Dòng tiền sẽ "chạy trước" nâng hạng, thanh khoản sẽ bùng nổ vào cuối năm nay?
Có một đặc điểm chung là không phải đến khi FTSE Russell công bố quyết định, thị trường chứng khoán mới có sự thay đổi về mặt điểm số hay thanh khoản, mà thường thị trường sẽ sôi động trước đó, thậm chí là trước cả năm.
Như VnEconomy đưa tin, trong kỳ đánh giá tháng 10/2024 vừa qua, FTSE Russell tiếp tục giữ nguyên Việt Nam ở vị trí theo dõi để nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2. FTSE Russell cho rằng việc duy trì tốc độ thay đổi là điều cần thiết nếu Việt Nam muốn đạt được thời hạn mục tiêu vào năm 2025.
THANH KHOẢN "CHẠY TRƯỚC" NÂNG HẠNG, BÙNG NỔ VÀO CUỐI NĂM 2024
Mặc dù chưa được nâng cấp, song trao đổi trong Talk show Phố Tài chính mới đây, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng đây là “thời điểm vàng” để đầu tư đón sóng nâng hạng.
BSC có đánh giá lại những đợt gần nhất mà FTSE Russell nâng hạng cho các thị trường chứng khoán khác, trong đó một số thị trường cũng khá nổi bật gần đây như thị trường chứng khoán Trung Quốc, thị trường Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống nhất, thị trường Ả Rập Xê Út, thị trường Qatar… thì có một đặc điểm chung là không phải đến khi FTSE Russell công bố quyết định, thị trường chứng khoán mới có sự thay đổi về mặt điểm số hay thanh khoản, mà thường thị trường sẽ sôi động trước đó, thậm chí là trước cả năm.
Đặc biệt, thanh khoản sẽ tăng lên rất nhanh, xu hướng nhà đầu tư nước ngoài cũng bắt đầu mua ròng từ trước khi quyết định nâng hạng được công bố. Và khi nhìn vào cơ chế vận hành của các nhà tạo lập chỉ số bao giờ họ sẽ phải tham khảo ý kiến của những người sử dụng là các quỹ đầu tư nước ngoài, vì vậy khi các nhà đầu tư đánh giá khả quan về một thị trường, họ cũng đã dự đoán rằng thị trường có khả năng cao được nâng hạng hay không.
Do đó, đôi khi thời điểm chính thức công bố nâng hạng, chúng ta còn có thể thấy thị trường điều chỉnh vì lúc đó gần như là tất cả các thành phần tham gia thị trường đều đã biết thông tin rồi.
Đối với Việt Nam, cũng sẽ không có quá nhiều khác biệt. Chúng ta cũng đã ở trong danh sách chờ nâng hạng từ năm 2018 đến nay, khoảng thời gian cũng khá dài và cũng nhiều nhà đầu tư nắm được thông tin là Việt Nam có tiềm năng được nâng hạng. Do vậy trong thời gian sắp tới, khi sự lạc quan về các tiêu chí đang dần thể hiện rõ hơn, chúng ta cũng sẽ nhìn thấy động thái của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài rõ ràng hơn.
BSC kỳ vọng thanh khoản của thị trường trong thời gian sắp tới, cụ thể là cuối năm 2024 và sang đầu 2025 sẽ tăng trưởng tương đối mạnh. Kỳ review gần nhất vào tháng 3/2025 và kỳ quan trọng hơn là kỳ review vào tháng 9 của năm 2025 sẽ là cơ hội lớn đối với thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng thành thị trường mới nổi theo tiêu chí của FTSE.
"Giai đoạn này rất quan trọng, vì nếu như chúng ta chờ đến khi việc nâng hạng đã xong thì lúc đó có đã có quá nhiều chuyển biến và những diễn biến thị trường cũng sẽ nhanh. Cho nên giai đoạn hiện tại vẫn còn ít nhất là sáu tháng đến một năm cho tới kỳ review quan trọng tiếp theo, đây gọi là thời điểm “vàng” cho tất cả các thành viên trên thị trường có sự chuẩn cho các cơ hội sắp tới", ông Long nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Duy Anh, Giám đốc Quản lý Danh mục đầu tư Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF) nhận định trên thế giới, rất nhiều quỹ đầu tư nước ngoài hàng ngày họ vẫn đang tìm kiếm các cơ hội ở vòng quanh thế giới và cũng có nhiều nhà đầu tư cũng muốn đón đầu cơ hội nếu thị trường Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Dự kiến sẽ có những quỹ gọi là quỹ đầu tư passive hay là quỹ đầu tư thụ động của nước ngoài, khi họ đầu tư theo các chỉ số, mà chúng ta lại được thêm vào danh sách chỉ số đấy thì chắc chắn họ sẽ phải mua theo. Vì vậy, các nhà đầu tư nước ngoài họ sẽ đi trước việc việc nâng hạng và sẽ đến Việt Nam trước để đầu tư vào các cổ phiếu trên thị trường Việt Nam.
Kỳ vọng cuối năm nay hoặc đầu năm sau chúng ta có thể thấy được các dòng tiền đó và làm sôi động thêm cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
Nếu chúng ta được thêm vào FTSE, VCBF đánh giá, dòng tiền vào sẽ tầm 500 - 600 triệu USD đầu tư vào Việt Nam theo dạng đầu tư chỉ số gọi là thụ động chứ chưa tính đến các quỹ đầu tư chủ động và nó đủ mang thêm luồng gió mới đến với thị trường.
Còn nhìn xa hơn, kỳ vọng nhiều hơn vào việc được nâng hạng dưới tiêu chuẩn của MSCI. Nếu MSCI họ nhìn thấy FTSE đã nâng hạng cho Việt Nam rồi và những khách hàng của FTSE hài lòng thì MSCI có thể sẽ đẩy nhanh quá trình nâng hạng cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Nếu thị trường chứng khoán được Việt Nam được nâng hạng theo MSCI, dòng tiền vào có thể lên đến 4-5 tỷ USD, sẽ là một luồng gió rất mạnh đối với thị trường Việt Nam.
NÂNG HẠN CHỈ LÀ "GIA VỊ", "MÓN CHÍNH" VẪN LÀ SẢN PHẨM TRÊN THỊ TRƯỜNG
Từ góc nhìn của một giám đốc phân tích, theo ông Trần Thăng Long, nâng hạng là thêm gia vị cho thị trường, chứ không là món chính, món chính vẫn là việc thị trường của chúng ta phải có những sự tăng trưởng cả về mặt vĩ mô cũng như chất lượng doanh nghiệp, chất lượng quản trị và những sản phẩm đa dạng ở trên thị trường.
Khi một quốc gia được nâng hạng trong hệ thống xếp hạng của FTSE hay MSCI, về cơ bản sẽ có hai chuyển biến nhanh nhất chúng ta sẽ nhìn thấy. Thứ nhất là các quỹ ETF, các quỹ passive, họ sẽ có phân bổ theo các chỉ số FTSE đã có với thị trường Việt Nam và phần đông trong các chỉ số đó là những cổ phiếu vốn hóa lớn và thanh khoản tốt, và những cổ phiếu này các nhà đầu tư cũng đã quen mặt rồi đặc biệt là trong danh sách VN30.
Thứ hai, phần đông các nhà đầu tư nước ngoài họ vẫn rất quan tâm đến những ngành mà có tăng trưởng dài hạn ở Việt Nam, chẳng hạn như những ngành liên quan đến chứng khoán, ngân hàng, công nghệ thông tin, tiêu dùng bán lẻ hay logistic và khu công nghiệp… đấy là những ngành vẫn đang nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài, nên nếu chúng ta được nâng hạng, thì mức độ quan tâm đó sẽ gia tăng.
Tất nhiên đây chỉ là phần nửa đầu của câu chuyện, nửa sau vẫn là sau khi nâng hạng chúng ta như thế nào. Bởi vì cũng có những trường hợp quốc gia sau khi nâng hạng một thời gian, họ lại không đáp ứng được các tiêu chí đó nữa thì họ lại bị chuyển từ thị trường mới nổi xuống thị trường cận biên hoặc bị chuyển ra khỏi cận biên, tác động xấu đến thị trường đó.
Do vậy, đây là một quá trình mà tất cả các thành viên thị trường, từ những người làm chính sách cho đến các doanh nghiệp hay các thành viên cung cấp dịch vụ thị trường và nhà đầu tư cần phải liên tục hoàn thiện, đóng góp vào sự phát triển chung của thị trường chứng khoán thì việc nâng hạng mới thực sự có ý nghĩa.
Ông Nguyễn Duy Anh cho rằng về bản chất, ngoài các mã cổ phiếu vốn hóa lớn, đáp ứng tiêu chí vào rổ chỉ số của FTSE hay MSCI, thì các ngành liên quan đến tiêu dùng, bán lẻ hoàn toàn có thể được hưởng lợi khi nền kinh tế tăng trưởng. Bên cạnh đấy, dòng vốn FDI vào Việt Nam rất lớn do vậy các bất động sản khu công nghiệp, hoặc các ngành nghề liên quan như công nghệ cao, các ngành công nghiệp phụ trợ cũng sẽ là các cơ hội đầu tư trên thị trường.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận