Được nới room ngoại lên 70%, Bệnh viện Quốc tế TNH đón làn sóng khối ngoại rót tiền vào mảng y tế
Tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room ngoại) của Tập đoàn Bệnh viện Quốc tế TNH (mã cổ phiếu TNH) đã được nâng lên mức 70% trong bối cảnh khối ngoại đang gia tăng sở hữu tại các doanh nghiệp dược phẩm, y tế.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Bệnh viện Quốc tế TNH (mã cổ phiếu TNH - sàn HoSE) vừa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room ngoại) tại công ty từ 49% lên 70%.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, ban lãnh đạo Bệnh viện Quốc tế TNH cho biết, việc tăng tỷ lệ room ngoại sẽ mang đến nhiều cơ hội để cổ phiếu TNH tăng tính thanh khoản trên thị trường chứng khoán; đồng thời, tạo điều kiện giúp công ty tăng cường huy động vốn, mở rộng quy mô hoạt động và thay đổi cơ cấu cổ đông để có thêm nhiều cổ đông nước ngoài hơn.
Hiện Bệnh viện quốc tế TNH đang có 04 quỹ đầu tư nước ngoài là cổ đông lớn với tổng tỷ lệ sở hữu là 32% vốn điều lệ. Trong đó, KWE Beteiligungen AG đang là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu là 10,5% vốn điều lệ, tương đương 11,5 triệu cổ phiếu TNH.
Lĩnh vực bệnh viện, chăm sóc y tế là một trong những mảng kinh doanh hấp dẫn hối ngoại hàng đầu tại Việt Nam, tuy nhiên cơ hội đầu tư tương đối ít. Trong năm 2023, thị trường ghi nhận 2 thương vụ M&A lớn trong lĩnh vực này gồm: Thomson Medical mua Bệnh viện FV với giá 381 triệu USD và Raffles Medical đầu tư vào Bệnh viện quốc tế Mỹ - AIH. Quỹ VOF của VinaCapital hiện cũng nắm cổ phần chi phối của Tâm Trí Medical.
Về hoạt động kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm, Bệnh viện quốc tế TNH ghi nhận doanh thu thuần đạt 222 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 54 tỷ đồng, lần lượt giảm 3% và 13% so với cùng kỳ năm trước.
Năm nay, Bệnh viện quốc tế TNH đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 540 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 155 tỷ đồng, lần lượt tăng 2% và 12% so với kết quả đạt được trong năm 2023. Nếu hoàn thành kế hoạch này, đây sẽ là kết quả kinh doanh kỷ lục của doanh nghiệp này.
Như vậy, sau nửa đầu năm, Bệnh viện Quốc tế TNH đã hoàn thành 41% kế hoạch doanh thu và 35% kế hoạch lợi nhuận năm nay.
Trong năm nay, Bệnh viện Quốc tế TNH có kế hoạch bổ sung ngành nghề kinh doanh là hoạt động y tế dự phòng gồm các dịch vụ như tiêm chủng, tiêm vaccine phòng bệnh.
Ông Lê Xuân Tân - Tổng Giám đốc Bệnh viện quốc tế TNH nhận định, nhu cầu tiêm vaccine ngoài chương trình tiêm chủng mở rộng hiện nay ngày càng tăng lên sau đại dịch Covid-19, điển hình là nhu cầu tiêm phòng cúm, viêm não mô cầu.
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu TNH của Bệnh viện Quốc tế TNH từ đầu năm 2024 đến nay.
Với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực tiêm chủng và cấp cứu tai biến sau tiêm, Bệnh viện Quốc tế TNH đánh giá, việc mở rộng hoạt động sang mảng tiêm chủng là rất có tiềm năng.
“Nhu cầu tiêm chủng tại bệnh viện rất lớn, trước mắt là tại Việt Yên (Bắc Giang) – khu đông đảo lực lượng người lao động làm việc tại các khu công nghiệp. Chúng tôi không ngại chuyện cạnh tranh, vì bộ phận tiêm chủng mở trong bệnh viện không khó khăn như mở một trung tâm tiêm chủng riêng biệt”, ông Lê Xuân Tân cho biết.
Bệnh viện Quốc tế TNH hiện có 2 cơ sở khám chữa bệnh đã đi vào hoạt động gồm: Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên, Bệnh viện Đa khoa Yên Bình (Thái Nguyên), còn Bệnh viện TNH Việt Yên (Bắc Giang) đang chờ Bộ Y tế cấp phép.
Bệnh viện Quốc tế TNH cũn đang triển khai đầu tư dự án Bệnh viện TNH Lạng Sơn với quy mô 10 tầng, gồm 300 giường bệnh, được thiết kế theo mô hình bệnh viện đa khoa.
Ngoài ra, trong năm ngoái, bệnh viện này đã góp vốn thành lập pháp nhân liên kết là Công ty Cổ phần Bệnh viện TNH Hà Nội để thực hiện đầu tư dự án tại Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra) Hà Nội, quy mô khoảng 500 giường bệnh.
Trong 10 năm tới, Bệnh viện quốc tế TNH dự kiến có khoảng 10 bệnh viện trên toàn quốc, bệnh viện đa khoa và chuyên khoa như ung bướu, phụ sản, mắt, chuyên khoa đột quỵ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường