Dòng tiền ngoại tháo chạy khỏi thị trường 6 tuần liên tiếp, liệu có lo ngại?
Các nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh cơ cấu lại danh mục, đánh dấu tuần bán ròng thứ 6 liên tiếp với giá trị đạt 3.300 tỷ đồng.
Bất chấp những tín hiệu tích cực từ thị trường thế giới, đặc biệt khi chỉ số Dow Jones lập đỉnh mới và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất, các chỉ số chứng khoán trong nước vẫn diễn biến ngược chiều. Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khiến thanh khoản bình quân toàn thị trường giảm 27% so với tuần trước xuống còn 17.756 tỷ đồng/phiên.
Tính riêng trên HoSE, khối ngoại mua vào tổng cộng 280,1 triệu cổ phiếu và bán ra 408 triệu đơn vị, tương đương xả ra thị trường 127,9 triệu cổ phiếu với giá trị lên đến 3.482 tỷ đồng. Đây cũng là tuần bán ròng thứ 6 liên tiếp của khối này.
Trong đó, chứng chỉ quỹ FUEVFVND dẫn đầu giá trị bán ròng với 418 tỷ đồng, kế đó là các cổ phiếu bluechips như HPG của Hòa Phát (-367 tỷ đồng), VCB của Vietcombank (-264 tỷ đồng), STB của Sacombank (-262 tỷ đồng), VNM của Vinamilk (-261 tỷ đồng) và VPB của VPBank (-211 tỷ đồng).
Các mã nhóm chứng khoán như SSI, VCI, VIX, HCM cũng nằm trong danh sách bị khối ngoại hạ tỷ trọng đầu tư.
Từ đầu tháng 12 đến nay, khối ngoại đã bán ròng hơn 6.582 tỷ đồng trên HoSE. Tính từ đầu năm, giá trị bán ròng đã hơn 20.731 tỷ đồng. Nếu đà bán ròng tiếp tục nối dài, thành quả mua ròng của năm 2022 (gần 28.319 tỷ đồng) sẽ bị đe doạ.
Xung quanh diễn biến bán ròng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán trong nước, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư (SSI Research), Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho biết: Giá trị bán ròng của khối ngoại trên thị trường Việt Nam ở mức thấp so với các thị trường khác nếu tính cho 11 tháng năm 2023. Cụ thể, trong khu vực Đông Nam Á, thì xu hướng rút ròng nổi bật ở thị trường Thái lan lên tới 5,4 tỷ USD so với mức rút ròng tại Việt Nam (-554 triệu USD), Indonesia (-877 triệu USD), Philippin (-855 triệu USD). Dòng tiền đầu tư toàn cầu năm 2023 vào mạnh các thị trường lớn như Mỹ và Nhật bản và rút mạnh ở thị trường Trung Quốc.
Với giá trị bán ròng gần 13.000 tỷ đồng, chi tiết thì khối ngoại bán ròng chỉ tập trung cục bộ ở 3 mã EIB (-5.000 tỷ đồng), VPB (-3.000 tỷ đồng) và MWG (-3.200 tỷ đồng). Trong khi đó, ngược lại, khối ngoại mua ròng mạnh gần 900 tỷ đồng ở nhóm Tài nguyên cơ bản trong tháng 11 và lũy kế mua ròng hơn 6.000 tỷ đồng ở nhóm này từ đầu năm. Khối ngoại cũng tiếp tục mua ròng ở các các nhóm khác như: Hóa chất, Vật liệu xây dựng và Dầu khí trong 2 tháng gần đây.
Bà Hoàng Việt Phương cũng cho biết nguyên nhân khiến khối ngoại bán mạnh đến từ chênh lệch lãi suất thực của Mỹ và các quốc gia còn lại, bên cạnh chính sách tiền tệ của Việt Nam phân kỳ với chính sách tiền tệ của Mỹ và một phần đến từ hoạt động chốt lời sau giai đoạn mua ròng mạnh ở 3 tháng 11/2022, 12/2022 và tháng 1/2023 với tổng giá trị lên đến 32.500 tỷ đồng.
Cũng có thể thấy, khối ngoại bán ròng từ đầu năm đến nay tập trung ở một số mã cổ phiếu nhất định và cũng phản ánh phần nào hoạt động tái cơ cấu danh mục.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận