Dòng tiền có xu hướng ‘né’ các cổ phiếu vốn hóa lớn
Việc thiếu động lực thúc đẩy giá ở nhóm vốn hóa lớn phần nào khiến chỉ số VN-Index khó bứt phá mạnh mẽ quanh ngưỡng 1.100 điểm. Chuyên gia cho rằng nhà đầu tư nên tập trung tìm kiếm cơ hội ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa, qua đó có thể đi đúng khẩu vị của dòng tiền hiện tại, cũng như tránh vấp phải cổ phiếu rủi ro cao thuộc nhóm vốn hóa nhỏ.
Thị trường chứng khoán vừa vận động tích lũy với biên độ hẹp trong một tuần có nhiều thông tin vĩ mô quan trọng. Tổng cộng, VN-Index kết thúc tuần 27/11 - 1/12 ở mức 1.102,16 điểm, tăng nhẹ 0,6% so với tuần trước đó và vượt lên vùng giá tâm lý. Dù vậy, nhìn rộng hơn, thị trường tuần qua vẫn có diễn biến giống như 3 tuần trước đó, với trạng thái biến động thấp trên nền thanh khoản không cao.
Cổ phiếu trụ bị “ghẻ lạnh”
Dòng tiền của các bên tham gia thị trường vẫn tỏ ra thận trọng, khi khối ngoại và tự doanh công ty chứng khoán tiếp tục bán ròng, nhà đầu tư cá nhân có dấu hiệu hạn chế giao dịch. Một số người tạm thời rời bỏ thị trường để chuyển sang kênh đầu tư khác, hoặc gửi tiết kiệm - con số tiền gửi tiết kiệm của dân cư vào các tổ chức tín dụng tăng 10% trong 9 tháng đầu năm nay phần nào cho thấy điều đó.
Điều này thể hiện ở việc thị trường vẫn lình xình quanh mốc 1.100 điểm trong hơn một tháng qua, dù rằng nhiều thông tin tích cực vẫn được đưa ra. Trong đó, nhóm cổ phiếu nhóm vốn hóa lớn liên tục trở thành “tội đồ” của thị trường và là tác nhân chính kìm hãm đà tăng.
Hầu hết trong những phiên giảm điểm mạnh, sự hoảng loạn của nhiều nhà đầu tư đều được kích hoạt từ diễn biến bán tháo ở nhóm cổ phiếu lớn. Như phiên 25/9, 26/10, 30/10, 10/11…
Có thể thấy, vấn đề cốt lõi nằm ở chính việc chỉ số chung dễ dàng bị ảnh hưởng bởi một vài cổ phiếu chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn trên sàn. Chỉ cần các nhà đầu tư tổ chức tung ra một lượng hàng vừa phải của mã cổ phiếu chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn trong VN-Index cũng đủ sức đạp thị trường rớt mạnh.
Trong khi đó, thanh khoản thị trường “heo hút” và dòng tiền có xu hướng “tránh né” các cổ phiếu vốn hóa lớn là nguyên nhân chủ yếu tạo ra những “sóng gió” này.
Cụ thể, thanh khoản của VN30 hiện chỉ chiếm khoảng 20% thanh khoản toàn sàn HoSE. Kể từ năm 2012 tới nay, vùng thanh khoản 19 - 21% chỉ xuất hiện 60 lần, trong khi vùng thanh khoản phổ biến nhất là 30 - 32%. Việc dòng tiền “né” cổ phiếu trụ sẽ cản trở đà hồi phục của thị trường chung.
Ngoài ra, sự kém sôi động của các cổ phiếu lớn cũng cho thấy dòng tiền của các nhà đầu tư tổ chức hoặc nhà đầu tư chuyên nghiệp chủ yếu vẫn đang trong trạng thái “án binh bất động”.
"Hiện, nhóm VN30 không được ưa chuộng do dòng tiền vào thị trường khá yếu, khó để giúp các cổ phiếu nhóm này tăng mạnh. Thêm vào đó, tâm lý nhà đầu tư e ngại các cổ phiếu ngân hàng do rủi ro nợ xấu ngày càng tăng cao”, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Trưởng nhóm vĩ mô và chiến lược thị trường, Trung tâm phân tích DSC đánh giá.
Tập trung tìm kiếm cơ hội ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa
Giới phân tích dự báo khả năng cao VN-Index sẽ tiếp tục vận động trong biên độ hẹp từ 1.070 - 1.130 điểm, trừ khi có thông tin mới mang tính đột biến xuất hiện thì mới có thể phá vỡ cấu trúc tích lũy.
“Thị trường cho thấy việc thiếu động lực thúc đẩy giá ở nhóm vốn hóa lớn phần nào khiến chỉ số VN-Index đang chững lại. VN-Index đang tạo nền tích lũy quanh vùng 1.100 điểm với thanh khoản ở mức thấp. Với việc liên tục vượt rồi sau đó lại mất mốc hỗ trợ/kháng cự mang tâm lý này, chỉ số có thể đang chờ đợi nhiều hơn các tín hiệu tại 2 mốc điểm quan trọng hơn là hỗ trợ tại vùng 1.080 điểm và kháng cự tại MA200 quanh vùng 1.120 điểm”, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng phân tích - Nghiên cứu Chứng khoán Agriseco nhận xét.
Tương tự, ông Đinh Quang Hinh, chuyên gia của Chứng khoán VNDirect cho rằng chỉ số VN-Index có thể tiếp tục tích lũy và xây nền tại vùng 1.080-1.020 điểm trước khi hướng tới các ngưỡng kháng cự cao hơn.
Do đó, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư giữ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức vừa phải, khoảng 30-40% danh mục, có thể giải ngân thăm dò khi về giá về vùng hỗ trợ tại kênh dưới để tìm lợi thế giá vốn. Đồng thời, nhà đầu tư có thể quan tâm tới một số nhóm ngành có triển vọng kết quả kinh doanh quý IV cải thiện và có câu chuyện phục hồi hoặc tăng trưởng, như nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công bao gồm xây dựng và vật liệu xây dựng, nhóm chứng khoán, nhóm dầu khí.
Trong đó, nên tập trung tìm kiếm cơ hội ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa, qua đó có thể đi đúng khẩu vị của dòng tiền hiện tại, cũng như tránh vấp phải cổ phiếu rủi ro cao thuộc nhóm vốn hóa nhỏ. Nếu nhà đầu tư ưa thích các cổ phiếu lớn thì nên chờ thời điểm VN-Index có nhịp điều chỉnh xuống khu vực 1.000 - 1.030 điểm để tiến hành mua gom.
Cũng cần nhìn nhận rằng nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ là nhóm có hiệu suất tốt nhất từ đầu năm đến nay và định giá của nhóm này cũng đã vượt đỉnh lịch sử và vượt xa giai đoạn tiền rẻ năm 2021. Trong đó, nhóm cổ phiếu mid-cap do có vốn hóa trung bình nên dễ bị tác động bởi dòng tiền đầu tư hơn, tăng không ổn định. Điều này báo động thị trường có thể sẽ phải đối mặt với áp lực giảm điểm lớn để đưa định giá về mức hấp dẫn hơn.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, thời gian tới, cổ phiếu sẽ có sự phân hóa rõ ràng hơn. Nhóm cổ phiếu small-cap với mức P/E đạt 19,5 đã rất cao. P/E cao không phải là vấn đề nếu doanh nghiệp có thể tăng trưởng nhanh, nhưng ở thời điểm nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện tại thì các doanh nghiệp gặp khó nhất chính là các doanh nghiệp small-cap. Vì vậy, nhà đầu tư nên đi tìm các cổ phiếu mid-cap có câu chuyện riêng, có khả năng tăng trưởng kinh doanh
“Các nhà đầu tư nên chú ý đi tìm những câu chuyện riêng của doanh nghiệp, và lọc ra những cổ phiếu mid-cap có triển vọng kết quả kinh doanh quý IV, vì những mã này sẽ vẫn được thị trường trả thưởng xứng đáng dù bối cảnh chung đi ngang”, ông Hiệp khuyến nghị.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận