24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Bảo An
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Dòng vốn quốc tế chảy thế nào trong năm 2021?

Hiệu quả và đầu tư tìm kiếm thị trường của các MNE vào một khu vực sẽ phụ thuộc vào các quốc gia trong khu vực đó áp dụng các chính sách tự do hóa thân thiện với nhà đầu tư.

FDI vào Việt Nam tăng trong lúc toàn cầu giảm

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam 10 tháng đầu năm theo hình thức đăng ký mới, điều chỉnh vốn và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp đạt 23,74 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong khi đó, theo Báo cáo đầu tư 2021 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) mới công bố, dòng vốn FDI toàn cầu dự kiến sẽ chạm đáy vào năm 2021 và phục hồi một phần với mức tăng khoảng 10-15%. Tác động của đại dịch khiến tất cả các thành phần của FDI đều giảm. Sự thu hẹp tổng thể trong hoạt động dự án mới, kết hợp với sự trì hoãn trong hoạt động mua bán và sáp nhập xuyên biên giới (M&As), đã dẫn đến dòng vốn đầu tư cổ phần giảm hơn 50%.

Đầu tư mới (Greenfield Investment – GI), vốn quan trọng hơn đối với các nước đang phát triển - tiếp tục xu hướng tiêu cực trong suốt năm 2020 và kéo sang quý đầu của năm 2021. Các khoản đầu tư mới vào ngành công nghiệp và các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng mới ở các nước đang phát triển bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Vẫn theo UNCTAD, việc thu hút vốn FDI sẽ không đồng đều. Các nền kinh tế phát triển được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng FDI toàn cầu, với mức tăng trưởng năm 2021 dự kiến ở mức 15%, cả do hoạt động M&A xuyên biên giới diễn ra mạnh mẽ và hỗ trợ đầu tư công quy mô lớn. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vào châu Á sẽ vẫn duy trì ổn định (8%); khu vực này đã nổi lên như một điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư quốc tế trong suốt thời kỳ đại dịch. FDI vào châu Phi, châu Mỹ La-tinh và Caribe sẽ không thể phục hồi đáng kể trong tương lai gần.

Môi trường đầu tư sẽ quyết định

Theo UNCTAD, Trung Quốc, Hàn Quốc và nhất là Đông Nam Á đang trở thành những địa bàn hoạt động lý tưởng. Tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài trên thế giới được thống kê năm 2013 đạt 1.450 tỷ USD. Vào lúc mà cả EU lẫn Bắc Mỹ chỉ giành được 250 tỷ USD của số vốn đầu tư trên, thì phần đổ vào châu Á là 426 tỷ USD. Châu Á chiếm đến gần 30% tổng FDI của toàn cầu. Đứng đầu danh sách vẫn là Trung Quốc, với 124 tỷ USD, chưa kể Hồng Kông và Đài Loan. Như vậy, một mình Trung Quốc chiếm đến 1/3 tổng đầu tư nước ngoài hướng về các nền kinh tế đang trỗi dậy của toàn châu Á.

Các chính sách kinh tế hạn chế của hầu hết các nước đang phát triển ở châu Á, châu Mỹ Latinh và châu Phi thường xuất phát từ khuynh hướng tả khuynh của họ. Điều này, cùng với những lợi ích lớn hơn của việc đầu tư vào Tây Âu, đã ngăn cản mọi nguồn vốn FDI đáng kể vào các khu vực Mỹ Latinh và châu Phi.

Thay vì sự thù địch trước đó đối với các tập đoàn đa quốc gia (MNE), các chính phủ hiện đã thành lập các cơ quan thu hút FDI. Do đó, hai yếu tố áp lực cạnh tranh gay gắt tích tụ tại các điểm đến FDI ban đầu và tự do hóa rộng rãi đồng thời của các nền kinh tế đã tác động song song để giúp thu hút FDI tìm kiếm hiệu quả vào các nước ASEAN.

Malaysia luôn duy trì một chế độ tự do đối với đầu tư nước ngoài. Đặc biệt vào cuối thập niên 80, sau khi tiếp tục tự do hóa các chính sách đầu tư nước ngoài, đảm bảo các ưu đãi và cơ sở vật chất hấp dẫn, tăng cường các nỗ lực xúc tiến đầu tư, dòng vốn FDI đổ vào lĩnh vực sản xuất tăng đáng kể. FDI đóng góp đáng kể không chỉ vào sự tăng trưởng GDP, mà còn từ góc độ thay đổi cơ cấu kinh tế, chuyển Malaysia từ cơ bản là sản xuất thô sơ sang một nền kinh tế công nghiệp hóa.

Trung Quốc ban đầu thực hiện chính sách mở cửa “từ từ”, chỉ thu hút FDI vào một số vùng đặc biệt (Khu kinh tế đặc biệt - SEZ) như một cuộc thử nghiệm về áp dụng Luật Liên doanh giai đoạn 1979 - 1985. Sau thành công của 4 SEZ, chính phủ Trung Quốc tiếp tục khuyến khích FDI, thành lập 14 thành phố mở duyên hải trong năm 1984.

Giai đoạn 1986 - 1991 đánh dấu sự mở cửa mạnh mẽ với việc mở ra thị trường hoán đổi ngoại tệ năm 1985, việc ban hành “Các quy định của Hội đồng Nhà nước về khuyến khích đầu tư nước ngoài” năm 1986, và “Luật về Các doanh nghiệp 100% sở hữu nước ngoài”.

Liên tục cải cách và mở cửa

Năm 1992, Trung Quốc thông báo tiếp tục chính sách đổi mới và mở cửa với mục tiêu “xây dựng một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Chính phủ tìm cách mở rộng chính sách khuyến khích FDI ra toàn đất nước. Giai đoạn này chứng kiến sự giao phó quyền lực từ chính quyền trung ương cho các chính quyền địa phương, dẫn đến kết quả hàng ngàn khu kinh tế và công nghệ được thành lập.

Năm 1997, để đối phó với ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính châu Á, Trung Quốc quyết định ban hành chính sách tự do hóa đồng tiền nhằm nâng cao cầu nội địa, chống lạm phát và tiếp tục nỗ lực thu hút FDI. Việc gia nhập WTO đánh dấu việc từng bước mở cửa hoàn toàn nền kinh tế.

Kết quả của việc cải cách và mở cửa nền kinh tế giúp Trung Quốc trở thành điểm đến hàng đầu của thu hút FDI của thế giới, góp phần nâng cao sản lượng công nghiệp, tăng doanh thu về thuế, gia tăng xuất khẩu, tạo lượng việc làm khổng lồ và hấp thụ chuyển giao công nghệ và bí quyết kỹ thuật. Theo nghiên cứu của UNCTAD, có 400 trong số 500 công ty đa quốc gia lớn nhất đã đầu tư vào Trung Quốc.

Việt Nam cũng là một ví dụ tiêu biểu cho việc mở cửa nền kinh tế đón dòng vốn FDI. Việt Nam có mức độ mở cửa kinh tế và thương mại cao. Về thương mại, là thành viên của ASEAN, được hưởng thị trường thương mại tự do của Cộng đồng ASEAN và chuỗi hiệp định thương mại tự do “ASEAN + 1”.

Việt Nam cũng đã tham gia CPTPP tiêu chuẩn cao và RCEP bao gồm Trung Quốc; đã ký Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU được gọi là “Hiệp định Thương mại Tự do Thế hệ mới” với EU và thuế quan đối với EU sẽ dần dần được giảm xuống 0. Chiến tranh thương mại đã khiến mức thuế quan giữa Trung Quốc và Mỹ tăng lên đáng kể, đồng thời làm nổi bật lợi thế về thuế quan thấp của Việt Nam.

Các biện pháp tự do hóa của Việt Nam không chỉ nhằm giảm chi phí thương mại, mà còn nhằm thúc đẩy cải cách trong nước, đạt được mở cửa chất lượng cao và tạo ra một chuỗi công nghiệp đa dạng và bền vững. Về đầu tư, tình hình chính trị của Việt Nam ổn định và phạm vi đầu tư được phép mở rộng. Theo Chỉ số hạn chế FDI năm 2019 do OECD tổng hợp, Việt Nam cởi mở hơn với đầu tư nước ngoài so với Trung Quốc nhưng vẫn đứng sau Singapore và Myanmar trong khối ASEAN.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả