menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vũ Mai Xuyên

Gia nhập CPTPP, Trung Quốc tham vọng "vẽ lại" bức tranh địa kinh tế châu Á?

Trung Quốc muốn được coi là nhà lãnh đạo toàn cầu về thương mại, đặc biệt là khi Mỹ giờ đây đã bỏ trống vai trò đó

Việc Trung Quốc nộp đơn gia nhập CPTPP có thể định hình lại bức tranh địa kinh tế của khu vực.

Trong những tuần gần đây, có hai diễn biến có ý nghĩa đã tác động đồng thời đến khu vực châu Á. Diễn biến đầu tiên là sự ra đời của hiệp ước an ninh giữa Australia, Anh và Mỹ (AUKUS). Diễn biến thứ hai ít được thảo luận hơn, là việc Trung Quốc xin gia nhập CPTPP, chỉ một ngày sau khi AUKUS được công bố.

Động thái thứ hai này giờ đây có thể tái định hình bức tranh địa kinh tế của châu Á, nếu Chính phủ Trung Quốc thực sự được phép gia nhập hiệp định thương mại này.

Bởi vậy, có hai câu hỏi đáng được quan tâm chặt chẽ, đó là tại sao Trung Quốc lại quyết định xin gia nhập CPTPP vào lúc này và liệu Trung Quốc có bất kỳ cơ hội gia nhập nào hay không?

Vậy tại sao Trung Quốc lại xin gia nhập vào lúc này? Không ai biết chắc chắn lý do. Chính phủ Trung Quốc trước đó đã có dấu hiệu quan tâm. Tuy nhiên, việc nước này thực sự xin gia nhập đã gây ngạc nhiên, và các suy đoán ban đầu cho rằng động thái này là một sự đáp trả trực tiếp đối với AUKUS dường như không hợp lý.

Lý do có vẻ khả dĩ hơn, đó là thực tế Trung Quốc muốn được coi là nhà lãnh đạo toàn cầu về thương mại, đặc biệt là khi Mỹ giờ đây đã bỏ trống vai trò đó.

Điều này hình thành nên một phần của một chiến lược địa chính trị rộng rãi hơn của Trung Quốc, nhằm cạnh tranh với Washington, với tư cách là bên tham gia đa phương chi phối thế giới trong các tổ chức từ Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cho tới Liên hợp quốc.

Thách thức của Bắc Kinh

Vậy câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có thể gia nhập CPTPP hay không? Ở đây, những đánh giá ban đầu có sự khác biệt rõ rệt.

Kinh tế Trung Quốc rất lớn. Nền kinh tế này cũng có những cấu trúc khác với cách thức mà các quy định của CPTPP đồng thuận. Ví dụ như việc Bắc Kinh "ưu ái" các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước.

Mặc dù vậy, nhiều nhà phân tích về thương mại vẫn coi trọng ý tưởng này. Nhà phân tích về thương mại Stephen Olson thuộc Quỹ Hinrich có trụ sở ở Singapore lập luận rằng quan điểm cho rằng Trung Quốc chưa sẵn sàng chấp nhận các điều khoản của CPTPP có lẽ là sai lầm.

Tuy nhiên, thực tế Trung Quốc có thể gia nhập CPTPP không có nghĩa là tất cả các thành viên của hiệp định này đều mong muốn. Việc tham gia của Trung Quốc có thể bị cản trở bởi bất kỳ thành viên nào. Australia, Canada và Nhật Bản đều có những căng thẳng song phương với Bắc Kinh.

Trong khi đó, các nước thành viên CPTPP giờ đây phải đối mặt với một loạt vấn đề nan giải khác. Mục tiêu ban đầu của CPTPP là luôn mở rộng, nhưng chưa bao giờ có sự nhất trí về việc mở rộng bao xa và nhanh như thế nào.

Vì vậy, liệu khối này có nên duy trì là một câu lạc bộ của các nền kinh tế tiên tiến nhất hay không vẫn đang là một câu hỏi.

Nếu một quốc gia không thuộc châu Á như Vương quốc Anh có thể được phép gia nhập, thì tại sao lại không phải là bất kỳ một nền kinh tế toàn cầu lớn nào? Và nếu các nước xin tham gia như Trung Quốc bị loại thì dựa trên cơ sở nào?

Tất cả điều này tác động đến những quốc gia muốn gia nhập khác. Hy vọng được nhanh chóng gia nhập của Vương quốc Anh giờ đây có vẻ phức tạp hơn, vì bất kỳ quyết định nào ảnh hưởng đến London cũng sẽ ảnh hưởng đến Bắc Kinh.

Do đó, quyết định ít rủi ro nhất, cụ thể là tìm cách trì hoãn tất cả các đơn xin gia nhập trong một thời gian, có thể là lựa chọn có khả năng cao nhất.

Mỹ tiếp tục trì hoãn vào CPTPP?

Bất kỳ vấn đề hóc búa mà Trung Quốc đặt ra cho nhóm CPTPP hiện nay cho đến lúc này cũng đặt ra những thách thức nhất định đối với chính nước Mỹ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, ông không có kế hoạch gia nhập trở lại CPTPP và thay vào đó sẽ tập trung khuếch trương khái niệm chính sách thương mại “tập trung vào người lao động”.

Hiệp ước AUKUS gần đây cho thấy rằng Mỹ vẫn có thể thực hiện những bước chuyển mình ở châu Á. Tuy nhiên, hiệp ước này cũng cho thấy khoảng cách giữa ảnh hưởng an ninh to lớn và khả năng địa kinh tế đang suy yếu của Mỹ.

Bởi vậy, nhiều người trong ekip của Tổng thống Biden nhận thấy một lập luận địa kinh tế rõ ràng là quay trở lại CPTPP. Dù vậy, chắc chắn họ chỉ muốn làm như vậy khi CPTPP muốn có Mỹ đứng đầu, chứ không phải Trung Quốc.

Đương nhiên về mặt lý thuyết có thể hình dung cả Trung Quốc, Mỹ và vùng lãnh thổ Đài Loan đều gia nhập CPTPP. Cả ba nền kinh tế này đều là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Đương nhiên, sức mạnh của Trung Quốc là không thể cưỡng lại. Gần đây, mô hình kinh tế của Trung Quốc có vẻ kém tươi sáng hơn, khi các thị trường toàn cầu quay cuồng với cuộc khủng hoảng thanh khoản mà tập đoàn bất động sản Evergrande phải đối mặt, cùng khả năng tan rã tiềm ẩn của mô hình tăng trưởng được thúc đẩy bởi cơ sở hạ tầng mà tập đoàn này đem lại.

Tuy nhiên, ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc trên khắp khu vực châu Á vẫn đang tăng lên, và có khả năng sẽ tiếp tục như vậy.

Tất cả điều này để lại cho ông Biden một tình thế tiến thoái lưỡng nan về chiến thuật. Liệu Mỹ có nên hợp tác với các đối tác của mình trong CPTPP để cản trở hoặc trì hoãn việc Trung Quốc gia nhập CPTPP hay không?

Để giữ cân bằng, một số thành viên của CPTPP có thể ủng hộ Trung Quốc gia nhập, ít nhất là vì những đánh giá về lợi ích kinh tế có thể thu được sẽ lớn hơn gấp nhiều lần nếu Trung Quốc tham gia.

Trong đó, nhiều người hy vọng rằng Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục đóng vai trò mang tính xây dựng dưới hình thức nào đó trong việc phát triển cấu trúc thương mại mới mà Washington từng đảm nhận.

Bởi vậy, ông Biden sẽ xử lý thận trọng. Tuy nhiên, ông cũng phải đối mặt với một vấn đề lớn và mang tính chiến lược hơn nhiều.

Trừ khi Mỹ hành động táo bạo để giành lại vị thế là "kiến trúc sư thương mại" khu vực của châu Á, nếu không các quốc gia có quan hệ thương mại nhiều nhất với Trung Quốc đương nhiên sẽ bắt đầu tìm kiếm vai trò lãnh đạo này.

Và chính sự thiếu vắng vai trò lãnh đạo của Mỹ đã tạo ra khoảng trống mà Trung Quốc giờ đây đang tìm cách lấp đầy.

Chính phủ Mỹ đã nói bóng gió rằng họ có thể đề xuất một thỏa thuận thương mại số mới của châu Á, nhưng đội ngũ của ông Biden đã không công khai về các kế hoạch này.

Năm ngoái, ông Biden đã cam kết hành động thương mại. Ông từng tuyên bố: “Chúng ta cần phải liên kết với các nền dân chủ khác… để thiết lập ‘luật chơi’ thay vì để Trung Quốc và các nước khác quyết định kết quả”.

Nhiều người ở châu Á hy vọng ông Biden sẽ thực hiện cam kết. Tuy nhiên, quyết định của Trung Quốc xin gia nhập CPTPP đã làm nổi bật thực tế rằng điều này vẫn chưa được thực hiện.

Và Mỹ càng trì hoãn gia nhập CPTPP, Trung Quốc càng hài lòng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại