24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phạm Duy Công
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

'Đu sóng’ chuyển sàn trong thận trọng

Việc cổ phiếu mới lên sàn hay chuyển sàn thường mang tới kỳ vọng làm nên chuyện, khiến nhiều nhà đầu tư thường có xu hướng "nhảy sóng" vội vã, nhất là khi cổ phiếu đang trong đà tăng nóng.

Thống kê tới thời điểm hiện tại, 6 cổ phiếu sẽ chào sàn dịp đầu năm 2024, trong đó 1 cổ phiếu niêm yết trên HoSE, còn lại là đăng ký giao dịch trên UPCoM.

“Tân binh” đổ bộ

Tân binh chào sàn sớm nhất năm 2024 là cổ phiếu NEM của Công ty Thiết bị điện Miền Bắc. Theo đó, vào phiên 5/1, gần 9 triệu cổ phiếu NEM sẽ đổ bộ lên sàn UPCoM với giá tham chiếu 10.200 đồng/cp, tương ứng vốn hóa đạt hơn 88 tỷ đồng.

NEM có tiền thân là Công ty TNHH Liên doanh Sản xuất thiết bị điện Miền Bắc được thành lập năm 2004. Tới năm 2016, công ty chính thức chuyển thành công ty cổ phần. Hiện, 3 cổ đông lớn nắm hơn 88% vốn NEM gồm Tổng giám đốc Trần Thị Thu Thủy là cổ đông lớn nhất nắm giữ hơn 3 triệu cổ phiếu (35,98% vốn), cùng 2 cá nhân là bà Vũ Thị Thư nắm 2,3 triệu cổ phiếu (26,04% vốn) và bà Nguyễn Thị Phương nắm 2,3 triệu cổ phiếu (26,26% vốn).

'Đu sóng’ chuyển sàn trong thận trọng

Việc cổ phiếu mới lên sàn hay chuyển sàn thường mang tới kỳ vọng làm nên chuyện.

Tiếp đó, tới phiên 8/1, toàn bộ 8,33 triệu cổ phiếu KTW của Cấp nước Kon Tum cũng lên giao dịch trên UPCoM với giá tham chiếu 10.900 đồng/cp. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là khai thác, xử lý và cung cấp nước.

Cùng ngày, công ty Đồng Tân cũng sẽ đưa hơn 5 triệu cổ phiếu D17 lên sàn UPCoM với giá tham chiếu 22.000 đồng/cp, tương ứng vốn hóa công ty đạt 116 tỷ đồng. Hiện, Đồng Tân hoạt động chính trong lĩnh vực khai thác mỏ, xây dựng dân dụng và công nghiệp, xây dựng công trình giao thông cầu đường, san lấp mặt bằng xây dựng cơ sở hạ tầng, kinh doanh nhà.

Một cái tên đáng chú ý sắp lên sàn UPCoM là công ty Đầu tư Bất động sản Taseco (Taseco Land) với mã chứng khoán TAL. Cụ thể, từ ngày 9/1, toàn bộ 297 triệu cổ phiếu TAL sẽ chính thức được giao dịch với giá tham chiếu 21.000 đồng/cp.

Taseco Land là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản có vốn điều lệ gần 3.000 tỷ đồng, cao gấp gần 500 lần so với thời điểm thành lập năm 2009. Hiện, Tập đoàn Taseco nắm hơn 215 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 72,49% vốn).

Tại sàn HoSE, hơn 235 triệu cổ phiếu HNA của CTCP Thủy điện Hủa Na sẽ chính thức “xông đất” vào phiên 12/1 tới với giá tham chiếu 18.350 đồng/cp, ứng với mức định giá lên đến 4.300 tỷ đồng. Trước đó, cổ phiếu HNA đã giao dịch trên UPCoM từ năm 2017.

Thủy điện Hủa Na hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh điện năng, quản lý và vận hành Nhà máy thủy điện Hủa Na tại xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An.

Ngoài ra, một số công ty khác đã nộp hồ sơ và được HoSE chấp thuận giao dịch. Cụ thể, gần 1,1 tỷ cổ phiếu NAB của Ngân hàng Nam Á được HoSE chấp thuận niêm yết, thuộc diện chuyển sàn giao dịch từ UPCoM sang. Giá trị cổ phiếu niêm yết hơn 10.580 tỷ đồng tính theo mệnh giá.

Tương tự, hơn 100,9 cổ phiếu TCI của Chứng khoán Thành Công (TCSC) được HoSE chấp thuận niêm yết. Cổ phiếu TCI giao dịch trên UPCoM từ ngày 5/9/2018.

HoSE cũng vừa ban hành quyết định chấp thuận niêm yết gần 122 triệu cổ phiếu VTP của Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post). Dự kiến, thời gian chính thức giao dịch của cổ phiếu VTP trên HoSE là trong tháng 2 - 3/2024.

Cần biết cách “nhảy sóng”

Có thể thấy, bối cảnh thị trường không thuận lợi như hiện nay đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch chào sàn và niêm yết cổ phiếu của các doanh nghiệp. Nguyên nhân là do dòng tiền không còn dồi dào và chứng khoán không còn là kênh hút vốn dễ dàng.

Đặc biệt là tình trạng khan hàng. Những cái tên thực sự thu hút nhà đầu tư chỉ còn đếm trên đầu ngón tay như Agribank, Vinacomin - TKV, Mobifone, VNPT, SJC, Vinafood1. Lộ trình cổ phần hoá và thoái vốn nhà nước cũng có nhiều vướng mắc và vẫn chưa hẹn ngày lên sàn. Trong khi đó, nhóm tư nhân cũng không còn nhiều doanh nghiệp "hot" để chờ đợi ngoài một vài cái tên như Thaco, TH True Milk, DOJI,… Những doanh nghiệp này cũng chưa có kế hoạch niêm yết trong tương lai gần.

Dù vậy, không thể phủ nhận triển vọng dài hạn lạc quan của chứng khoán Việt Nam nhờ tình hình vĩ mô ổn định và tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết được dự báo ở mức cao. Chứng khoán vẫn được đánh giá là kênh đầu tư hấp dẫn, nhất là khi môi trường tiền rẻ đang trở lại.

Cùng với đó, hoạt động niêm yết và giao dịch mới đang ấm dần trên thị trường chứng khoán. Nhiều cái tên mới như BCG Land (BCR), Nova Consumer (NCG), Bia Sài Gòn Bình Tây (SBB), Xây dựng Bình Phước (BCO) đã lên sàn cuối năm ngoái và đầu năm nay lại xuất hiện nhiều đơn vị mới.

Không thể phủ nhận việc chuyển sàn cũng như niêm yết cổ phiếu mang tới nhiều "gia vị" cho thị trường, nhất là trong tình trạng thị trường đang ảm đạm. Việc đón sóng từ những “tân binh” mới cũng giúp nhiều nhà đầu tư có mức lợi nhuận khá “ấm”.

Do đó, những mã cổ phiếu có “game” chuyển sàn luôn được nhà đầu tư săn đón, mặc dù không phải mã nào cũng đem lại lợi nhuận. Hiện tượng cổ phiếu tăng giá sau khi chuyển sàn gần như đã trở thành quy luật nên thường được nhà đầu tư canh mua trên sàn cũ ngay khi có thông tin rò rỉ đầu tiên.

Tuy nhiên có một thực tế là khi nhìn vào mức tăng trưởng của hầu hết các cổ phiếu “chào sàn” có thể thấy, đà tăng giá của các cổ phiếu này chủ yếu đi theo những câu chuyện ngắn hạn. Không ít cổ phiếu sau màn trình diễn ấn tượng là quay đầu giảm sốc, thậm chí có những mã còn đột ngột mất thanh khoản và liên tục nằm sàn khiến nhà đầu tư “nằm trên ngọn cây thông”.

Chẳng hạn, trong năm 2023, cổ phiếu VFS của Chứng khoán Nhất Việt đã chính thức chuyển giao dịch từ sàn UPCoM sang niêm yết trên sàn HNX trong phiên 24/7 với giá tham chiếu 21.200 đồng/cp. Sau khi tăng lên mức 29.000 đồng/cp (phiên 31/8), thị giá VFS giảm dần. Đóng cửa phiên giao dịch cuối năm 2023, VFS chỉ còn 19.800 đồng/cp, tương ứng mất 10% sau nửa năm niêm yết trên HoSE.

Tương tự, cổ phiếu GDA của Tôn Đông Á đã giảm 16% sau gần 4 tháng lên sàn; cổ phiếu BCR của BCG Land giảm 15% so với giá chào sàn.

"Tệ" hơn, cổ phiếu PPT của CTCP Petro Times duy trì xu hướng giảm điểm ngay từ lúc chào sàn HNX trong phiên 26/6. Kết phiên 29/12, cổ phiếu này giảm còn 10.800 đồng/cp, tương ứng mất 33% giá trị so với giá tham chiếu chào sàn.

Theo giới phân tích, để có thể đu “sóng” chuyển sàn mang lại mức lợi nhuận tốt, nhà đầu tư cần trang bị thêm cho mình kiến thức chuyên môn để thẩm định doanh nghiệp, am hiểu ngành nghề mà mình "mua đuổi" sẽ giúp tránh được rủi ro đầu tư khi mua ở vùng giá quá cao và lỗ nặng sau đó. Một cổ phiếu tốt là doanh nghiệp phải hội tụ đầy đủ các yếu tố cơ bản và tiềm năng dài hạn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
8.20 -0.19 (-2.26%)
88.60 -1.10 (-1.23%)
15.50 (0.00%)
15.95 -0.05 (-0.31%)
12.70 (0.00%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả