menu
Dòng tiền nào cho thị trường bất động sản trong năm 2020?
Lê Nam
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Dòng tiền nào cho thị trường bất động sản trong năm 2020?

Thời gian tới, khi tín dụng bất động sản được siết chặt thì vấn đề dòng tiền dành cho lĩnh vực này đang được doanh nghiệp, nhà đầu tư đặc biệt quan tâm.

Trong năm 2019, nền kinh tế Việt Nam phát triển tương đối tốt trong bối cảnh kinh tế và chính trị thế giới có nhiều biến động, kinh tế Việt Nam đã gặt hái được những thành tựu nhất định: tốc độ tăng trưởng 7,02% vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 6,8%; kiểm soát lạm phát dưới 4%; dự trữ ngoại hối tăng lên 80 tỷ USD và đang tiếp tục mua vào để nâng lên 100 tỷ USD; dòng vốn FDI nước ngoài vào Việt Nam cũng đạt kỷ lục.

Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, mặc dù phát triển không như mong muốn nhưng chỉ số Index vẫn tăng 8% và quy mô thị trường tăng 10%, dòng vốn nước ngoài vào thị trường này đạt 27 tỷ USD và tổng danh mục đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam lên 36,4 tỷ USD, chiếm gần 30% tổng vốn hóa của thị trường.

Hiện nay có 1.664 mã chứng khoán, trong đó có khoảng 120 mã cổ phiếu bất động sản. Vốn hóa thị trường hiện nay đạt khoảng 102% GDP, tỷ lệ vốn nước ngoài của công ty niêm yết chiếm khoảng 25% trong đó vốn của nước ngoài vào các công ty bất động sản chiếm 16%.

Về thị trường trái phiếu bất động sản năm 2019, theo số lượng thống kê đến cuối tháng 12/2019, tổng lượng trái phiếu bất động sản đạt khoảng 90.000 tỷ, với lãi suất bình quân 11 - 15%, đáng chú ý con số này gấp đôi lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại.

Trong bối cảnh tín dụng dành cho bất động sản ngày càng siết chặt, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, người tiêu dùng đang rất quan tâm tới vấn đề dòng tiền dành cho bất động sản trong năm 2020.

Tại hội thảo “Dòng tiền bất động sản năm 2020" do kênh truyền hình FBNC và tổng đài địa ốc phối hợp tổ chức vừa qua, ông Lê Nhị Năng, Trưởng cơ quan đại diện Ủy ban chứng khoán nhà Nước tại TP. HCM đã nhận định, chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, buộc các doanh nghiệp phải tìm kiếm các nguồn vốn khác thay thế.

Theo ông Năng, các nguồn vốn tín dụng có thể thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp, hợp tác với các đối tác nước ngoài, nhưng muốn vậy thì các doanh nghiệp bất động sản phải minh bạch hơn.

Trong bối cảnh hội nhập, thị trường có sự điều chỉnh và sự giám sát chặt chẽ của Nhà nước thì doanh nghiệp cần có tầm nhìn dài hạn hơn và đưa ra những sản phẩm phù hợp hơn với thị trường.

"Trong năm 2020, TP. HCM sẽ có nhiều phương án để tháo gỡ các dự án bất động sản tồn đọng từ năm 2019, như vậy thì lượng vốn cần sẽ rất lớn. Dự kiến trong năm 2020, trái phiếu sẽ tiếp tục là một kênh huy động trong bất động sản, và chúng tôi dự báo sẽ tăng 80 - 90%, đạt khoảng 200.000 tỷ", ông Năng cho biết.

Còn đối với thị trường chứng khoán thì luật chứng khoán mới đã được Quốc hội thông qua, luật mới tạo điều kiện cho thị trường minh bạch hơn và từng bước hội nhập sâu hơn với các thông lệ quốc tế của thị trường chứng khoán.

Trưởng cơ quan đại diện Ủy ban chứng khoán nhà Nước tại TP. HCM chi biết, "trong năm 2020, chúng tôi đang xây dựng 4 kiến nghị và 11 thông tư để hướng dẫn thi hành luật chứng khoán mới. Bên cạnh đó, giữa năm 2020, chúng tôi sẽ đưa hệ thống giao dịch mới vào vận hành, khi đó sẽ rút ngắn thời gian thanh toán hoặc cho phép bán chứng khoán trên đường về, đẩy mạnh các quỹ đầu tư, đưa nguồn vốn lớn vào thị trường để tăng nguồn cầu trên thị trường".

Sắp tới, Ủy ban Chứng khoán sẽ sắp xếp đáp ứng nhu cầu nâng hạng thị trường chứng khoán, khi đó, dòng vốn của các quỹ đầu tư nước ngoài hứa hẹn sẽ tăng mạnh vì nền kinh tế Việt Nam phát triển tốt, chính trị ổn định, là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư trên thị trường quốc tế.

Về định hướng phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam trong thời gian tới, ông Năng chia sẻ, theo lộ trình thì thị trường trái phiếu Việt Nam sẽ chiếm 45% GDP trong năm 2020 và chiếm 65% vào năm 2030. Năm 2020 dự báo sẽ bùng nổ phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Vấn đề đặt ra hiện nay là Việt Nam chưa có tổ chức xếp hạng, đánh giá mức độ rủi ro của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, đây là rào cản lớn. Ông Năng cho biết, thời gian qua, 90 - 95% doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ, các tổ chức mua phần lớn là công ty chứng khoán, ngân hàng, và các công ty tài chính chuyên nghiệp có đội ngũ phân tích sâu, có nguồn vốn lớn có khả năng chịu rủi ro. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ, đại chúng rất hạn chế, nhưng thực tế đây là nguồn lực rất lớn từ người dân.

Thêm nữa, về nguồn vốn đầu tư nước ngoài, vì thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc có mức lãi suất rất thấp khoảng 1% nên thị trường Việt Nam đang rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư từ các quốc gia này. Do đó, nguồn vốn nhàn rỗi quốc tế là rất lớn, vấn đề doanh nghiệp Việt cần phải minh bạch, có được sự tín nhiệm, các dự án có pháp lý đầy đủ để thu hút nguồn vốn này.

Còn ông Sử Ngọc Khương, Nguyên giám đốc đầu tư Savills thì đã nhắc lại câu chuyện năm 2011 liên quan đến việc điều hành chính sách tiền tê, khi room tín dụng dành cho vay bất động sản từ 37% xuống dưới 20%, lãi suất từ 12% lên trên 20% thì ngay lập tức doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư bất động sản lướt sóng không vượt qua nổi.

Trong năm 2019, Ngân hàng Mhà nước phát đi thông báo về lộ trình siết chặt tín dụng và được áp dụng trong năm 2020. Theo quan điểm của ông Khương, với nhóm doanh nghiệp lớn niêm yết hoặc chưa niêm yết có quỹ đất sạch thì cái mà họ quan tâm là liên doanh liên kết với các đối tác trong và ngoài nước. Bởi vì trong những năm vừa qua, họ đã có chiến lược trước thông qua việc mua bán sáp nhập ở cấp độ dự án.

Những doanh nghiệp lớn, uy tín, có quỹ đất sạch sẽ không bị ảnh hưởng, việc thắt chặt tín dụng chỉ ảnh hưởng tới doanh nghiệp chưa đủ lớn, chưa đủ uy tín, quỹ đất chưa sạch và ảnh hưởng người tiêu dùng mua bất động sản.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoReA), vào năm 2020 thì dòng tiền vào bất động sản là nguồn vốn nội lực của chính người tiêu dùng trong nước, để khơi thông nguồn vốn này thì doanh nghiệp cần thấu hiểu nhu cầu người tiêu dùng để đưa ra những sản phẩm nhà ở phù hợp.

HoReA có các khuyến nghị dành cho các doanh nghiệp bất động sản như hãy nỗ lực để trở thành doanh nghiệp có năng lực, có uy tín, khách hàng tin tưởng để được vay vốn ngân hàng thương mại; Hay doanh nghiệp cần tăng vốn chủ sở hữu; Thay đổi mô hình từ công ty TNHH thành công ty cổ phần để được niêm yết thị trường chứng khoán; Phát hành trái phiếu doanh nghiệp; Mở rộng hợp tác liên doanh liên kết trong nước.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả