấn.
Cùng xu hướng, Thép Việt Ý tại miền Bắc giảm 100.000 đồng/tấn với dòng thép thanh vằn D10 CB300, giá còn 13,89 triệu đồng/tấn; dòng thép cuộn CB240 vẫn giữ ở mức giá 13,74 triệu đồng/tấn.
Thép Việt Nhật cũng giảm 100.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300, về mức giá 13,7 triệu đồng/tấn; dòng thép cuộn CB240 được giữ ở mức giá 13,8 triệu đồng/tấn.
Thép Việt Đức tại miền Trung cũng điều chỉnh giảm 100.000 đồng/tấn với sản phẩm thanh vằn D10 CB300, về mức giá 14,34 triệu đồng/tấn. Còn sản phẩm thép cuộn CB240 của thương hiệu này vẫn có giá bán là 14,14 triệu đồng/tấn.
Tương tự, thép Pomina tại miền Trung điều chỉnh giảm 100.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300, giá còn 14,69 triệu đồng/tấn; thép cuộn CB240 giữ ở mức giá 14,59 triệu đồng/tấn.
Từ đầu năm đến nay, giá thép xây dựng trong nước đã trải qua 15 lần giảm liên tiếp, tuỳ thương hiệu mà tần suất điều chỉnh giá khác nhau. Trước tình trạng giá thép giảm sâu nhưng vẫn tiêu thụ ế ẩm, doanh nghiệp thép trong nước đối mặt với việc lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, nguyên nhân giá thép trong nước liên tục giảm là do nhu cầu tiêu thụ chậm và phải cạnh tranh với thép giá rẻ của Trung Quốc.
Thống kê của VSA cho thấy, tháng 6/2023, bán hàng thép các loại đạt gần 2,2 triệu tấn, giảm hơn 6% so với tháng trước và giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung nửa đầu năm, bán hàng thép thành phẩm đạt gần 12,5 triệu tấn, giảm 17,5% so với cùng kỳ 2022. Chênh lệch giữa tiêu thụ và sản xuất còn khoảng 149.000 tấn thép.
Tình hình ngành thép hiện tại trái ngược với dự báo của các doanh nghiệp và đơn vị quan sát thị trường. Trước đó, các bên cùng nhau nêu quan điểm ngành này sẽ có diễn biến khả quan từ quý II, chậm nhất đến đầu quý III.
Trong phiên họp thường niên của Hòa Phát vào cuối tháng 3, Chủ tịch Trần Đình Long từng khẳng định những gì khó khăn nhất của ngành thép đã qua. Tuy nhiên, kết quả bán hàng của doanh nghiệp có thị phần lớn nhất cả nước, vẫn đan xen hai mảng sáng - tối.
Thông tin trên Dân Trí, tháng 6, Tập đoàn Hòa Phát sản xuất 520.000 tấn thép thô, giảm 23% so với cùng kỳ. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC), phôi thép đạt 540.000 tấn, giảm 4% so với cùng kỳ 2022.
Trong đó, thép xây dựng ghi nhận 286.000 tấn, giảm 18% so với tháng 6/2022 nhưng tăng nhẹ so với tháng 5 vừa qua. Kết quả này chủ yếu nhờ sản lượng bán hàng thép xây dựng Hòa Phát ở miền Trung và miền Nam tăng trưởng cao so với tháng 5, lần lượt 30% và 69%.
Với 251.000 tấn, sản phẩm HRC của Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất đạt mức cao nhất tính từ tháng 11/2022 đến nay và tăng 24% so với tháng 6/2022. Nhu cầu của các nhà máy sản xuất ống thép, tôn mạ tại thị trường miền Bắc và miền Trung tăng đã góp phần giúp sản lượng thép cuộn cán nóng cải thiện đáng kể trong tháng vừa qua.
Sản phẩm hạ nguồn HRC gồm ống thép và tôn mạ các loại của Hòa Phát cũng tăng nhẹ so với tháng 5/2023 và cũng là mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Riêng mặt hàng tôn có mức tăng 42% so với cùng kỳ 2022.
Lũy kế 6 tháng, Tập đoàn Hòa Phát sản xuất 2,86 triệu tấn thép thô, giảm 34% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và HRC đạt 2,9 triệu tấn, giảm 27% so với 6 tháng đầu năm 2022.
Theo Công Thương, thị trường thép trong nước được cho là sẽ tiếp tục khó khăn trong ngắn hạn. Hiện tại, ở các tỉnh phía Bắc đang là mùa mưa - mùa thấp điểm của xây dựng, ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu thụ thép. Năm nay, việc nhu cầu thép xây dựng vốn đang ở mức thấp lại cộng thêm tác động của thời tiết xấu được cho là sẽ tác động đến lớn đến tình hình tiêu thụ thép trong thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận