“Đón sóng” cổ phiếu cuối năm
Kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong những tháng cuối năm nay, sẽ tạo đà cho nhiều nhóm ngành bứt phá.
Đà phục hồi của nhiều nhóm ngành trong 6 tháng đầu năm nay cũng sẽ “tiếp sức” cho các ngành tăng trưởng mạnh cuối năm.
Tiếp đà phục hồi
Theo FiinTrade, tính đến ngày 21/7/2024, đã có 238 doanh nghiệp đại diện 24% tổng giá trị vốn hóa trên HOSE, HNX và UPCoM đã công bố báo cáo tài chính cho quý 2/2024. Trong đó, tổng lợi nhuận sau thuế quý 2/2024 của 238 doanh nghiệp này tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2023, chững lại so với mức tăng trưởng của quý 1 trước đó là 24,6%, chủ yếu do nhóm phi tài chính.
Tăng trưởng lợi nhuận quý 2 của các doanh nghiệp nói trên được đóng góp chủ yếu bởi nhóm ngân hàng (MBB, LPB); nhóm chứng khoán (SSI, VCI, HCM, SHS); nhóm xây dựng (CII, HBC, SBM, NHA); nhóm bất động sản nhà ở (VHM); nhóm thép (TMG, KTL); nhóm vận tải thủy (VOS, VTO); nhóm phân bón (LAS, DDV, BFC)…
Cụ thể, LPB ghi nhận lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 5.919 tỷ đồng, tăng trưởng 142% so với cùng kỳ; TCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế ngân hàng mẹ quý 2/2024 đạt 8.122 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ; MBB cũng ước tính lợi nhuận tăng gần 16% so với cùng kỳ, đạt 5.776 tỷ đồng…
Ngược lại, nhóm doanh nghiệp niêm yết ghi nhận lợi nhuận suy giảm so với cùng kỳ là cảng hàng không (ACV); khí (GAS); điện (SBH, NT2, QTP, HND); ông nhựa (BMP); dược phẩm (DHG, IMP).
Dù chưa có bức tranh lợi nhuận hoàn chỉnh quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết, nhưng các số liệu nói trên đã phần nào cho thấy lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết quý 2 có thể đã đảo chiều tăng mạnh.
Nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2024, được thúc đẩy bởi sự phục hồi mạnh mẽ của xuất khẩu và cải thiện đầu tư (cả khu vực tư nhân và nhà nước). GDP năm 2024 dự kiến sẽ tăng trưởng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với năm 2022 là 7,9% nhưng cao so với mục tiêu của Chính phủ là 6,5%.
Triển vọng kinh tế vĩ mô phục hồi cho thấy sự cải thiện trong thu nhập dự phóng cho năm tài khóa 2024-2025. Điều này sẽ báo hiệu tốt cho việc mở rộng thị trường hơn nữa. Mặc dù lãi suất tiền gửi có dấu hiệu nhích lên, nhưng mức tăng này vẫn thấp hơn so với thời điểm đại dịch COVID-19. Lãi suất thấp sẽ tiếp tục góp phần thu hút dòng vốn vào thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên theo MBS, chỉ số CPI có thể tăng trong nửa cuối năm nay, đẩy CPI trung bình năm 2024 lên 4,3%, gần với mục tiêu của chính phủ. Bất kỳ rủi ro tăng nào đối với lạm phát đều có thể khiến NHNN chuyển hướng ưu tiên sang kiểm soát lạm phát hơn là kích thích kinh tế, có nghĩa là tăng lãi suất điều hành.
Mặc dù vậy, triển vọng TTCK cuối năm có thể vẫn tích cực. Đợt tăng mạnh gần đây của TTCK đã khiến một số nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu thị trường đã đạt đỉnh hay chưa. Tuy nhiên, MBS cho rằng thị trường chưa đạt đến giới hạn và dự đoán VN-Index sẽ đạt 1.350 – 1.380 điểm vào cuối năm nay.
Tính đến ngày 21/6, VN-Index giao dịch ở mức 14,6 lần P/E 12 tháng, cao hơn 6% so với mức trung bình 3 năm (13,8 lần) và thấp hơn 14% so với mức đỉnh 3 năm (16,7 lần vào quý 4 năm 2021). Tuy nhiên, sự tăng giá gần đây của các cổ phiếu vốn hóa trung bình đã đưa định giá VNMID lên 17,1 lần P/E, cao hơn khoảng 17% so với VN-Index. Thậm chí, các cổ phiếu mid-cap hiện đang được giao dịch ở mức P/B tương đương với các cổ phiếu vốn hóa lớn (large-cap). Trong khi đó, định giá của các cổ phiếu large-cap (được đại diện bởi VN30 và VNX50) thấp hơn khoảng 11% so với trung bình thị trường. Như vậy, định giá của các cổ phiếu large-cap có vẻ hấp dẫn về tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận trong năm tài chính 2024-2025 so với các nhóm khác.
Với triển vọng nói trên, nhiều khả năng một số nhóm ngành sẽ hưởng lợi.
Thứ nhất, ngành dịch vụ tài chính sẽ có lợi nhuận tăng trưởng mạnh nhất khi lãi suất vẫn còn ở mức thấp dù các ngân hàng đã rục rịch tăng lãi suất huy động. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng sẽ là ngành đại diện cho sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam.
Thứ hai, đầu tư công sẽ tăng tốc trong những tháng tới nhờ những nỗ lực gần đây của Chính phủ. Do đó, các công ty xây dựng cơ sở hạ tầng được chỉ định thầu cho các dự án lớn và các công ty cung cấp vật liệu xây dựng (đá, thép) sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.
Thứ ba, giải ngân đầu tư từ khối doanh nghiệp Nhà nước sẽ đi vào lĩnh vực năng lượng. Hoạt động thăm dò và khai thác của ngành dầu khí sẽ được đẩy mạnh để tăng cường nguồn cung cấp năng lượng. Bên cạnh đó, ngành điện cũng bước sang một chương mới sau khi Quy hoạch điên VIII được phê duyệt.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận