Fed vẫn “lạnh” dù lạm phát “nóng”
Mặc dù giá tiêu dùng tại Mỹ tăng cao hơn dự kiến trong tháng 5, nhưng sự gia tăng lạm phát có thể chỉ là tạm thời. Vì vậy nhiều chuyên gia cho rằng Fed không nên thắt chặt chính sách ngay lúc này.
Lạm phát “nóng” chỉ là tạm thời
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ tăng 5% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ mùa hè năm 2008, khi giá dầu tăng chóng mặt. Ngay cả khi không tính lương thực và năng lượng thì CPI cơ bản vẫn tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái, cũng là mức cao nhất kể từ năm 1992.
Tuy nhiên các quan chức Fed đã mô tả giai đoạn lạm phát cao hiện nay chỉ là nhất thời. Họ đã dự báo giá cả sẽ tăng cao trong vài tháng do nhu cầu bùng nổ sau thời gian bị dồn nén, trong khi chuỗi cung ứng phục hồi chậm. Bên cạnh đó, giá cả tăng cao một phần cũng do khi so với mức tăng thấp của năm ngoái.
“Sự gia tăng lạm phát mạnh hơn dự kiến, nhưng có vẻ như nó vẫn nằm trong danh mục tạm thời”, John Briggs của NatWest Markets cho biết và cho rằng, các quan chức Fed dường như cũng đang suy nghĩ như vậy.
Mark Zandi - nhà kinh tế trưởng của Moody’s Analytics cho biết, có bằng chứng cho thấy áp lực giá cả có thể là thoáng qua, như Fed dự kiến. “Rất nhiều sự gia tăng giá chỉ là mọi thứ đang dần bình thường hóa... khách sạn và ôtô, sự kiện thể thao, nhà hàng. Mọi thứ đều đang trở lại bình thường, vì vậy việc định giá đang trở lại như trước đại dịch”, Zandi nói.
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng, còn quá sớm để kết luận, lạm phát sẽ không dai dẳng hơn dự kiến của Fed. “Còn quá sớm để kết luận tất cả những điều này chỉ là tạm thời và lạm phát cơ bản cuối cùng sẽ “hạ cánh” ở đâu khi chúng ta vượt qua quá trình bình thường hóa giá cả”, Zandi nói. Nhà kinh tế này kỳ vọng, khi đợt tăng giá kết thúc, lạm phát sẽ ở mức cao hơn trước đại dịch.
Phân tích cụ thể hơn, nhiều nhà kinh tế cho biết, mặc dù một số thành phần của CPI tăng mạnh, nhưng mức tăng ở những thành phần có tỷ trọng lớn trong CPI vẫn tương đối thấp. Quả vậy, đóng góp một phần ba mức tăng đó là do giá xe hơi và xe tải đã qua sử dụng tăng mạnh 7,3%. Trong khi chỉ số nhà ở, vốn chiếm hơn 30% CPI, đã tăng 0,3% trong tháng 5 so với tháng trước và tăng 2,2% trong 12 tháng qua. Đáng chú ý một chỉ số quan trọng khác là chăm sóc y tế lại giảm 0,1% sau khi đã tăng liên tục trong 4 tháng trước đó; tính chung trong 12 tháng qua, chỉ số này cũng chỉ tăng 0,9%, mức tăng nhỏ nhất trong nhiều năm trở lại đây.
“Chăm sóc y tế và nhà ở là hai thành phần rất lớn của lạm phát. Việc hai chỉ số biến động trái chiều có thể là lý do để nghĩ rằng lạm phát sẽ đứng ở mức cao hơn, nhưng không đến mức gây khó chịu”, Zandi nói. “Lý do cho việc (Fed) lạc quan như vậy là xung quanh dịch vụ chăm sóc y tế và nhà ở”, ông nói thêm.
Fed vẫn “lạnh”
Fed sẽ nhóm họp vào ngày 15 và 16/6 tới. Hiện trên thị trường xuất hiện một số suy đoán rằng nếu lạm phát quá nóng, Fed có thể sẽ sớm thảo luận về việc thu hẹp các chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của mình. Bước đầu tiên hướng tới việc nới lỏng sẽ là khi Fed thảo luận công khai quyết định cắt giảm quy mô mua vào trái phiếu Kho bạc và chứng khoán thế chấp hàng tháng hiện tại. Chương trình mua trái phiếu, hay còn gọi là chương trình “nới lỏng định lượng” (QE). Sau khi hoàn toàn kết thúc chương trình này, Fed mới xem xét tăng lãi suất quỹ liên bang, nhưng điều đó không được mong đợi cho đến năm 2023.
Tuy nhiên Fed cũng đã nhiều lần cho biết có thể “chịu đựng” lạm phát vượt quá mục tiêu 2% trong một thời gian và sẽ xem xét mức trung bình cho những lần tăng giá đó. Điều đó có nghĩa Fed đã cam kết ngừng tăng lãi suất ngay cả khi thấy rủi ro lạm phát gia tăng, chứ không như họ đã từng làm trong quá khứ.
Nhiều nhà kinh tế dự báo, Fed sẽ nói về việc giảm mua trái phiếu lần đầu tiên tại Hội nghị chuyên đề kinh tế tại Jackson Hole vào cuối tháng 8 tới, trước khi thực sự cắt giảm quy mô mua vào cuối năm 2021 hoặc năm sau.
Diane Swonk – Nhà kinh tế trưởng của Grant Thornton cũng cho biết, bà không kỳ vọng nhiều là Fed sẽ có bất kỳ động thái chính sách nào tại cuộc họp sắp tới. “Sự đảo chiều của trái phiếu dài hạn cũng là một yếu tố để Fed suy nghĩ về việc cắt giảm, bởi vì các thị trường tài chính đang mua nó ngay cả khi lạm phát tăng đột biến”, Swonk nói, đề cập đến Kho bạc 30 năm.
Trên thực tế, các nhà đầu tư đã tăng mua trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm và 30 năm sau khi báo cáo việc làm tháng 5 kém hơn dự kiến được công bố cuối tuần trước đó. Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 30 năm đã giảm xuống còn 2,16%.
Swonk kỳ vọng Fed sẽ đợi đến cuối mùa hè để nói về việc thay đổi chương trình mua trái phiếu của mình. “Tôi luôn mong đợi việc thảo luận về vấn đề thu hẹp sẽ bắt đầu cởi mở hơn tại cuộc họp ở Jackson Hole. Nó không thay đổi quan điểm của tôi. Một số người nghĩ rằng Fed sẽ đợi cho đến khi thị trường việc làm đạt trạng thái toàn dụng trước khi bắt đầu giảm dần quy mô mua trái phiếu”, Swonk nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường