24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thạch Thảo
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Đưa Hải Phòng từ một cực tăng trưởng thành động lực phát triển cả nước

Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng chia sẻ đây là lần đầu tiên Hải Phòng được Quốc hội ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.

Nghị quyết số 35/2021/QH15 thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng vừa được Quốc hội thông qua sẽ là công cụ pháp luật quan trọng để Hải Phòng phát triển bứt phá, đưa thành phố này từ một cực tăng trưởng trở thành động lực phát triển của cả nước.

Chia sẻ về nội dung này, Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng.

“Trái ngọt” là kết quả từ sự đoàn kết, thống nhất

- Xin chúc mừng thành phố Hải Phòng khi được Quốc hội vừa thông qua cơ chế đặc thù. Sức mạnh, nguồn lực nội sinh quan trọng nào đã mang đến cho Hải Phòng “trái ngọt” này, thưa Chủ tịch?

Chủ tịch Nguyễn Văn Tùng: Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển 4 tỉnh, thành phố; trong đó có thành phố Hải Phòng.

Hải Phòng là thành phố cảng lớn nhất miền Bắc, một trong những đầu tàu kinh tế nhưng với cơ chế chỉ như các tỉnh, thành khác sẽ khó phát huy thế mạnh, nhất là kinh tế biển.

Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm là nhằm thực hiện nhiệm vụ thể chế hóa Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo căn cứ pháp lý để chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống, mở ra cơ hội mới, là nền tảng, là động lực quan trọng cho sự phát triển của thành phố Hải Phòng trong thời gian tới.

Các cơ chế, chính sách đặc thù được thông qua sẽ tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội thành phố, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, tạo tác động lan tỏa vùng miền.

Đây là lần đầu tiên Hải Phòng được Quốc hội ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của các sở, ban, ngành thành phố, sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, trong một khoảng thời gian ngắn hơn 1 tháng, thành phố Hải Phòng đã hoàn thành hồ sơ Đề án, được Chính phủ thông qua để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.

“Trái ngọt” này là kết quả từ sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố; sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, đổi mới, sáng tạo của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy; sự quản lý, điều hành quyết liệt của Ủy ban Nhân dân thành phố; sự phối hợp đồng bộ, nỗ lực của các các sở, ban, ngành thành phố.

Động lực phát triển của cả nước

- Trong lần tiếp xúc với cử tri của thành phố mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hy vọng, cơ chế đặc thù được Quốc hội thông qua sẽ đưa Hải Phòng từ một cực tăng trưởng trở thành động lực phát triển của cả nước. Chủ tịch nhận định như thế nào về ý kiến này?

Chủ tịch Nguyễn Văn Tùng: Nghị quyết số 35/2021/QH15 thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng vừa được Quốc hội thông qua là công cụ pháp luật quan trọng để Hải Phòng phát triển bứt phá và trở thành động lực tăng trưởng của cả nước. Các cơ chế đặc thù sẽ mang đến cho Hải Phòng cơ hội phát triển mới, cụ thể:

Các cơ chế, chính sách về bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, nâng hạn mức dư nợ vay, phí và lệ phí sẽ khuyến khích thành phố phấn đấu tăng thu ngân sách Nhà nước đóng góp cho ngân sách chung của Trung ương; đồng thời để Trung ương có cơ sở hỗ trợ bổ sung nguồn lực cho ngân sách thành phố trong những năm tiếp theo, thực hiện có kết quả tốt các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã được Bộ Chính trị đặt ra tại Nghị quyết số 45.

Chính sách về quản lý đất đai sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố Hải Phòng chủ động, linh hoạt và phản ứng nhanh với những yêu cầu cấp bách về khai thác, sử dụng nguồn lực đất đai, từ đó tạo môi trường thông thoáng, nâng cao sức cạnh tranh cho thành phố trong việc thu hút đầu tư các dự án động lực trên địa bàn để phát triển kinh tế-xã hội.

Chính sách về quản lý quy hoạch sẽ góp phần tăng cường phân cấp, tạo sự chủ động cho địa phương, rút ngắn thời gian thực hiện điều chỉnh và góp phần thúc đẩy sớm thu hút một số dự án đầu tư trọng điểm có tính chất dẫn dắt, lan tỏa, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển.

Đưa Hải Phòng từ một cực tăng trưởng thành động lực phát triển cả nước
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Chính sách về thu nhập cho cán bộ, viên chức sẽ là cơ chế tốt thu hút, giữ chân nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao-lực lượng đảm bảo sự phát triển của thành phố trong tương lai. Thời gian qua, mặc dù Hải Phòng là thành phố phát triển trực thuộc Trung ương, tốc độ phát triển kinh tế cao, nguồn thu lớn song do quy định, tiền lương của cán bộ, viên chức đang ngang bằng với các địa phương có thu nhập thấp hơn.

Các cơ chế, chính sách đề xuất trên quan điểm Hải Phòng phát triển không chỉ riêng cho mình, mà hơn hết còn vì sự phát triển chung của cả nước, là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước. Đối với khu vực miền Bắc, ngoài thủ đô Hà Nội, hiện chưa có tỉnh nào được thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù để góp phần cùng Hà Nội phát triển khu vực Bắc Bộ.

Còn đó những “điểm nghẽn”

- Cơ chế đặc thù sẽ mang đến cho Hải Phòng cơ hội phát triển mới nhưng thành phố này vẫn còn đó những “điểm nghẽn,” thưa Chủ tịch?

Chủ tịch Nguyễn Văn Tùng: Trước yêu cầu phát triển mạnh mẽ của thành phố theo định hướng Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị, để Hải Phòng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, thực sự trở thành thành phố động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng Bắc bộ và cả nước, bên cạnh các thuận lợi, thế mạnh có được, thành phố Hải Phòng đang phải đối điện với nhiều khó khăn, thách thức, cản trở sự phát triển của thành phố:

Một là, sự phát triển của kinh tế-xã hội cùng nhu cầu ngày càng lớn của việc xuất, nhập khẩu hàng hóa qua cảng biển quốc tế Hải Phòng đã và đang là thách thức lớn với hạ tầng kinh tế-xã hội thành phố, nhất là hạ tầng giao thông.

Trong giai đoạn vừa qua hạ tầng giao thông thành phố đã có những bước phát triển đột phá, khánh thành, khởi công nhiều công trình giao thông có quy mô lớn, có ý nghĩa chiến lược, liên kết vùng, quốc tế, khẳng định được vai trò đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc.

Tuy vậy, kết cấu hạ tầng giao thông còn chưa thực sự đồng bộ, hiện đại, hạn chế về kết nối đa phương thức và chưa phát huy đầy đủ lợi thế của địa phương có cả 5 loại hình vận tải, vẫn dựa chủ yếu vào đường bộ, tỷ lệ vận chuyển bằng đường sắt, đường thủy nội địa thấp. Hạ tầng, phương tiện đường sắt lạc hậu, chưa kết nối với các cảng biển tại Đình Vũ, thường gây tắc nghẽn giao thông nội đô.

Hai là, Hải Phòng là một trung tâm dịch vụ cảng biển, hàng hải và vận tải biển lớn của cả nước. Tuy nhiên, hạ tầng cảng biển chậm được đầu tư, nâng cấp so với yêu cầu phát triển và so các cảng khu vực, trên thế giới; chưa có trung tâm logistics hiện đại tầm cỡ khu vực và thế giới. Thể chế quản trị, đầu tư, xây dựng, khai thác cảng biển chậm được đổi mới theo cơ chế thị trường; do đó khó khăn trong huy động vốn cũng như tăng hiệu quả khai thác, kết nối nguồn hàng từ các chuỗi giá trị toàn cầu.

Đưa Hải Phòng từ một cực tăng trưởng thành động lực phát triển cả nước
Đón mã hàng đầu năm 2022 tại chi nhanh Cảng Tân Vũ. (Ảnh: TTXVN)

Ba là, với vị trí đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, kinh tế thành phố có độ mở lớn, khả năng hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, có Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải và hệ thống 20 khu, cụm công nghiệp đang hoạt động với khoảng 200.000 lao động, Hải Phòng sẽ là một trong những địa phương chịu sự tác động mạnh của đại dịch COVID-19.

Thành phố có vị thế trong khu vực, quốc tế

- Hải Phòng hướng tới trở thành thành phố hiện đại, có vị thế trong khu vực, quốc tế. Theo đó, ngay từ bây giờ thành phố cần đưa ra những chính sách, giải pháp đột phá nào để tạo “cú huých,” trước mắt là bứt tốc về kinh tế-xã hội năm 2022, thưa Chủ tịch?

Chủ tịch Nguyễn Văn Tùng: Nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước, tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, thành phố đã xác định 03 giải pháp đột phá:

Xây dựng, phát triển, hiện đại hóa đô thị Hải Phòng mang bản sắc đặc trưng riêng của thành phố Cảng biển. Tập trung cao cho công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị. Đẩy nhanh tốc độ phát triển, mở rộng không gian đô thị về 3 hướng đột phá.

Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, triển khai quyết liệt các thủ tục đầu tư, nhất là giải phóng mặt bằng, sẵn sàng các điều kiện để thu hút làn sóng đầu tư mới, ưu tiên phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường để Hải Phòng trở thành một trung tâm công nghiệp lớn của đất nước.

Phát triển Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước với trọng tâm là phát triển hạ tầng du lịch, nhất là các dự án du lịch, trung tâm thương mại, khu nghỉ dưỡng cao cấp, tầm cỡ quốc tế; hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố gắn với biển đảo, các di tích lịch sử, văn hóa.

Năm 2021, trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, thành phố đã chỉ đạo quyết liệt, thực hiện hiệu quả “nhiệm vụ kép,” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội.

Theo số liệu thông báo của Tổng Cục Thống kê, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố tăng 12,38%, là mức tăng trưởng cao nhất cả nước.

Đưa Hải Phòng từ một cực tăng trưởng thành động lực phát triển cả nước
Cảng quốc tế Lạch Huyện tại Hải Phòng. (Ảnh: Đức Nghĩa/TTXVN)

Trên cơ sở kết quả đã đạt được trong năm 2021, thành phố xác định mục tiêu năm 2022 là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; phấn đấu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 13% trở lên so với năm 2021; thực hiện chủ đề năm về “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị-xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu-Thực hiện chuyển đổi số.”

Nhằm tiếp tục phát triển bứt phá về kinh tế-xã hội trong năm 2022 theo mục tiêu đề ra, thành phố sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng, chống dịch COVID-19; chủ động từ sớm, từ xa trong việc xây dựng các kế hoạch, kịch bản để ứng phó kịp thời, linh hoạt, sáng tạo trong mọi tình huống, giữ vững thành quả chống dịch, tuyệt đối không để dịch bệnh lây lan trên địa bàn; thực hiện bằng được “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế.

Hai là, khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng. Xây dựng Đề án thành lập khu thương mại tự do tại thành phố Hải Phòng.

Ba là, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 3 trụ cột chủ yếu: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển-logistics, du lịch-thương mại:

Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp nhằm sớm đưa vào hoạt động năm 2022, tạo thêm năng lực sản xuất và sản phẩm mới cho nền kinh tế.

Tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng, quỹ đất để thu hút ngành công nghiệp mới, công nghệ cao, các dự án công nghiệp quy mô lớn có công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, có giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn cho ngân sách.

Tập trung phát triển, hiện đại hóa cảng biển, dịch vụ logistics. Khởi công dự án đầu tư xây dựng các bến container số 3, 4, 5, 6 thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng.

Mở rộng phạm vi, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển mạnh các loại hình, sản phẩm du lịch, trong đó tập trung hỗ trợ phát triển 3 sản phẩm du lịch cốt lõi: du lịch biển đảo, du lịch thể thao và du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Bốn là, chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Triển khai ngay Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đẩy nhanh tiến độ các dự án kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng; phấn đấu khởi công Dự án đầu tư xây dựng Nhà ga hàng hóa và Nhà ga hành khách số 2 Cảng hàng không quốc tế Cát Bi trong quý 1 này.

Năm là, Đẩy mạnh thực hiện Chương trình chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Xây dựng hạ tầng, nền tảng, dịch vụ dùng chung chính quyền số thành phố là hạt nhân, nền móng xây dựng và phát triển Chính quyền số.

- Trân trọng cảm ơn Chủ tịch!./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả