Giá cổ phiếu bốc hơi 83%, lãnh đạo DDG và người thân tháo chạy
Lãnh đạo và người thân của CTCP Đầu tư Công nghiệp Xuất nhập khẩu Đông Dương (Indochine Imex, HNX: DDG) đồng loạt đăng ký bán lượng lớn cổ phiếu DDG giữa lúc cổ phiếu này có đà lao dốc mạnh nhất trong lịch sử hoạt động của Công ty.
Tổng hợp giao dịch đăng ký bán của lãnh đạo DDG và người thân
Nguồn: VietstockFinance
Trong cùng thời gian từ 10/05-05/06/2023, một loạt lãnh đạo DDG và người thân đăng ký bán lượng lớn cổ phiếu DDG, cụ thể:
Ông Nguyễn Thanh Quang - Chủ tịch HĐQT đăng ký bán gần 909 ngàn cp DDG; người phụ trách quản trị Công ty - ông Yang Tuấn Anh đăng ký bán hơn 1 triệu cp DDG; ông Trần Kim Cương - Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc đăng ký bán 500 ngàn cp DDG.
Tương tự, bà Trần Ngọc Phụng - vợ ông Cương thoái toàn bộ hơn 2.7 triệu cp; bà Trần Kim Sa - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc đăng ký bán gần 500 ngàn cp DDG. Trong khi đó, con ruột bà Sa là Yang Kiều An cũng đăng ký thoái hết hơn 476 ngàn cp DDG.
Tổng cộng, lượng cổ phiếu đăng ký bán ra của lãnh đạo DDG và người thân trong thời gian từ ngày 10/05-05/06 là hơn 6.1 triệu cp.
Đáng nói, động thái này diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu DDG đã giảm sàn 16 phiên liên tiếp và chưa có dấu hiệu dừng lại. Kết phiên sáng 05/05, DDG tiếp tục nằm sàn về mức 7,300 đồng/cp.
Khối lượng khớp lệnh chỉ gần 1 triệu cp, trong khi có hơn 15.7 triệu cp dư bán sàn, tương đương hơn 26% tổng lượng cổ phiếu lưu hành của Công ty.
Nguồn: VietstockFinance
Chỉ hơn nửa tháng, thị giá DDG đã bốc hơi hơn 83%, vốn hóa doanh nghiệp theo đó bốc hơi hơn 2,100 tỷ đồng, còn gần 440 tỷ đồng.
Trước nhịp giảm này, DDG từng đi ngang 2 tháng quanh vùng đỉnh lịch sử 42,000-43,000 đồng/cp, Giải trình về đà giảm mạnh hiện nay, DDG cho biết giá cổ phiếu giảm do diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán thời gian qua khiến tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng. Ngoài ra, giá cổ phiếu giảm do cung cầu của thị trường nằm ngoài sự kiểm soát của Công ty.
Hiện tại, Công ty vẫn hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường, không có biến động gì xấu ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.
DDG kinh doanh ra sao trước khi cổ phiếu có đà lao dốc mạnh nhất lịch sử?
Đồng pha với diễn biến trên thị trường chứng khoán, DDG có kết quả kinh doanh ảm đạm trong quý 1/2023. Cụ thể, Công ty ghi nhận doanh thu thuần hơn 159 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ. Giá vốn gần như không biến động khiến lãi gộp chỉ thu về gần 12 tỷ đồng, giảm 55%. Biên lãi gộp thu hẹp từ 15% xuống còn 7.4%.
Kết quả kinh doanh quý 1/2023 của DDG
(Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
Kỳ này, doanh thu tài chính tăng vọt từ 4 triệu đồng lên hơn 540 triệu đồng, nhờ tăng lãi tiền gửi, tiền cho vay. Bên cạnh đó, chi phí tài chính cũng được tiết giảm 23%.
Dù vậy, điểm trừ là chi phí bán hàng tăng đột biến từ 2 triệu đồng lên hơn 3 tỷ đồng, do phát sinh khoản chi phí khấu hao tài sản cố định.
Hệ quả, DDG chỉ lãi sau thuế gần 200 triệu đồng, giảm tới 99% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lãi hàng quý thấp nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.
Năm 2023, DDG đặt mục tiêu tham vọng với doanh thu 1,080 tỷ đồng và lãi sau thuế 56.3 tỷ đồng, tăng lần lượt 11% và 27% so với kết quả năm trước. Tuy nhiên, sau 3 tháng đầu năm, việc hoàn thành kế hoạch đang là thách thức lớn với Công ty.
Tính đến cuối quý 1/2023, quy mô tổng tài sản của DDG giảm nhẹ 1% so với đầu năm, đạt hơn 1,828 tỷ đồng. Bên cạnh tài sản cố định chiếm phần lớn tổng tài sản (44% tỷ trọng), xếp sau là khoản phải thu ngắn hạn (hơn 640 tỷ đồng, giảm 5%), chi phí xây dựng dở dang (hơn 223 tỷ đồng, tăng 3%).
Riêng tiền và các khoản tương đương tiền vỏn vẹn gần 13 tỷ đồng - gần như đi ngang; tiền gửi ngắn hạn có kỳ hạn gần 56 tỷ đồng - tăng 60%; hàng tồn kho tăng nhẹ lên gần 36 tỷ đồng.
Nợ phải trả tại thời điểm 31/03/2023 gần 1,050 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay với gần 940 tỷ đồng, trong đó nợ vay ngắn hạn gần 820 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận