DTL lặng lẽ rời sàn niêm yết, vì sao?
HĐQT Công ty CP Đại Thiên Lộc (HoSE: DTL) vừa thông qua Nghị quyết thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc hủy niêm yết tự nguyện tại sàn (HoSE).
Theo đó, sau khi rời sàn HOSE, Công ty sẽ đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM. Ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến bằng văn bản vào ngày 18/10 tới.
Trước đó, ngày 22/4, HoSE ban hành quyết định số 132/QĐ-SGDHCM đưa cổ phiếu DTL vào diện cảnh báo. Đến ngày 29/8, HoSE cho biết nhận được báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2019 của Công ty với khoản lỗ sau thuế công ty mẹ là 37,6 tỷ đồng, lỗ luỹ kế tại ngày 30/6 là 277,8 tỷ đồng.
Theo Ban Lãnh đạo HOSE, trong 6 tháng đầu năm 2019, do Công ty chưa khắc phục được tình hình kinh doanh dẫn đến cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo. Theo đó, HOSE sẽ tiếp tục duy trì diện cảnh báo đối với cổ phiếu DTL và sẽ xem xét hướng xử lý tiếp theo đối với cổ phiếu DTL sau khi có BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2019.
DTL là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thép lá mạ kẽm (tôn kẽm), thép lá mạ màu (tôn màu), mạ hợp kim nhôm-kẽm (tôn lạnh), thép lá cán nguội, thép ống hộp… Tuy nhiên, do khó khăn của thị trường thép nói chung từ năm 2018, DTL thua lỗ hơn 17 tỷ đồng.
Ngoài ra, việc đẩy mạnh quảng bá thương hiệu khiến chi phí bán hàng của DTL tăng mạnh, cộng với thị trường xuất khẩu gặp khó đã khiến lợi nhuận của DTL bị âm mạnh. Trên thị trường, không chỉ riêng DTL, mà các ông lớn trong ngành thép tiếp tục kinh doanh khó khăn trong thời gian qua như HPG, NKG...
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp trong ngành đã sản xuất thép đạt hơn 12,6 triệu tấn, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Lượng bán hàng hơn 11,6 triệu tấn, trong đó, xuất khẩu thép đạt hơn 2,4 triệu tấn.
Được biết từ 2/7 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ cho biết sẽ áp thuế hơn 450% đối với thép Việt Nam có xuất xứ Hàn Quốc, Đài Loan. Bộ Thương mại Mỹ cho hay đã phát hiện sản phẩm thép chống gỉ và thép cán nguội được sản xuất tại Việt Nam bằng thép chất nền có nguồn gốc từ Hàn Quốc và Đài Loan, vốn chịu thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp của Mỹ. Thuế quan đối với sản phẩm thép Hàn Quốc và Đài Loan có hiệu lực lần lượt vào tháng 12/2015 và tháng 2/2016. Kể từ thời điểm đó đến tháng 4/2019, xuất khẩu thép chống gỉ và thép cán nguội xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ đã tăng lần lượt 332% và 916% so với giai đoạn ngay trước đó. Dự kiến, Bộ Thương mại Mỹ sẽ thông báo quyết định cuối cùng về cuộc điều tra này vào cuối tháng 9/2019.
Trước tình hình khó khăn của ngành tôn thép mạ xuất khẩu trong năm 2019, ban lãnh đạo nhiều doanh nghiệp thép chủ yếu tập trung tái cơ cấu lại hệ thống sản xuất. Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt, trong 6 tháng đầu năm 2019, hoạt động kinh doanh chính của nhiều công ty thép vẫn lỗ. Trong đó, hoạt động kinh doanh của DTL thực chất cũng chưa phục hồi, tính hết quý 2/2019 lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ tiếp tục âm 6,238 tỷ đồng, đặc biệt nợ phải trả/vốn chủ sở hữu ở mức gần 180%.
Cho đến phiên giao dịch ngày 27/9, cổ phiếu này giảm sàn về mức 26.000 đồng/cổ phiếu. "Nếu lợi nhuận sau thuế tiếp tục âm trong những tháng cuối năm 2019, nhiều khả năng cổ phiếu DTL sẽ phải rời sàn", ông Nguyễn Quý Đông-Nhà đầu tư sàn ACBS nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận