Gạo Việt lấn sâu vào thị trường châu Âu
Tập đoàn Lộc Trời, cuối năm 2021 đã xuất khẩu lô hàng cuối với 4.170 tấn gạo sang thị trường châu Âu. Điều đó đặt ra kỳ vọng gạo Việt xuất khẩu sang thị trường EU không chỉ dừng lại ở 80.000 tấn/năm.
Được biết, đây là lần đầu tiên LTG sử dụng hình thức vận chuyển này nhằm tiết kiệm chi phí tại thời điểm phí vận chuyển bằng container đang rất cao do ảnh hưởng COVID-19.
LTG xuất khẩu lô gạo này là lô gạo được sản xuất theo quy trình canh tác được kiểm soát chặt chẽ từ hạt giống tới hạt gạo nhằm đáp ứng các tiêu chí khắt khe nhất của thị trường châu Âu.
Hiện LTG là đơn vị duy nhất có thể tổ chức sản xuất trên quy mô lớn từ 1.000 ha thông qua các hợp tác xã với sự hướng dẫn của đội ngũ 1.200 kỹ sư “3 cùng” và quy trình tối ưu hóa các khâu giống-canh tác-thu hoạch và vận chuyển, đảm bảo năng lực cung ứng 1 triệu tấn gạo mỗi năm cho thị trường.
LTG trong năm 2021 đã xuất khẩu hơn 80.000 tấn gạo tới các đối tác quốc tế ở EU, vương quốc Anh, châu Phi, Úc, khu vực Trung Đông và các nước láng giềng ở châu Á với tổng giá trị xuất khẩu gạo lên tới hơn 1.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 24 % doanh thu gạo của doanh nghiệp.
Tính từ tháng 9/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lựa chọn LTG để xuất khẩu lô hàng gạo thơm đầu tiên đi thị trường châu Âu theo Hiệp định EVFTA.
Cũng nhờ đó, trong 9 tháng đầu năm 2021, LTG là doanh nghiệp dẫn đầu cả nước xuất khẩu gạo sang thị trường EU khi chiếm gần 70% lượng gạo xuất khẩu vào thị trường khó tính bậc nhất này.
Hiện EU là thị trường có yêu cầu về hàng rào kỹ thuật rất cao, đặc biệt là về kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, quy cách đóng gói.
Hiệp định EVFTA cho hay, ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định của EU thì gạo Việt Nam xuất khẩu vào EU cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề bao bì với nhiều quy định rất chi tiết.
Cụ thể như tên sản phẩm bao gồm tên thương mại và tên khoa học, phương pháp sản xuất, xuất xứ, khối lượng tịnh; tên người bán ở EU (tên doanh nghiệp và địa chỉ của nhà sản xuất, đóng gói hoặc người bán được thành lập ở EU), bao bì phải có số phê duyệt của EU, ghi rõ thành phần và giá trị dinh dưỡng.
Mặt khác, trên thực tế có những doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng như nhiều nông sản chất lượng cao khác vào EU nhưng lại chưa đáp ứng đúng yêu cầu về thông tin trên bao bì.
Ngay khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Song song đó, EU sẽ cấp cho Việt Nam hạn ngạch xuất khẩu 80.000 tấn/năm, nhưng nếu chất lượng gạo tốt thì con số này hoàn toàn có khả năng sẽ tăng lên, vì nhu cầu nhập khẩu gạo của EU hiện lên đến 2,3 triệu tấn/năm với trị giá 1,4 tỷ euro.
Thời điểm này, có 9 chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang thị trường châu Âu được hưởng miễn thuế nhập khẩu theo hạn ngạch bao gồm: Jasmine 85; ST 5; ST 20; Nàng Hoa 9; VĐ 20; RVT; OM 4900; OM 5451; Tài nguyên Chợ Đào.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, gạo Việt Nam vẫn chưa tận dụng được ưu thế do EVFTA mang lại. Nguyên nhân lớn nhất do doanh nghiệp trong nước chưa tìm ra phương thức tiếp cận hiệu quả với đối tác tiềm năng để giới thiệu sản phẩm.
Cuối năm 2021, việc LTG xuất khẩu số lượng lớn mặt hàng gạo mang lại kỳ vọng sang năm 2022 sẽ là một năm đầy khởi sắc cho ngành gạo Việt Nam và doanh nghiệp xuất khẩu gạo khi thị phần nông sản vào thị trường châu Âu ngày càng tăng. Có thể thấy, nếu doanh nghiệp Việt tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do, cùng với việc đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt từ phía thị trường EU thì trong tương lai không xa, thị phần dành cho gạo Việt Nam tại khu vực này không chỉ còn 80.000 tấn/năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận