Đông Nam Á thận trọng trước cảnh báo của ông Trump về đồng USD
Các quốc gia Đông Nam Á nên cân nhắc đến rủi ro khi gia nhập BRICS, trước mối đe dọa áp thuế của ông Donald Trump nếu khối này tạo ra loại tiền tệ đối thủ với đồng USD.
Các nước Đông Nam Á đang phải đối mặt với những rủi ro địa chính trị và kinh tế ngày càng gia tăng khi liên kết với các nước BRICS, đặc biệt sau lời đe dọa áp thuế quan nặng nề gần đây của tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social ngày 1/12, ông Donald Trump đã đe dọa sẽ áp thuế 100% đối với các quốc gia BRICS, nếu họ tạo ra một loại tiền tệ đối thủ với đồng đô la Mỹ. Ông khẳng định: "Không có cơ hội nào BRICS có thể thay thế đồng USD trong thương mại quốc tế. Bất kỳ quốc gia nào cố gắng đều nên tạm biệt nước Mỹ".
Những tuyên bố này không chỉ nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế của Mỹ mà còn phản ánh quan điểm cứng rắn của chính quyền ông Trump đối với BRICS, coi đây là mối đe dọa trực tiếp đến sự thống trị toàn cầu của Mỹ.
Chia sẻ với truyền thông, PGS Pavittarbir Saggu tại Cao đẳng Sri Guru Gobind Singh, Ấn Độ cho biết : "Lời cảnh báo cho thấy các quốc gia này cần cân nhắc kỹ lưỡng tư cách thành viên BRICS so với sự phụ thuộc kinh tế của họ với Hoa Kỳ".
Vào tháng 10, tại hội nghị thượng đỉnh BRICS mở rộng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ủng hộ một hệ thống thanh toán quốc tế thay thế, để ngăn chặn Hoa Kỳ sử dụng đồng USD như một "vũ khí" chính trị.
Đồng thời, bốn quốc gia Đông Nam Á gồm Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Thái Lan cũng đã trở thành các quốc gia đối tác của BRICS trong nỗ lực tăng cường cơ hội thương mại và đa dạng hóa các lựa chọn của họ trước bối cảnh bất ổn địa chính trị.
Peter Mumford, người đứng đầu mảng tư vấn rủi ro chính trị tại Đông Nam Á của Eurasia Group, bình luận ngay cả khi lời đe dọa của ông Donald Trump không thành hiện thực, thì điều đó cũng làm nổi bật những rủi ro tiềm ẩn của tư cách thành viên BRICS đối với khu vực này.
Phát biểu với This Week in Asia, Mumford bày tỏ việc gia nhập BRICS là "thách thức" đối với các nước Đông Nam Á muốn có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc, trong khi vẫn dựa vào đầu tư từ Nhật Bản, Hoa Kỳ và châu Âu .
“Trong mắt Nhật Bản, Hoa Kỳ và Châu Âu, tư cách thành viên BRICS có thể được coi là sự dịch chuyển khỏi sự trung lập về địa chính trị và có thể khiến các quốc gia này kém hấp dẫn hơn với tư cách là điểm đến đầu tư. Có thể các nước Đông Nam Á nhìn thấy những lợi ích kinh tế tiềm năng khi trở thành thành viên BRICS, nhưng liệu điều đó có dẫn đến việc tăng đầu tư từ Trung Quốc hay các thành viên khác hay không? Chỉ riêng chiến lược phòng ngừa rủi ro của Việt Nam là lý tưởng, vì nước này không tìm kiếm tư cách thành viên chính thức như các nước còn lại”, ông nói.
Lưu ý về xung đột ở Trung Đông có thể đã thúc đẩy Malaysia và Indonesia gia nhập BRICS, vị chuyên gia cho rằng có thể Kuala Lumpur và Thái Lan cảm thấy BRICS sẽ mang lại cho họ tiếng nói lớn hơn trên trường quốc tế.
Hãng thông tấn quốc tế dẫn lời PGS Saggu, mặc dù nỗ lực của BRICS nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ có thể tạo ra lợi ích lâu dài, nhưng nó khiến các nước thành viên bất đồng quan điểm với Hoa Kỳ - quốc gia có ảnh hưởng đáng kể đến thương mại và tài chính toàn cầu, đặc biệt khi đồng USD chiếm gần 60% dự trữ quốc tế vào năm 2024.
“Xét đến sự phụ thuộc của Đông Nam Á vào đồng đô la Mỹ, việc trở thành thành viên chính thức của BRICS sẽ gây ra rủi ro cho các nước Đông Nam Á vì nó có thể dẫn đến một số biện pháp trừng phạt hoặc hạn chế tiếp cận thị trường.
Vì vậy, thay vì trở thành thành viên chính thức, các quốc gia vẫn nên là đối tác của khối, cho phép họ khám phá các cơ hội kinh tế mới. Ngược lại, tư cách thành viên đầy đủ có thể giúp họ phù hợp với chương trình nghị sự phi đô la hóa của BRICS, từ đó trở thành mục tiêu của các chính sách bảo hộ của Hoa Kỳ”, GS Saggu gợi ý.
Năm 2023, thương mại hai chiều giữa Hoa Kỳ và khối Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 thành viên đạt 395,9 tỷ đô la Mỹ, trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN trong số các đối tác.
Hoa Kỳ cũng là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất vào ASEAN trong năm 2023, với tổng dòng vốn chảy vào lên tới 74,4 tỷ đô la Mỹ, chiếm 32,4% tổng FDI của ASEAN.
TS Oh Ei Sun, cố vấn chính tại Trung tâm nghiên cứu Thái Bình Dương của Malaysia cho biết, động thái của ông Donald Trump nhằm mục đích cảnh báo việc các thành viên BRICS từ bỏ đồng USD làm đơn vị tiền tệ thanh toán thương mại. Thực tế, các nước BRICS vẫn được chào đón giao dịch với nhau, nhưng họ phải thanh toán giao dịch bằng đồng đô la Mỹ.
“Hơn nữa, vẫn phải chờ xem liệu tư cách thành viên BRICS có mang lại bất kỳ cơ hội cụ thể nào hay không, vì đây không phải là một hiệp định thương mại tự do hay sáng kiến phát triển như BRI (Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc)”, ông Oh nói.
Được thành lập bởi Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil cách đây 15 năm, BRICS đã chào đón một số nền kinh tế mới nổi, bao gồm Nam Phi vào năm 2010 và gần đây hơn là Iran, Ai Cập, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Vào tháng 7, Trung Quốc cho biết họ ủng hộ đơn xin gia nhập BRICS của Malaysia, đồng thời hoan nghênh các đối tác có cùng chí hướng tham gia khối này để tạo ra một trật tự quốc tế công bằng, bình đẳng hơn và đa cực - theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lin Jian.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường