Du lịch nội địa bùng nổ: Mừng nhiều, lo cũng nhiều
Hè năm nay, các dịch vụ du lịch nội địa thắng lớn. Hầu như chỗ nào cũng quá tải, vượt công suất, ngoài dư báo của ngành. Cao điểm 30/4 và 1/5 đã mở đầu mùa hè cực kỳ sôi động của du lịch nội địa sau hơn 2 năm đứng hình.
Nhân viên các công ty lữ hành tất bật, ai cũng bảo “Quá đuối, làm không xuể”. Công việc quá mệt. Không ai than thở mà còn mừng và khoe với mọi người. Du lịch nội địa tăng khủng.
Mừng nhiều…
Outbound (người Việt du lịch nước ngoài) phục hồi chưa được như kỳ vọng. Inbound (người nước ngoài du lịch Việt Nam) càng chậm. Việc khắc phục hậu quả dịch bệnh từng quốc gia khác nhau; chưa kể chiến tranh Nga – Ukraina làm ảnh hưởng cả thế giới. Thị trường inbound lớn nhất của các nước là Trung Quốc, vẫn bảo thủ, chống dịch kiểu Zero Covid. Đây là quốc gia duy nhất vẫn đóng cửa dù nhiều nước đã mở toang.
Các chính sách hậu dịch mỗi nước một kiểu nên du lịch outbound chưa thể bùng nổ. Tour Hàn Quốc từ 1/7/2022 mới khởi động lại. Nhật Bản chỉ đón khách doanh nhân và nhập khẩu lao đông, du lịch thì chưa. Đài Loan chưa có lịch. Tour Mỹ chỉ dành cho người đã có thị thực (visa). Lịch xét thị thực mới phải từ tháng 7/2023. Châu Âu gần bình thường. Chỉ có Asean mở cửa thoải mái.
Khách inbound thường đi du lịch theo kế hoạch, không có “Hội chứng đám đông” hoặc kiểu “Đùng một cái”. Với khách châu Âu, Mỹ, cao điểm là từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau, chứ không phải hè. Do vậy, nhiều hướng dẫn viên quốc tế cả Outbound và Inbound linh động thích nghi, chuyển sang tăng cường cho du lịch nội địa.
Theo Hiệp hội Hàng không Quốc tế (IATA) thị trường hàng không nội địa Việt Nam phục hồi nhanh nhất thế giới, tăng trưởng 123% so với cùng kỳ năm 2019. Với việc kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tỷ lệ bao phủ vaccine và mở cửa nền kinh tế, Việt Nam tăng 48 bậc, xếp thứ 14 trong bảng xếp hạng chỉ số phục hồi Covid-19 thế giới, theo tổ chức Nikkei Asia (Nhật Bản). Hai vị trí đầu bảng thuộc về các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Vương quốc Campuchia. Đây là 2 thị trường Outbound khởi động sớm và mạnh nhất của Việt Nam.
Thị trường du lịch nội địa Việt Nam cũng phục hồi nhanh nhất thế giới. Nhiều điểm đến, dịch vụ và nhiều công ty lữ hành có doanh thu vượt cùng kỳ năm 2019, trước dịch. Điều đáng mừng, không chỉ lượng khách tăng (khoảng 30%) mà chi tiêu đầu khách cũng tăng. Có công ty báo là chi tiêu đầu khách tăng gần gấp đôi, từ 2 triệu lên gần 4 triệu đầu khách.
Ngay cả công nhân và học sinh, nhiều đoàn cũng yêu cầu lưu trú 4 hoặc 5 sao với dịch vụ tương ứng. Công ty đã điều chỉnh định mức dịch vụ mới, lưu trú phải từ 3 sao cộng trở lên, trừ các địa phương chưa có dịch vụ cao hơn và chỉ tổ chức bán vé lẻ các tour đường bay. Các tour đường bộ làm theo nhóm hoặc bán từng phần dịch vụ (Free Easy Tour). Khách đoàn không tập trung dịp lễ như trước mà rải đều.
Gần như các trọng điểm du lịch đều quá tải. Từ Vũng Tàu, Phan Thiết, Đà Lạt, Huế, Sa Pa, Hạ Long… Các dịch vụ đặt trước cả tháng chưa chắc đã có. Nếu còn, thường là dịch vụ không đảm bảo, bị chê. Lượng khách nội địa đổ về Phú Quốc hơn 60% cùng kỳ trước dịch. Lượng khách tăng, doanh thu tăng; du lịch nội địa bội thu. Không khí phấn chấn lan tỏa, chuẩn bị cho mùa cao điểm du lịch Inbound sắp tới.
Lo cũng nhiều
Du lịch nội địa tăng chóng mặt, kéo theo những khó khăn về kiểm soát dịch vụ. Nguồn nhân lực nơi nào cũng thiếu (vì chuyển nghề) và yếu (do mới tuyển). Các công ty lữ hành thiếu nhân viên kinh doanh, thiếu hướng dẫn viên. Ngoài việc thiếu nhân lực; các dịch vụ lưu trú, ăn uống; còn thiếu vốn để làm mới cơ sở vật chất xuống cấp nặng sau hơn hai năm ngủ đông.
Thiếu người, người mới chưa quen việc, nghiệp vụ có sai sót là phổ biến; không chỉ ở Việt Nam mà ra nước ngoài cũng vậy. Thiếu xe nên phải xoay vòng kín đặc, xe không có thời gian bảo trì, tài xế mệt mỏi. Không ít trường hợp phải lấy xe từ tỉnh khác, chia nhỏ khách đoàn (vì không có xe 45 chỗ); thuê cả xe giường nằm chở khách du lịch, vốn chỉ sử dụng ghế ngồi để giao lưu, sinh hoạt.
Hướng dẫn viên cũng vậy, phải nối tour, thậm chí ở luôn tại các trọng điểm, chờ khách tới. Các đoàn lớn ít nhiều đều góp ý về chất lượng xe, nhà hàng, khách sạn vì chưa đồng bộ. Dịch vụ ở Phú Quốc cầu vượt cung toàn tập. Thiếu xe, tàu, lẫn máy bay, trễ chuyến là chuyện thường, có khi khách đợi cả ngày, không chỉ mỏi mệt mà còn đảo lộn lịch tham quan và làm việc.
Giá xăng tăng như ngựa chứng, chưa thể kềm cương nên giá xe nhảy múa, phải cập nhật từng tuần. Vé máy bay: đầu tuần, cuối tuần giá khác, chỉ lên chứ không xuống nên nhiều công ty lữ hành méo mặt vì hợp đồng đã ký, không thể thay đổi. Một số người lo xa, sợ cái gì bạo phát thì bạo tàn, sự tăng trưởng thiếu ổn định, không theo quy luật nào cả.
Có hiện tượng đầu cơ dịch vụ, đẩy giá thành lên cao, ép các đơn vị đã ký hợp đồng mà chưa tìm ra dịch vụ nên giá nào cũng chơi. Vé may bay Côn Đảo rất khó mua giá net, nhưng chợ đen thì lúc nào cũng có, chênh lệch tùy thời điểm và nhu cầu. Thay vì cạnh tranh bằng chất lượng, bằng thái độ và tinh thần phục vụ, nhiều công ty hạ giá tour thủng đáy nên buộc phải cắt bớt chất lượng hoặc ép khách chọn thêm option (dịch vụ ngoài tour), thu ngầm… có chiều hướng gia tăng, chưa có thuốc chữa.
Hậu dịch cũng chỉ ra những bất cập trong việc chọn thị phần khách. Hội An chưa có nhiều khách Tây nhưng có khách ta thế vào. Khánh Hòa và Đà Nẵng, khách tương đối ít, giá rất mềm, dịch vụ tốt hơn nhưng khách nội địa chưa mặn vì lâu nay chỉ tập trung khách Nga, khách Trung Quốc - hai thị trường dễ tính nhưng đầy bất trắc, không chỉ vì dịch bệnh mà cả chính trị.
Khách Trung Quốc từng bị cấm vào Hàn Quốc vì vài mâu thuẫn giữa chính phủ hai nước. Hai dòng khách này tới đâu thì khách Tây bỏ chạy, khách Việt cũng ngán ngại. Phan Thiết đã kịp thời sửa sai. Đáng lo nhất là dù khách vượt tải, một số cơ sở lưu trú và cả nhà hàng lớn vẫn đóng cửa vì đã kiệt sức trong dịch, chưa thể gượng dậy.
Thói quen du lịch nội địa cũng thay đổi. Lượng khách tự đi tăng gấp mấy lần trước dịch mà thiếu chuẩn bị nên dẫn đến nhiều lệ lụy. Các dịch vụ nhất là nhà hàng lúng túng vì khách không đặt trước. Không có hướng dẫn viên nhắc nhở, không ít khách tự đi xả rác bừa bãi. Nhiều tài xế tự lái không nắm rõ nhịp độ giao thông, dễ góp thêm phần kẹt xe.
Du lịch tự đi bùng nổ, kéo theo nạn chặt chém gia tăng. Đến nỗi, một số nhóm khách tự mang theo thực phẩm từ nhà cho chắc ăn. Du lịch kiểu khó làm sao trải nghiệm văn hóa ẩm thực, một phần quan trọng không thể thiếu của các chuyến đi.
Giải quyết tệ nạn này không quá khó. Bên cạnh việc phạt nặng để răn đe, khách nên nhờ các công ty lữ hành đặt dịch vụ, thường giá sẽ rẻ hơn tự đặt. Quan trọng là nếu dịch vụ không đảm bảo, có thể bắt đền theo hợp đồng; điều mà dịch vụ đặt qua các trang mạng không chịu trách nhiêm, bởi thực tế thuờng khác xa hình ảnh.
Nếu không có kế hoạch khẩn trương khắc phục, mùa cao điểm du lịch Inbound sắp tới, Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc giữ khách, mời khách quay lại và cạnh tranh với các nước trong khu vực. Khi du lịch Outbound mở hết cửa, du lịch nội địa cũng sẽ gặp không ít khó khăn. USD tăng giá với tiền đồng, du lịch Inbound có lợi nhưng Outbound gặp khó với các thị trường thanh toán bằng USD.
Rất cần những chính sách cụ thể, kịp thời giúp các doanh nghiệp giữ được nhịp độ tăng trưởng, nhanh chóng nâng cấp dịch vụ. Làm sao để các dịch vụ hiện nay đang chết lâm sàng vì đại dịch có điều kiện hồi phục đồng bộ, du lịch Việt Nam mới mong tăng trưởng bền vững.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận